08/07/2019 09:07 GMT+7

Phải biết mình đưa thuốc gì vào miệng

HÀ MI - HỒNG VÂN (ghi)
HÀ MI - HỒNG VÂN (ghi)

TTO - Việc nhiều người dân dễ dàng mua và sử dụng thuốc, nhất là các loại kháng sinh, gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe.

Phải biết mình đưa thuốc gì vào miệng - Ảnh 1.

Một quầy thuốc tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯƠNG

Trong mắt bạn bè quốc tế, cần làm gì để thay đổi thói quen cũng như các cơ quan quản lý cần có giải pháp gì để giúp người dân?

* Anh MICHAEL DOLAN (người Ireland): Nên biết rõ mình đang uống cái gì

Phải biết mình đưa thuốc gì vào miệng - Ảnh 2.

Tôi còn nhớ có lần bị cảm cúm khá nặng nên đã tìm đến một nhà thuốc tại TP.HCM để mua thuốc. Dược sĩ hỏi tôi về triệu chứng bệnh tình và tôi có mô tả lại, sau đó cô này đưa tôi thuốc tương ứng với những triệu chứng của tôi.

Khi về đến nhà, tôi mở bịch thuốc ra kiểm tra và thật bất ngờ, bốn trong số năm viên thuốc tôi được dược sĩ bán cho lại là thuốc chuyên dụng để điều trị những căn bệnh khá nặng như viêm phổi và ung thư.

Tôi đã không uống các loại thuốc đó dù cô bạn gái người Việt của tôi phản đối rất gay gắt, khẳng định bệnh tình của tôi phải nghiêm trọng lắm dược sĩ mới đưa những viên thuốc này.

Ở nước tôi, có lẽ ai cũng biết việc sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của con người. Tôi không nghĩ điều này được nhiều người Việt biết để họ tránh lạm dụng thuốc, bởi lẽ lần nào bị ốm tôi cũng phải cãi nhau với bạn gái người Việt và dược sĩ để không kê cho tôi những loại thuốc này.

Tôi thấy người Việt không thường tìm hiểu những viên thuốc họ uống, những viên thuốc họ được bán hay tác dụng phụ của thuốc. Đồng thời, bác sĩ và dược sĩ cũng không bao giờ giải thích cho người dân những viên thuốc họ được nhận có tác dụng như thế nào.

Ở Việt Nam, thuốc được bán lẻ thay vì trong từng hộp như nước tôi, nên chẳng mấy khi người dùng có được tờ hướng dẫn sử dụng của mỗi hộp thuốc.

Chính vì vậy, tôi nghĩ cơ quan nhà nước cần phải yêu cầu bác sĩ và dược sĩ giải thích rõ công dụng của mỗi loại thuốc kê cho bệnh nhân, cũng như tập cho người dân thói quen luôn tìm hiểu thuốc trước khi bắt đầu đưa vào người.

* Anh JOHN BAYARONG (người Philippines): Mua kháng sinh thật dễ!

Phải biết mình đưa thuốc gì vào miệng - Ảnh 3.

Tôi thấy việc mua thuốc kháng sinh ở TP.HCM quá dễ dàng. Chỉ cần bạn biết tên và loại thuốc mình muốn mua là sẽ mua được ngay. Tại Philippines cũng như nhiều nước, muốn mua thuốc kháng sinh phải có toa của bác sĩ.

Tôi nghĩ việc cấm bán các loại thuốc kháng sinh tràn lan ở Việt Nam không phải là điều khó, tuy nhiên tôi không biết ngành y tế có sẵn sàng làm việc này hay không. Nếu nói về quy định phải có đơn của bác sĩ mới bán thuốc thì tôi nghĩ chưa thích hợp với thực tế tại Việt Nam. Việc mua thuốc theo đơn, tôi không chắc rằng đây là cách để giải quyết hiện tượng kháng thuốc mà nhiều người Việt đang đối mặt.

Thay vào đó, tôi cho rằng khi "tự kê đơn" để đi mua thuốc thì bạn phải là người có đầy đủ thông tin và hiểu biết về loại thuốc mình muốn sử dụng. Ngoài ra, các nhà chức trách phụ trách lĩnh vực này, sở y tế, các bệnh viện, dược sĩ... phải có trách nhiệm giúp người dân dùng thuốc sao cho đúng cách.

Trước mắt, ngay từ bây giờ các dược sĩ và nhân viên nhà thuốc nên giải thích cho người dân, cung cấp hướng dẫn sử dụng thuốc và dặn dò kỹ càng để đảm bảo người dân dần dà học được cách dùng thuốc cho đúng.

* Ông DAVID JAMES (người Anh): Phạt tù 5 năm nếu dược sĩ bán thuốc sai

Phải biết mình đưa thuốc gì vào miệng - Ảnh 4.

Ở Anh, những loại thuốc có thể mua không cần toa là thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, aspirin, co-codamol viên nén hoặc viên sủi trị cảm lạnh, cảm cúm thông thường. Bạn cũng có thể mua một số loại kem bôi chống nhiễm trùng.

Tuy nhiên, tôi được biết ở Việt Nam việc mua thuốc không cần đơn của bác sĩ khá dễ dàng. Điều này có thể chứa đựng những rủi ro không ngờ, nhất là nếu các loại thuốc đó có khả năng gây nghiện. Người dân cần có hiểu biết đúng đắn về việc sử dụng thuốc và sự nguy hiểm của việc uống thuốc quá liều hoặc quá lâu mà không có lời khuyên của bác sĩ.

Ở Anh, thuốc kháng sinh phải do bác sĩ kê đơn và phải đủ liều dùng cho một tuần để tránh nguy cơ kháng thuốc. Có thể nhờ vậy tôi thấy người dân khỏi khá nhanh với các bệnh phải điều trị với kháng sinh. Bạn không thể mua thuốc trong danh mục kê đơn nếu không có toa của bác sĩ.

Quy định của nhà chức trách rất nghiêm ngặt. Dược sĩ nào phạm luật sẽ bị tước bằng và còn có thể bị phạt tù ít nhất 5 năm. Theo tôi, cơ quan chức năng cần chủ động hơn trong việc giúp người dân hiểu biết đầy đủ về nguy cơ của việc lạm dụng thuốc hoặc uống thuốc bừa bãi.

* Chị ĐẶNG PHI NHẬT HẢO (Việt kiều Mỹ): Dược sĩ phải biết trách nhiệm của mình

Phải biết mình đưa thuốc gì vào miệng - Ảnh 5.

Hiện tôi là sinh viên năm 3 ngành dược. Môn đầu tiên chúng tôi phải học khi bước vào ngành này là luật dược. Nghề dược là một nghề có thu nhập tốt ở Mỹ nhưng đòi hỏi dược sĩ phải hiểu rõ trách nhiệm của mình để làm đúng chuyên môn và pháp luật.

Ở Mỹ, kháng sinh là thuốc bán theo đơn. Khi bán kháng sinh, dược sĩ có nhiệm vụ giải thích thật kỹ cho bệnh nhân là họ phải uống hết thuốc, dù hết bệnh vẫn phải uống đủ liều để tránh bị kháng thuốc. Làm sai luật, dược sĩ có thể bị tước bằng, bị phạt tiền hoặc có thể phải ở tù. Đó là những cái giá rất lớn khiến bất cứ ai cũng phải suy nghĩ thật kỹ trước khi đánh đổi sự nghiệp của mình.

Riêng đối với các loại thuốc có khả năng gây nghiện được quản lý nghiêm ngặt theo một chương trình riêng của Cơ quan phòng chống ma túy DEA (Drug Enforcement Administration). Cả dược sĩ và bác sĩ đều có thể kiểm tra lịch sử điều trị của bệnh nhân với chương trình DEA này bằng cách nhập ngày tháng năm sinh và tên bệnh nhân để truy cập thông tin lịch sử điều trị của họ. Chương trình DEA sẽ cho biết bệnh nhân đã sử dụng các loại thuốc nằm trong danh mục thuốc bị quản lý với số lượng như thế nào.

Dược sĩ trước khi bán thuốc có thể gây nghiện cho bệnh nhân phải kiểm tra kỹ rồi quyết định xem bệnh nhân có thực sự cần thuốc hay không. Nếu thấy từ chối bán thuốc là phù hợp, dược sĩ có quyền không bán thuốc cho bệnh nhân.

Mỗi bác sĩ và cả dược sĩ đều có một mã số trên chương trình quản lý thuộc DEA. Dược sĩ kiểm tra mã số này sẽ biết bác sĩ nào là người kê toa cho bệnh nhân nên không có chuyện giả đơn thuốc.

Trong chiến dịch tuyên chiến với thuốc giảm đau gây nghiện, Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định bác sĩ nào kê thuốc giảm đau gây nghiện để kiếm lời, hay dược sĩ để thuốc lọt ra ngoài một cách gian lận sẽ bị truy tố. Người cầm toa đi mua thuốc thay phải có sự ủy quyền của bệnh nhân. Mỗi tháng nhà thuốc phải kiểm kê số lượng thuốc có nguy cơ gây nghiện để đảm bảo chúng không bị mất. Nếu mất phải báo cho Hội đồng quản lý dược và DEA.

Khẩn cấp ngăn chặn tình trạng kháng thuốc

Theo nhóm điều phối liên ngành của Liên Hiệp Quốc, nếu không có hành động kịp thời, các bệnh kháng thuốc có thể gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm bởi ngày càng nhiều bệnh phổ biến không thể điều trị được do kháng thuốc.

Riêng Việt Nam, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng cảnh báo trong một hội nghị mới đây: "Việc quản lý và mua bán thuốc ở Việt Nam lỏng lẻo. Tỉ lệ kháng kháng sinh cao bậc nhất thế giới".

Theo khảo sát của ngành y tế, từ năm 2009 đến nay lượng thuốc kháng sinh ở nước ta được bán ra đã tăng gấp hai lần so với trước đó. Thuốc kháng sinh được bán không kê đơn chiếm 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn.

HOÀNG LỘC

Mua bán thuốc không toa nên mới dùng

TTO - Toa thuốc với người bệnh chính là 'bửu bối'. Toa đúng, trúng, đủ... đồng nghĩa với việc người bệnh có thêm niềm hi vọng điều trị dứt điểm bệnh tật, còn ngược lại họ sẽ phải đối diện với một hiểm họa khôn lường.

HÀ MI - HỒNG VÂN (ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên