Công trình xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Ngày 14-3, ông Nguyễn Xuân Quang - trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc, Nghệ An, cho biết đã yêu cầu UBND xã Nghi Thiết đình chỉ hoạt động và hủy bỏ việc quy hoạch đầm nuôi tôm, nơi xảy ra sự việc người dân phản đối vì đơn vị thi công phá cả rừng phòng hộ mà Tuổi Trẻ Online đã phản ánh.
Kết quả kiểm tra cho thấy đây là đất của UBND xã quản lý, giao cho hộ gia đình ông Nguyễn Văn Lệ thuê từ năm 2002.
Năm 2018, UBND xã tiếp tục cho ông Lệ thuê 1,7 ha làm trang trại. Sau đó, ông Lệ cho ông Nguyễn Văn Hào thuê, san lấp mặt bằng diện tích khoảng 1ha để nuôi tôm sạch.
Diện tích cây phi lao của rừng phòng hộ bị chặt phá khoảng hơn 500m² và số cây bị chặt hạ khoảng 40 cây. Ngoài ra, đơn vị này còn xây dựng dãy nhà cấp bốn trên đất rừng phòng hộ.
Theo ông Quang, việc hộ dân tự ý đào ao thay đổi mục đích sử dụng đất là vi phạm pháp luật. Ngoài ra, việc hộ dân tự ý phá cây rừng, xây dựng nhà trên đấy rừng phòng hộ là vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Văn Trường - phó trưởng BQL rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc - cho biết: "Sau khi nhận phản ánh của người dân qua báo chí, chúng tôi xuống kiểm tra thì thấy họ xâm lấn sang đất rừng phòng hộ. Do khu vực này hẻo lánh, cán bộ quản lý rừng không giám sát hết nên có việc họ lén lút xây dựng".
Ông Nguyễn Thanh Hải - phó chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc - cho biết huyện đang chờ báo cáo để có hướng xử lý, làm rõ trách nhiệm của xã buông lỏng quản lý, để cho người dân chặt phá cây, xây dựng trên đất rừng phòng hộ.
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, đầu tháng 3-2019, hàng chục người dân xóm Bắc Thịnh (xã Nghi Thiết) cùng tập trung phản đối công trình xây dựng dự án nuôi tôm sạch vì họ cho rằng dự án này đã xâm phá đến đất rừng phòng hộ nghiêm trọng
Ngày 7-3, ghi nhận của phóng viên, phản ảnh của người dân là có cơ sở. Một khoảnh rừng bị san phẳng dẫn thẳng ra biển để lộ hàng chục gốc cây phi lao nằm ngổn ngang. Một dãy nhà cấp bốn với ba phòng đang được hoàn thiện "mọc" ngay trong đất rừng phòng hộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận