Người nộp thuế đã tạo ra giá trị gia tăng, thặng dư cho xã hội và đóng góp cho ngân sách nhà nước, thế nhưng chính sách thuế chưa nâng niu, trân trọng đối tượng này. Bảo vệ người nộp thuế hơn nữa, như chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận.
"Trong khi đó, quyền của người nộp thuế, chủ yếu là doanh nghiệp và người dân, còn rất ít. Chưa kể, chính sách thuế luôn được giải thích theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, còn doanh nghiệp và người dân có kêu oan cũng bị áp đặt là vi phạm. Do đó, đây là vấn đề lớn mà toàn ngành thuế phải tập trung thảo luận. Việc sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Được bảo vệ, đó là kỳ vọng của người nộp thuế, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp vốn lắm phen vất vả khi rơi vào tình huống bị cơ quan thuế áp đặt, đối xử chưa công bằng. Vậy cần phải làm gì để bảo vệ người nộp thuế?
Trước tiên, người nộp thuế cần phải được trân trọng. Tinh thần này phải được phản ánh vào tư tưởng xây dựng chính sách, cách ứng xử của nhân viên thuế với doanh nghiệp.
Hiện nay, dường như từ cơ quan soạn thảo chính sách đến thực thi luôn nghi ngờ người nộp thuế có nguy cơ trốn thuế mà thiếu hẳn sự tin cậy.
Cũng cần phải chấm dứt tình trạng giải thích, hướng dẫn chính sách thuế theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước.
Cần lưu ý rằng các bức xúc về chính sách thuế, thủ tục hải quan chủ yếu rơi vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì họ hiểu biết pháp luật thuế còn hạn chế nên dễ bị áp đặt hơn các doanh nghiệp quy mô lớn.
Chính sách thuế thay đổi liên tục cũng cho thấy việc xây dựng chính sách chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội, thiếu phản biện, thiếu thực tế đời sống. Trong khi yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp là chính sách thuế phải ổn định để người kinh doanh không bị "lỡ bộ", gặp khó khăn bởi lý do thay đổi chính sách.
Tuy nhiên, bớt đi những quy định thuế kiểu làm khó, hiểu sao cũng được vẫn chưa đủ. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc thì đội ngũ thuế phải giúp đỡ tận tụy, phải xem doanh nghiệp là bạn đồng hành, anh có làm ăn tốt thì tôi mới thu được thuế cho Nhà nước.
Tất nhiên ngành thuế, hải quan thời gian qua luôn khẳng định đồng hành với doanh nghiệp. Nhưng giữa kêu gọi, khẩu hiệu và thực tế phải song hành với nhau. Muốn vậy, mọi thứ phải được phản ánh trong những quy định về bảo vệ người nộp thuế.
Quan hệ giữa người nộp thuế và cơ quan thuế phải trên cơ sở bình đẳng, không thể cơ quan thuế hoàn thuế rất chậm trong khi doanh nghiệp phải nộp thuế đủ và đúng thời hạn, nếu nộp trễ là bị phạt.
Luật thuế có những điều khoản bảo vệ người nộp thuế không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà còn cải thiện môi trường đầu tư, giảm bớt nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ thuế. Bởi khi đó, người nộp thuế được bảo vệ trong suốt quá trình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế chứ không đợi đến khi bị áp đặt, bất đắc dĩ mới đưa cơ quan thuế ra tòa.
Một khi người nộp thuế được bảo vệ, chắc chắn sẽ làm thay đổi cách nhìn về doanh nghiệp, cách ứng xử, phẩm chất đạo đức của đội ngũ thuế.
Đó là điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong đợi sớm thành hiện thực, khi đó họ chỉ chú tâm vào làm ăn, không còn bị mất công sức để đối phó với thuế, hải quan...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận