PGS.TS Đỗ Văn Xê tư vấn cho thí sinh trong một chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: NHƯ HÙNG
PGS.TS (nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ), hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, chia sẻ sau một năm làm hiệu trưởng một trường tư (ĐH Hùng Vương TP.HCM).
Một năm trước, có người cược vui rằng ông sẽ không trụ được một năm. Và ông đã thắng cược.
Tôi là hiệu trưởng không có thư ký, trợ lý. Trong trường này tất cả đều là thư ký của tôi. Chuyện liên quan đến người nào tôi nói người đó làm, chứ không qua trung gian để truyền đạt ý kiến vì kinh nghiệm cho thấy qua trung gian dễ xảy ra sai sót".
100% đề xuất được duyệt
* Từ kinh nghiệm của mình, ông rút ra điều gì khi đã làm lãnh đạo ở cả ĐH công và tư?
- Đây là lần đầu tiên tôi làm việc ở trường tư. Cũng khó mà so sánh chính xác khi quy mô, đặc điểm hai trường khác nhau. Nhưng tôi thấy ở trường tư tài chính chủ động hơn, khi có yêu cầu, chủ đầu tư có thể xem xét đáp ứng ngay - khác với trường công phải có kế hoạch kinh phí và chờ xét duyệt.
* Sau những lùm xùm dai dẳng ở Trường ĐH Hùng Vương, một trong những khó khăn mà trường gặp phải là tuyển sinh. Ông đối mặt vấn đề này như thế nào?
- Những "tai tiếng" thời gian qua gây khó khăn nhiều cho việc tuyển sinh. Tuy nhiên, chuyện gì rồi cũng qua. Để bù đắp khó khăn đó, trong năm qua tôi đã nỗ lực tối đa để quảng bá hình ảnh của trường.
Năm nay là năm thứ 3 trường tuyển sinh trở lại. Số lượng tân sinh viên tuyển sinh được cũng dần tăng lên. Hiện số lượng sinh viên cũng đủ để khai thác đầy đủ cơ sở vật chất của trường.
Sau một năm nỗ lực cho công việc tuyển sinh, tôi nhận thấy yếu tố quyết định trong thu hút tân sinh viên là sự hài lòng của các sinh viên đang học tại trường.
Khi quyết định chọn trường để học, ngoài thông tin được phổ biến về trường, thí sinh thường hỏi sinh viên đang học tại trường. Nếu mình giảng dạy tốt, tạo điều kiện cho sinh viên học tập thoải mái thì họ sẽ hài lòng và khuyên bạn bè đến học.
* Nhưng nâng chất lượng giảng dạy là điều không thể thấy được ngay. Nhà đầu tư có sốt ruột với ông không?
- Có lẽ trường này là một trường tư đặc biệt. Nhà đầu tư của trường có nhiều hoạt động tạo nguồn thu khác quan trọng hơn. Do đó, nhà đầu tư không can thiệp sâu công việc của trường.
* Ông được toàn quyền đến đâu, thưa ông?
- Tôi có cảm giác được giao toàn quyền điều hành trường, nhưng tôi luôn tuân thủ nguyên tắc làm việc. Những việc quan trọng tôi đều dự kiến trước và ý kiến trước khi thực hiện. Có thể nói 100% những cái tôi đề xuất được duyệt, nên tôi có cảm giác được làm việc độc lập.
* Đến thời điểm này, ông thấy lãnh đạo trường tư hay trường công dễ hơn?
- Mọi so sánh đều khập khiễng. Tuy nhiên, có thể nói làm việc ở trường này (ĐH Hùng Vương - PV) dễ hơn. Những gì mình muốn làm có thể thực hiện nhanh chóng, chứ không phải chờ đợi lâu.
Được làm những điều ấp ủ
* Thưa ông, tại sao ông nhận lời làm hiệu trưởng ĐH Hùng Vương TP.HCM?
- Thật ra sau khi hết tuổi làm quản lý tôi chỉ muốn giảng dạy, nhưng dường như do cái duyên nào đó đưa đẩy. Tình cờ anh Lê Bảo Lâm (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM - PV) điện thoại cho tôi, nói rằng có một trường đang gặp khó khăn và muốn mời tôi đến làm hiệu trưởng. Tôi không có ý định nhận lời, nên chỉ trả lời là để tôi suy nghĩ.
Tôi kể cho bà xã nghe. Bà xã tôi nói bà nhận thấy sau khi đi học nước ngoài tôi có nhiều việc muốn làm để áp dụng những cái hay ở nước ngoài cho sinh viên Việt Nam. Đến nay tôi vẫn chưa có điều kiện để thực hiện các ước mơ đó và khuyên tôi nên nhận lời mời.
Mục đích của tôi là muốn làm những điều tôi chưa làm được, nên nhận lời mời mà không hỏi trường đó là trường nào.
* Nhiều người xôn xao về lương "khủng" của hiệu trưởng ĐH tư. Nếu được, ông có thể chia sẻ về trường hợp của ông?
- Từ khi làm việc với hội đồng quản trị đến khi làm hiệu trưởng, tôi không hỏi lương bao nhiêu. Mặc dù không nói trước, nhưng nhà đầu tư đã trả cho tôi mức lương có thể chấp nhận được.
Đối với các hiệu trưởng trường tư nhận lương "khủng" thì lương của tôi không thể sánh được, nhưng so với lương lúc tôi làm cho Nhà nước thì khá hơn nhiều. Nhiều hay ít còn tùy thuộc vào mình.
* Những thứ học được từ nước ngoài ông đã làm cho sinh viên là gì?
- Tôi được may mắn nhận học bổng Fulbright học tiến sĩ ở Mỹ 4 năm. Ngoài việc học chuyên môn, tôi còn thấy được nhiều cái hay trong trường ĐH ở bên đó.
Điều làm tôi ấn tượng nhất là khi đi bất cứ nơi nào trong trường tôi đều được tiếp đón ân cần, khiến tôi có cảm giác nơi nào ở trong trường cũng như là ở nhà của mình. Từ đó, tôi có mơ ước xây dựng một ngôi trường ở Việt Nam có thể làm cho sinh viên có được cảm giác như vậy.
Đến làm hiệu trưởng và được ủy thác điều hành ngôi trường này là cơ hội để tôi thực hiện ước mơ đã được ấp ủ từ lâu. Tôi chú trọng xây dựng môi trường để sinh viên có cảm giác được tôn trọng.
Về mặt giảng dạy, tôi quy định thầy cô thực hiện giảng dạy đúng lịch, giờ dạy, công bố rõ ràng nội dung sẽ dạy, cách thi, cách chấm điểm... ngay từ buổi học đầu tiên và xem đó là "hợp đồng" đối với sinh viên.
Khi có lý do gì không dạy được phải thông báo trước cho sinh viên biết và không được quên nói lời xin lỗi sinh viên để các em thấy mình được tôn trọng. Hiện nay, mặc dù còn nhiều việc phải làm nhiều hơn nữa nhưng nhìn gương mặt vui vẻ của sinh viên, tôi có thể đoán được những việc tôi làm đã phát huy tác dụng.
* Có bao giờ ông xung đột với nhà đầu tư?
- Chưa. Bởi cách làm việc của tôi là sử dụng những cái hiện có thật hiệu quả, rồi mới tính mở rộng thêm.
* Ông nghĩ ông sẽ làm ở trường bao lâu nữa?
- Ít nhất là năm năm nữa.
* Có khi nào ông cảm thấy muốn xin thôi hay bỏ cuộc?
- Không, chưa bao giờ.
Trách nhiệm với người học
* Hiện nay, thí sinh có rất nhiều lựa chọn để học sau THPT. Ông sẽ thuyết phục thí sinh thế nào để chọn trường ông?
- Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Ngoài việc quảng bá thông thường, quan trọng nhất là cách ứng xử đối với các sinh viên đang học tại trường sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn.
Khi sinh viên chọn vào trường, chúng tôi thể hiện trách nhiệm đối với sinh viên và làm mọi cách để sinh viên cảm thấy học phí đã đóng xứng đáng với đồng tiền bỏ ra. Làm được điều đó, mình cảm thấy không áy náy với sinh viên và gia đình sinh viên. Đó là đạo lý bình thường con người đối xử với nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận