25/11/2024 11:23 GMT+7

Phá 'cục máu đông', mở lối lưu thông

Hội nghị tham vấn năm dự án BOT cửa ngõ theo nghị quyết 98 vừa được Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức có sự tham gia của rất đông các nhà đầu tư, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông hàng đầu của cả nước.

Phá 'cục máu đông', mở lối lưu thông - Ảnh 1.

TP.HCM tính toán thêm việc làm đường trên cao cho quốc lộ 13 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Đây thực sự là tin vui không chỉ cho các dự án từ nghị quyết 98 mà còn là sự kỳ vọng vào khả năng thu hút nguồn vốn tư nhân cho các dự án giao thông, vốn đang khan hiếm trong vài ba năm trở lại đây.

Buổi thảo luận sôi nổi kéo dài nhiều giờ, đến tận chiều tối mới kết thúc. Những chia sẻ đầy tâm huyết về cách làm sao hiệu quả mà vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước.

Tất cả đều có chung mong muốn cửa ngõ TP phải trở nên rộng rãi, khang trang, để du khách khi đến phải trầm trồ, ngợi khen, thay vì phải lưu giữ trong ký ức hai từ... kẹt xe.

Về tổng thể mà nói, 5 dự án BOT cửa ngõ như những "cục máu đông" chặn mạch lưu thông, kìm hãm sự phát triển kinh tế.

Ai từng đi về cửa ngõ phía Tây chắc không khỏi mướt mồ hôi khi nhích từng chút trên quốc lộ 1. Trong khi đó, quốc lộ 22 về cửa khẩu Mộc Bài kết nối với Campuchia cũng oằn mình chịu trận vì quá tải.

Nhưng điển hình nhất vẫn là kế hoạch mở rộng quốc lộ 13 đã kéo dài hơn hai thập niên. Ban đầu vốn dự kiến vài ngàn tỉ đồng, đến năm 2019 đã tăng lên 10.000 tỉ đồng và nay lên gần 20.000 tỉ đồng.

Nếu cứ tiếp tục bàn tới bàn lui, đặt lên hạ xuống thì chi phí chắc chắn sẽ chưa dừng lại ở đó, chưa kể sự lãng phí về thời gian luôn mang lại hậu quả rất nặng nề.

Hai thập niên đã trôi qua, nhiều thế hệ cư dân chứng kiến cảnh ùn tắc trên con đường này - từ khi đi học đến lúc trưởng thành, lập gia đình, rồi giờ đây đưa con đi học mà nỗi ám ảnh vẫn còn nguyên.

Và khi tỉnh Bình Dương khởi công mở rộng quốc lộ 13 lên tám làn xe, câu hỏi về ngày mở rộng đoạn qua TP.HCM vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Trong bối cảnh vốn ngân sách hạn hẹp, TP phải cân đo đong đếm ưu tiên nguồn lực cho những dự án lớn hơn.

Trong ba năm qua, với cách làm mới, các dự án từ nhỏ đến lớn, đã có bước chuyển biến rõ rệt. Những cây cầu, con đường vốn đã đình trệ nhiều năm giờ đã và đang chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Đặc biệt, đường vành đai 3 TP.HCM đang thi công gấp rút để đáp ứng nguyện vọng của hàng chục triệu người dân phía Nam.

Còn đường vành đai 2 TP.HCM cũng đã được cấp vốn để khởi công thêm hai đoạn vào năm sau, trong khi các địa phương vùng Đông Nam Bộ cũng đang tích cực chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội dự án đường vành đai 4 dài 207km.

Việc huy động vốn cho một dự án BOT trên tuyến đường mới trong bối cảnh hiện nay không hề dễ, tất nhiên triển khai trên các trục đường cũ lại càng khó khăn hơn.

Phương án làm trên cao hay mở rộng, thu phí thế nào, bao nhiêu... thường vấp phải ý kiến trái chiều, muốn làm được đòi hỏi phải có sự đồng thuận cao.

Nhưng chung quy lại dù là vốn công hay tư, mục tiêu tối thượng của dự án vẫn là phục vụ chuyện đi lại của người dân, đảm bảo lợi ích cho cả cộng đồng.

Đã đến lúc cần quyết tâm hành động, để người dân sớm thấy "quả ngọt" từ cơ chế mới, phá tan những "cục máu đông" đang cản trở dòng chảy giao thông và phát triển kinh tế.

Phá 'cục máu đông', mở lối lưu thông - Ảnh 1.5 dự án BOT mở rộng cửa ngõ TP.HCM: 60.000 tỉ đồng, chuyên gia, nhà đầu tư muốn làm nhanh

Trong 5 dự án BOT cửa ngõ TP.HCM theo nghị quyết 98, các đơn vị tư vấn đề xuất 3 dự án đi trên cao, 2 dự án còn lại đi thấp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên