Hãng dược Pfizer từng thu lợi "khủng" nhờ vắc xin COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Phát biểu tại Davos ngày 25-5, giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla nói đã đến lúc thu hẹp khoảng cách giữa những người được tiếp cận phương pháp điều trị mới nhất và người không được.
Do đó, hãng dược Mỹ triển khai sáng kiến "An Accord for a Healthier World" (tạm dịch: Thỏa ước vì thế giới khỏe mạnh hơn), tập trung vào 5 lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, ung thư, viêm nhiễm, bệnh hiếm gặp và sức khỏe phụ nữ.
Sáng kiến này sẽ cung cấp các loại thuốc mà Pfizer có bằng sáng chế cho các nước nghèo nhất thế giới theo hình thức phi lợi nhuận.
Nói là phi lợi nhuận nhưng Pfizer có tính chi phí sản xuất và vận chuyển, nhưng ở mức tối thiểu. Như vậy, thực tế các nước vẫn sẽ phải bỏ tiền ra mua thuốc nhưng với mức giá rẻ hơn.
Năm quốc gia Rwanda, Ghana, Malawi, Senegal và Uganda đã cam kết tham gia cùng khoảng 40 quốc gia khác - 27 quốc gia có thu nhập thấp và 18 quốc gia có thu nhập trung bình thấp - đủ điều kiện để ký kết các thỏa thuận song phương để tham gia.
Theo Hãng tin AFP, các nước đang phát triển "gánh" 70% gánh nặng bệnh tật của thế giới nhưng chỉ nhận được 15% trong số chi tiêu cho y tế toàn cầu, dẫn đến những hậu quả khó lường.
Khắp khu vực châu Phi cận Sahara, cứ 13 trẻ có một trẻ chết trước sinh nhật lần thứ 5, so với tỉ lệ 1/199 ở các nước có thu nhập cao.
Tỉ lệ tử vong do ung thư cũng cao hơn nhiều ở các nước thu nhập thấp và trung bình, thậm chí nhiều hơn cả bệnh sốt rét ở châu Phi.
Tất cả những số liệu này đặt trong bối cảnh khu vực ít được tiếp cận với các loại thuốc mới nhất.
Các loại thuốc và vắc xin thiết yếu thường mất từ 4 đến 7 năm để đến được các nước nghèo nhất và các vấn đề về chuỗi cung ứng và hệ thống y tế có nguồn lực kém khiến bệnh nhân khó nhận được thuốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận