Hiện thực hóa mong ước về một ngành dầu khí vững mạnh
Ngay sau khi thống nhất đất nước, ngày 3-9-1975, Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam (tiền thân của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) được thành lập trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
Qua gần nửa thế kỷ, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã đi từ "không" đến "có", làm chủ được công nghệ, khoa học tiên tiến nhất, xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ.
Vượt khó khăn, đồng hành phát triển cùng đất nước
Năm 1986, năm mở đầu cho một thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng là năm ngành dầu khí đánh dấu mốc son cho sự đổi thay khi mỏ dầu Bạch Hổ tại thềm lục địa Việt Nam đã cho ra đời những tấn dầu thô thương mại đầu tiên.
Sự kiện này không chỉ có giá trị ghi danh Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí thế giới mà quan trọng hơn, đây được xem như một "trụ đỡ" về tinh thần và cả vật chất đối với đất nước trong giai đoạn Việt Nam đang lâm vào hoàn cảnh bị bao vây cấm vận, khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Tính từ năm 1986 đến hết năm 2022, tổng doanh thu đạt trên 400 tỉ USD. Trong giai đoạn 2006-2015, tập đoàn dầu khí đóng góp trung bình 20-25% tổng thu ngân sách nhà nước, 18-25% GDP cả nước.
Từ năm 2015 đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường và gặp nhiều khó khăn, thách thức, Petrovietnam vẫn đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước (trong đó từ dầu thô là 5-6%), 10-13% GDP cả nước.
Từ năm 2019 đến nay là thời kỳ tập đoàn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử phát triển của ngành dầu khí. Công nghiệp dầu khí thế giới rơi vào khủng hoảng khiến giá dầu giảm xuống mức thấp kéo dài; tình hình biển đông phức tạp, chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu, khủng hoảng do đại dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến mọi mặt hoạt động của tập đoàn.
Mặc dù vậy, với tinh thần đoàn kết và ý chí vượt qua khó khăn, CBCNV, người lao động ngành dầu khí đã luôn nỗ lực hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Năm 2020, tập đoàn vững vàng vượt qua "khủng hoảng kép" do dịch bệnh và giá dầu giảm sâu. Năm 2021 phục hồi tăng trưởng. Nhờ áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp sản xuất kinh doanh và quản trị rủi ro, năm 2022, tập đoàn đã đạt kỷ lục khi cán mốc doanh thu hơn 930.000 tỉ đồng, nộp NSNN 170,6 nghìn tỉ đồng, bằng 9,6% tổng thu ngân sách nhà nước.
Năm 2022 cũng là năm thứ ba công tác "Quản trị biến động" của Petrovietnam đạt được thành tích ấn tượng. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định toàn diện đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Tại Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, trong đó Petrovietnam đóng vai trò quan trọng.
Vai trò quan trọng ấy thể hiện qua các dự án nhiệt điện trọng điểm mà tập đoàn dầu khí mới đưa vào vận hành như NMNĐ Sông Hậu 1, NMNĐ Thái Bình 2. Đảm bảo 1 trong 5 cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành những nước đứng đầu ASEAN trong cung cấp nguồn điện, phục vụ đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng.
Trong lĩnh vực sản xuất điện, tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện của tập đoàn dầu khí chiếm hơn 7% tổng công suất lắp đặt và chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện phát trong toàn hệ thống điện quốc gia. Kết quả đó khẳng định vững chắc vai trò và vị thế của Petrovietnam với tư cách là nhà sản xuất điện lớn thứ hai tại Việt Nam.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất dưới sự phối hợp hỗ trợ của các đơn vị từ khâu đầu đến khâu cuối thuộc Petrovietnam luôn đảm bảo được cung cấp đủ dầu thô để vận hành liên tục, an toàn và hiệu quả ở mức 100 - 110% công suất, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Tập đoàn đã và đang từng bước chuẩn bị nguồn lực, xác định mô hình đầu tư, sẵn sàng tạo đà cho việc mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT) một cách phù hợp, hiệu quả, trên cơ sở tận dụng thế mạnh của tập đoàn và các đơn vị thành viên, kết hợp với chiến lược phát triển ngành dầu khí.
Nỗ lực phát triển trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia
Sau 48 năm kể từ khi thành lập, Petrovietnam đã trở thành một tập đoàn kinh tế lớn mạnh có tổng tài sản hợp nhất gần 43 tỉ USD, nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất 22,5 tỉ USD, giai đoạn 2016-2022 tổng tài sản tăng 3,9%, với đội ngũ hơn 50.000 CBCNV đang lao động sáng tạo trên các lĩnh vực của chuỗi giá trị dầu khí.
Nói về mục tiêu phát triển trong tương lai của tập đoàn, đồng chí Lê Mạnh Hùng - tổng giám đốc Petrovietnam - cho biết vượt qua mọi khó khăn, chúng tôi xác định được mục tiêu và giá trị cốt lõi để xây dựng, phát triển trong tương lai, đó là xây dựng và phát triển thành tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực; có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Người lao động ngành dầu khí với bản lĩnh của "những người đi tìm lửa" sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực cho đất nước, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo, luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận