10/04/2012 06:56 GMT+7

Petro VN không lặp lại sai phạm cũ

M.QUANG
M.QUANG

TT - Đó là khẳng định của ông Phùng Đình Thực, chủ tịch Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), tại cuộc họp ngày 9-4 về kết luận thanh tra PVN của Thanh tra Chính phủ.

hnlcYxiF.jpgPhóng to
Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trao đổi bên lề buổi họp báo - Ảnh: Nguyễn Khánh

Về kết quả thanh tra PVN giai đoạn 2006-2010, ông Phùng Đình Thực khá tâm trạng khi cho biết từ khi báo chí đăng, rất nhiều cán bộ lão thành, nhân dân, cán bộ đã gọi điện hỏi “có thật không?” khiến cán bộ PVN rất buồn.

Không muốn bị coi như Vinashin

Theo ông Thực, PVN là tập đoàn đang trong giai đoạn phát triển mạnh, kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là việc “năm 2011 khó khăn như vậy nhưng vẫn nộp ngân sách vượt 2,9 tỉ USD”. Ông Thực tỏ ý không hài lòng khi trên blog có bình luận coi PVN như Vinashin thứ hai: Thông tin đó có lợi không? Không hiểu với tin như vậy, rồi đây ai sẽ hợp tác với VN nữa? Ông Thực cũng cho rằng trong kết luận, thanh tra chỉ nêu “khuyết điểm” chứ không nói PVN sai phạm.

Về việc Thanh tra Chính phủ kết luận PVN đã không thu hồi kịp thời, để các công ty con giữ lại trên 1.900 tỉ đồng (tiền phải chuyển về quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp), ông Phùng Đình Thực công nhận theo nguyên tắc, tiền thu được từ quá trình cổ phần hóa các công ty con của PVN phải chuyển về quỹ đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp. Tuy nhiên, còn trên 1.900 tỉ đồng chưa thu được, theo ông Thực, chủ yếu vì... Tập đoàn Điện lực VN (EVN). Cụ thể, EVN đang nợ Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) trên 12.000 tỉ đồng tiền mua điện. PV Power nợ lại PV Gas tiền mua gas, nên PV Gas đã đề nghị cho chậm nộp số tiền về quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.

Đến nay, PV Gas đã trả toàn bộ số tiền chậm nộp nhưng vẫn đề nghị cho chậm trả số tiền lãi. Tuy nhiên, trước kiến nghị Thanh tra Chính phủ nêu PV Gas sẽ phải trả cả số lãi tiền chậm nộp, ông Thực khẳng định PVN đã có văn bản yêu cầu PV Gas phải trả ngay phần lãi cho tập đoàn. “Như vậy việc này có thể nói kiến nghị của thanh tra đã được xử lý” - ông nói.

Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm về kết luận của mình

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc PVN họp báo, đưa ra thông tin có nhiều điểm không đồng thuận với kết luận thanh tra, ông Ngô Văn Khánh, phó tổng Thanh tra Chính phủ, cho biết ở bất cứ cuộc thanh tra nào, khi kết luận thì Thanh tra Chính phủ sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và bảo vệ quan điểm của mình.

Ông Khánh khẳng định về nguyên tắc, tại tất cả các cuộc thanh tra thì đối tượng thanh tra đã được giải trình với đoàn thanh tra một cách thỏa đáng và cuộc nào cũng có giải trình, nhất là các tập đoàn lớn. Theo đó, các bên phải tuân theo quy định của pháp luật, thanh tra sẽ nghe ý kiến giải trình, tiếp thu cái đúng và bảo vệ quan điểm của mình đối với những nội dung chưa đúng. Bên bị thanh tra luôn được giải trình và thể hiện ý kiến của mình. Sau đó, thanh tra sẽ căn cứ trên các quy định của pháp luật để kết luận và thanh tra phải nói theo cách của thanh tra chứ không thể chỉ nghe bên bị thanh tra thì sẽ không kết luận được bất cứ cuộc thanh tra nào cả. Ông Khánh khẳng định thanh tra chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Nếu thanh tra sai hoặc chưa hiểu vấn đề thì thanh tra cũng phải chịu trách nhiệm.

Về khoản vi phạm lớn, lên tới trên 15.000 tỉ đồng tiền lãi dầu khí để lại nước chủ nhà, Thanh tra Chính phủ cho rằng PVN phải đầu tư vào các dự án trọng điểm dầu khí đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng lại đem đi nhận nợ cho liên doanh với Nga RusVietPetro, cấp vốn cho Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí..., ông Phùng Đình Thực lý giải PVN cuối cùng đã không sai. Cụ thể, tại thời điểm Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, đúng là Chính phủ chưa ban hành tiêu chí công trình dầu khí nào được sử dụng nguồn vốn này.

Do Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí và RusVietPetro chỉ thăm dò, khai thác dầu khí, không làm gì khác nên PVN “nghĩ họ xứng đáng được hưởng” do đó đã đầu tư số tiền mà Thanh tra Chính phủ đã nêu. Ông Thực kể sau khi thanh tra làm việc yêu cầu tiêu chí để được hưởng đâu, PVN đã có văn bản gửi Thủ tướng và đến ngày 14-10-2011, ngay sau khi Thanh tra Chính phủ kết thúc thanh tra, Thủ tướng đã ký ban hành tiêu chí, thì những công trình PVN đã dành vốn đúng thuộc tiêu chí được phép đầu tư. Do kết thúc thanh tra trước ngày 14-10 nên kết luận thanh tra vẫn nêu.

Sau khi báo chí nêu ngay trong văn bản chỉ đạo của Thủ tướng đã có ít nhất ba từ “sai phạm” để nói về kết quả thanh tra tại PVN, ông Phùng Đình Thực công nhận việc ứng trên 620 tỉ đồng tiền vốn cho các địa phương để thực hiện các công trình không phải công trình dầu khí “đúng là có vi phạm vì quy định địa phương phải lo”.

Tuy nhiên theo ông Thực, một số dự án tương tự cũng đã được Thủ tướng cho phép PVN ứng vốn trước cho các địa phương để thực hiện và việc PVN ứng vốn là “có rất nhiều điểm lợi”: thứ nhất, người dân có lợi. Với PVN khi ứng vốn cũng có đường vận chuyển hàng hóa. Cứ để các địa phương họ không có vốn, dự án sẽ chậm tiến độ. Với lợi ích kể trên, ông Thực cho biết PVN sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép với những địa phương khó khăn, nên cho doanh nghiệp lo được vốn hỗ trợ. “Tiền trên không mất” - ông Thực cam kết và cho biết một số tỉnh đang trừ tiền thuế đất, dần trả lại tiền hỗ trợ của PVN... “Nhiều địa phương đang tiếp tục đề nghị PVN làm tiếp cơ chế trên” - ông Thực nói.

Đang kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân

Một việc lớn khác liên quan đến việc PVN đã chỉ định thầu sai quy định mà Thủ tướng chỉ đạo phải làm rõ trách nhiệm cá nhân, bà Phạm Thị Thu Hà, phó tổng giám đốc PVN, cho biết PVN đã kiểm tra và thấy các gói thầu được chỉ định mà Thanh tra Chính phủ nêu, có lý do là năm 2010 Thủ tướng đã... cho phép hội đồng quản trị PVN được phép quyết về hình thức lựa chọn thầu (công văn số 2006/VPCP-KTN truyền đạt ý kiến Thủ tướng ngày 29-3-2010 - PV). Vì vậy, một số gói đã được chỉ định.

Tuy nhiên, bà Hà cho biết các gói thầu đó đều đặc biệt, như tư vấn đền bù giải phóng mặt bằng, khảo sát biển... chỉ có một số đơn vị làm được. Kiểm tra các gói thầu được chỉ định, bà Hà khẳng định chúng đều được thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ, giúp dự án đưa vào hoạt động sớm hơn, đảm bảo chất lượng, kinh phí có gói giảm 5-14%.

Nhiều phóng viên hỏi về yêu cầu của Thủ tướng phải kiểm điểm trách nhiệm, PVN đã xem xét trách nhiệm của nguyên chủ tịch Đinh La Thăng chưa, ông Phùng Đình Thực chỉ cho biết... thái độ của PVN là cầu thị, trung thực, nghiêm túc thực hiện. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, PVN đã ban hành ngay quyết định phân công thực hiện kết luận thanh tra, có chương trình khắc phục và đến nay cơ bản xử lý các vấn đề kết luận thanh tra nêu.

Khi được nhắc lại câu hỏi về trách nhiệm cụ thể của nguyên lãnh đạo PVN thời kỳ 2006-2010 và được phóng viên hỏi thẳng lãnh đạo hiện tại có gặp khó khăn gì trong việc xem xét trách nhiệm Bộ trưởng Đinh La Thăng không, ông Phùng Đình Thực vẫn không nhắc gì đến tên người tiền nhiệm. Ông Phùng Đình Thực cho biết hiện việc thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đang được triển khai. “Việc này sẽ được tiến hành nghiêm túc. PVN sẽ xác định khuyết điểm tập thể, cá nhân, từ đó sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ” - ông Thực nói.

Với thắc mắc của phóng viên nếu giải trình của PVN là đúng thì một số kết luận của Thanh tra Chính phủ, kể cả kết luận của Thủ tướng, có thể không chính xác, bà Phạm Thị Thu Hà nêu lại một số ý và “chốt” rằng PVN không cho kết luận của thanh tra là sai. Ông Phùng Đình Thực đọc văn bản khẳng định PVN đánh giá kết luận thanh tra là phản ánh đúng hoạt động của tập đoàn. Ông Thực công nhận giai đoạn 2006-2010 PVN còn một số tồn tại, kể cả vi phạm nhưng cho rằng không có thất thoát, thua lỗ. PVN đã cơ bản xử lý theo kết luận thanh tra và ông Thực khẳng định như một lời hứa: PVN cũng như tất cả các công ty thành viên sẽ không lặp lại sai phạm cũ...

M.QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên