Phó giáo sư, tiến sĩ trẻ Trần Xuân Bách đạt được hàng loạt những thành tựu trong khoa học đáng ngưỡng mộ ở cả trong nước và quốc tế. Nhưng hơn cả những thành tựu cá nhân của một người làm khoa học, Trần Xuân Bách còn đang giữ sứ mệnh tập hợp, thu hút trí thức trẻ cùng dựng xây đất nước.

Anh lại vừa được Hiệp hội các học giả nghiên cứu liên quốc gia trao giải thưởng Noam Chomsky cho những nỗ lực trong nghiên cứu và kết nối các nhà khoa học trẻ toàn cầu vào năm 2020.

PGS Trần Xuân Bách: Làm khoa học như leo lên đỉnh núi mù sương - Ảnh 1.

Gặp phó giáo sư Trần Xuân Bách ngoài đời, ít ai nghĩ anh lại là một nhà khoa học xuất sắc được công nhận trên thế giới khi còn rất trẻ.

Vẻ điển trai, lịch lãm, hoạt ngôn và rất thân tình của anh thật khó khiến người mới gặp nghĩ đến một "mọt sách" từng "thần tốc" trong con đường học hành và nghiên cứu khoa học để có thể đạt học vị tiến sĩ y khoa ở nước ngoài khi mới 27 tuổi, giáo sư Đại học Johns Hopkins năm 35 tuổi, phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam tính tới thời điểm năm 2016.

Những thành tích tưởng rất khó tin, nhưng nếu biết chàng trai trẻ Trần Xuân Bách đã dành cả tuổi thanh xuân để… học tập, nghiên cứu và nỗ lực ghê gớm "như robot", cũng đã từng trải qua vô số những vần vũ của cuộc đời trên con đường học thuật gian nan khiến hun lên ý chí sắt đá, người ta sẽ hiểu những kết quả lao động khoa học của anh là có lý do.

PGS Trần Xuân Bách: Làm khoa học như leo lên đỉnh núi mù sương - Ảnh 2.

Sinh ra trong một gia đình viên chức bình thường ở Hà Nội, Trần Xuân Bách cũng nếm đủ những khó khăn thời cuối bao cấp và những năm đầu đổi mới. Cậu bé Bách học rất giỏi từ nhỏ nhưng không phải chỉ biết có sách vở mà bao việc nhà quê như dỡ lạc, mò của… đều đã kinh qua, bởi thường được bố mẹ gửi về quê mỗi mùa hè.

Bước ngoặt quan trọng đến với Trần Xuân Bách khi anh nhận được học bổng tiến sĩ tại Đại học Alberta, Canada năm 2009. Không học qua thạc sĩ mà nhảy thẳng bậc tiến sĩ, chương trình đào tạo tiến sĩ này quy định thời gian học tập tối thiểu là 3 năm, tối đa 6 năm, nhưng Trần Xuân Bách đã hoàn thành chương trình học chỉ trong 2 năm, đạt điểm tuyệt đối tất cả các môn.

Đó là 2 năm "robot" kinh hoàng nhất. Anh xin làm bài kiểm tra đánh giá năng lực để bỏ qua các môn mà anh đã tự học qua internet trong thời gian còn ở Việt Nam, dành thời gian để học tất cả những gì chưa học.

Ngoài những môn bắt buộc, những đêm tuyết lạnh kinh hoàng với người Việt ở Canada, anh vẫn tranh thủ đi học tất cả những gì có thể: xã hội học sức khỏe, học kinh tế nông nghiệp, những thuật toán quan trọng… Tiếng Anh đã rất tốt, nhưng anh vẫn gắng sử dụng hết "chỉ tiêu" 2 buổi tối được giúp sửa tiếng Anh dành cho nghiên cứu sinh nước ngoài. Vậy là 2 buổi tối mỗi tuần, để có 30 phút được sửa viết tiếng Anh cho mình, Trần Xuân Bách lại lặng lẽ "lội" trong tuyết lạnh.

Không để một ngày, một giờ phút nào của mình trôi qua vô nghĩa, anh học như thể ngày mai có thể sẽ không còn cơ hội được học nữa, cố gắng gặp gỡ các giáo sư, các đồng nghiệp để tìm kiếm mối quan tâm chung, để được học hỏi thêm mỗi ngày. Hai năm ở xứ lạnh giá rất khắc nghiệt với người đến từ xứ nhiệt đới, và cả những năm sau này học sau tiến sĩ tại Mỹ, Trần Xuân Bách cũng có lúc ốm lăn lóc, sút 7kg, nhưng không lúc nào anh ngơi nghỉ tìm kiếm tri thức mới.

PGS Trần Xuân Bách: Làm khoa học như leo lên đỉnh núi mù sương - Ảnh 3.

Theo đuổi lĩnh vực y tế công cộng - một ngành rất giống với làm công tác xã hội, nên phó giáo sư Trần Xuân Bách không miệt mài nơi phòng thí nghiệm mà đi điền dã, nghiên cứu thực địa rất nhiều. Có khi cả ngày anh dầm mình cùng với bà con phun thuốc trừ sâu, thu hoạch bắp cải, ngô, lạc, ngồi bệt cùng bà con ở bờ ruộng để để phỏng vấn bà con vứt rác ở đâu sau khi phun thuốc trừ sâu.

Lại cũng có khi anh ngồi quán nước cả ngày hay đêm đêm ngồi với các anh chị em ở khu tụ điểm ma túy, mại dâm để thảo luận. Cái nghề nghiên cứu về những vấn đề phát triển xã hội, về hành vi con người khiến anh phải đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều đối tượng yếu thế, dãi dầm, lăn lóc với cuộc đời muôn mặt.

Niềm vui nhiều, nỗi buồn không ít, và phải chịu đựng áp lực khủng khiếp, áp lực của một người làm khoa học luôn luôn có khao khát tự phủ nhận mình, của một người leo trên quãng núi tứ bề mù sương, không thể nhìn thấy đỉnh nhưng cũng không thể nhìn xuống dưới, chỉ có thể nhìn về phía trước và leo.

Rồi một ngày năm 2017, anh còn chọn khoác thêm lên mình trọng trách của một cán bộ Đoàn Thanh niên để thu hút và tập hợp trí thức Việt trẻ khắp thế giới. Việc nhiều hơn nhưng anh thấy mình may mắn khi đã được Đoàn tin tưởng giao trọng trách.

PGS Trần Xuân Bách: Làm khoa học như leo lên đỉnh núi mù sương - Ảnh 4.


PGS Trần Xuân Bách: Làm khoa học như leo lên đỉnh núi mù sương - Ảnh 5.

* Những người làm khoa học thường rất thực tế nhưng anh có vẻ mơ mộng?

- Trí tuệ logic (IQ) cho người ta đạt được kết quả tức thời nhưng cũng nhanh dẫn người ta đến sự bão hòa. Để đạt được đỉnh cao nhất trong giới hạn của con người thì không chỉ dựa vào IQ mà còn phải nhờ đến trí tuệ cảm xúc (EQ).

Tất cả những nhà khoa học xuất sắc của thế giới trước đấy đều là những nhà thơ, họa sĩ, hiền triết. IQ cho người ta luận giải được thế giới nhưng EQ cho người ta khao khát để khám phá thế giới.

PGS Trần Xuân Bách: Làm khoa học như leo lên đỉnh núi mù sương - Ảnh 6.

Nên nếu ai nói tôi mộng mơ, tôi cho đó là một lời khen. Thực tế, sự mộng mơ đã nhiều lần cứu tôi trên con đường nghiên cứu quá gian nan.

* Sao anh có thể làm nhiều việc cùng một lúc như vậy?

- Chắc là nhờ sự mơ mộng bay bổng mà bạn nói đến. Nhiều người sẽ không thể nào hiểu nổi tại sao tôi lại có thể làm được như thế. Nhưng lý do chỉ là tôi luôn làm việc với thái độ không coi là mình đang phải làm việc.

Người làm việc hiệu suất cao đều là những người mà họ làm việc với một tình yêu và đam mê chứ không phải là nghĩa vụ phải làm. Học trò của tôi nếu ai đó làm việc nghiên cứu với thái độ là coi mình đang phải đi làm thì tôi sẽ lập tức khuyên bạn ấy nên làm việc khác.

Hai nữa là, để đạt được những kết quả trong khoa học thì người làm khoa học phải hướng tới sự thuần khiết. Con người chỉ đạt được sự sáng tạo với sự thuần khiết. Với khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, để đạt được đỉnh cao thì người theo đuổi nó phải có sự thuần khiết, mặc dù điều này không dễ dàng. Không có sự thuần khiết sẽ không thể có cảm hứng, sự tự do và động lực để sáng tạo.

Nhưng tất nhiên ngoài những yếu tố trên thì phải có năng lực quản lý để sắp xếp các ưu tiên và tổ chức được đội hình và tổ chức hệ thống của mình. Nếu không tổ chức được đội hình thì không thể đi xa.

Chúng tôi là một tập hợp của rất nhiều nhóm làm việc ở các mô hình khác nhau, liên ngành, liên cơ quan, liên quốc gia, với các cơ chế quản lý thông minh để ai cũng có thể tham gia, ai cũng có thể đóng góp. Ví dụ chúng tôi nghiên cứu khoa học sức khỏe nhưng có cả các tiến sĩ toán học, tiến sĩ ngôn ngữ học, tiến sĩ y học, tiến sĩ xã hội học, các nhà tâm thần học, các kỹ sư công nghệ,…

* Anh làm thế nào với công việc ở cả Trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Johns Hopkins?

- Với công việc giảng dạy và nghiên cứu thì nhiệm vụ ưu tiên của tôi lúc này là huấn luyện các nghiên cứu viên trẻ, đặc biệt là chuẩn bị cho họ thành công ở bậc tiến sĩ và sau tiến sĩ, nhưng quan trọng nhất là xây dựng lĩnh vực nghiên cứu, phát triển dự án nghiên cứu, trường phái nghiên cứu, các cách tiếp cận mới trong nghiên cứu, mở rộng cộng tác quốc tế, thu hút tài trợ nghiên cứu và lan tỏa những giá trị học thuật phụng sự phát triển xã hội.

Các quỹ nghiên cứu lớn trên thế giới thường xuyên gửi tôi phản biện, hoặc phản biện cho các nghiên cứu sinh ở các nước. Tôi cũng tham gia phát triển chương trình đào tạo nghiên cứu thực địa tại Việt Nam và các dự án nghiên cứu quốc tế cho các nghiên cứu sinh và các bác sĩ nội trú của Mỹ, Úc, châu Âu tham gia cùng tôi tại Việt Nam.

PGS Trần Xuân Bách: Làm khoa học như leo lên đỉnh núi mù sương - Ảnh 7.
PGS Trần Xuân Bách: Làm khoa học như leo lên đỉnh núi mù sương - Ảnh 8.

* Con đường sự nghiệp của anh có vẻ suôn sẻ?

- Tôi cũng nếm đủ những vần vũ, những chán nản, khó khăn tưởng như tuyệt vọng trên con đường học thuật, nghiên cứu của mình. Đã có những lúc cuộc sống thử thách tôi đến độ thế giới quan của tôi thay đổi hẳn, nhưng tôi xin được từ chối nói về khó khăn. Suy cho cùng đó cũng là những bài học, những "kho báu" trong hành trang trưởng thành của mình. Thử thách chỉ là động lực để sáng tạo, vươn lên.

Không cần nói về những khó khăn đến nản lòng mình từng gặp phải, nhưng góp ý cho việc thu hút, trọng dụng nhân tài của nước nhà thì tôi có thể làm.

Khi tôi học tiến sĩ ở Canada, các giáo sư đã đồng ý cho tôi làm bài kiểm tra để cho phép tôi học vượt cấp nhiều môn để dành thời gian làm nghiên cứu và tích lũy thêm kinh nghiệm, gặp gỡ thêm rất nhiều chuyên gia, hoàn thành học tiến sĩ trước thời hạn.

Xã hội phát triển, bên cạnh các khuôn mẫu dù rất cần thiết, lúc nào cũng tìm ra cơ chế cho con người phát triển đột phá. Việc thu hút các nhà khoa học trẻ tài năng cũng cần đáp ứng những nhu cầu cao cấp hơn của họ, chứ không thể chỉ bằng các quy luật tuần tự.

PGS Trần Xuân Bách: Làm khoa học như leo lên đỉnh núi mù sương - Ảnh 9.

Với cán bộ chuyên môn cao thì đòi hỏi của họ không đơn thuần là lương, chế độ đãi ngộ tốt, một vài lợi ích vật chất. Trong những bước khởi đầu, họ cũng cần sự hỗ trợ, định hướng và dẫn dắt, nhưng nhu cầu lớn hơn của họ là sự tin tưởng, môi trường để họ được phát triển, cơ hội được thử thách, điều kiện để họ chứng minh năng lực..

Điều này lớn hơn nhiều khái niệm "trải thảm đỏ" mà chúng ta hay nhắc tới. Một người lao động hay bỏ đi vì họ không thể hòa nhập, không tạo được sự kết nối, xây dựng đội hình làm việc của mình, không có được sự giao thoa lý tưởng, động lực làm việc. Nên trong thiết kế những hoạt động của

Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu của Trung ương Đoàn tôi luôn cố gắng gắn kết họ theo chiều sâu ở những giai đoạn sớm, tạo ra những kênh tương tác để trí thức trẻ cùng chung sức vào vun đắp những ý tưởng cụ thể.

* Là một người lựa chọn trở về, theo anh vì sao có nhiều người tài sau khi đi du học đã không về?

- Không kể những người muốn ở lại nước ngoài vì những lý do cá nhân thì cũng có những người muốn về nhưng chưa đúng thời điểm. Bản chất của công việc nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ - kỹ thuật là một quá trình lâu dài, 10, 20 năm, có khi tới một đời người để đạt đến được một mức độ nhất định. Tính cạnh tranh ở trong khoa học rất khắc nghiệt, vì nó chỉ có một đỉnh kim tự tháp được chọn.

Người làm khoa học như người leo trên một ngọn núi mù sương không bao giờ nhìn thấy đỉnh, chỉ biết leo thôi. Vì vậy, họ buộc phải tiếp tục đi con đường của mình đang đi, họ cần ông thầy ấy, đội nhóm đấy. Họ chưa về, hoặc về rồi nhưng lại phải đi vì nhu cầu nội tại của quá trình phát triển khoa học.

PGS Trần Xuân Bách: Làm khoa học như leo lên đỉnh núi mù sương - Ảnh 10.

Cũng có nguyên nhân là mức độ đời sống không đáp ứng được, nguyên nhân về cơ quan, môi trường, mức độ phù hợp ở Việt Nam. Người làm khoa học người ta sợ nhất là mỗi ngày trôi qua vô nghĩa. Về nước, nhiều người không nề hà chuyện hành chính, chuyện nọ chuyện kia, nhưng sau vài năm thì họ cũng cần phải có những môi trường, cơ hội, và cơ chế ươm mầm để tiếp tục làm khoa học.

Một lý do nữa, trong thời đại cách mạng 4.0 hiện nay, thế giới vừa phẳng, vừa tương tác đa chiều, có tính chất toàn cầu, thì việc người ta ở đâu không quan trọng. Ở đâu là do nhu cầu phát triển của mỗi người. Và dù ở đâu, chỉ cần luôn quan tâm, hướng đến các vấn đề của Việt Nam, chúng ta đều có thể lắng nghe những cơ hội, những sự chuyển mình ở Việt Nam, đều có thể đóng góp cho đất nước.

* Anh có thấy mình xuất chúng không?

- Tôi rất sợ những từ như: xuất chúng, thành công, giỏi…Những từ ấy là những liều thuốc độc. Có chăng những giải thưởng, những động viên nghi nhận chỉ như sự cổ vũ tinh thần ở những giai đoạn cột mốc để mình tiếp tục tiến lên.

Khẩu hiệu của tôi là: "chú tâm, làm chu đáo từng việc nhỏ". Và tôi đào tạo con người cũng theo hướng đó. Đây cũng chính là cái thiếu ở giới trẻ bây giờ. Người ta hay thích làm điều to tát nhưng không phải bằng sự chú tâm, bằng tâm huyết. Nhiều khi tôi thấy chán nản vì không dễ đào tạo được phẩm chất này cho học trò.

PGS Trần Xuân Bách: Làm khoa học như leo lên đỉnh núi mù sương - Ảnh 11.



THIÊN ĐIỂU
Nhân vật cung cấp
HẢI PHI
BẢO SUZU
22-2-2021
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0