Paul Doumer, số phận đổi thay cùng Đông Dương

MAI ANH TUẤN 06/05/2020 06:05 GMT+7

TTCT - Sự nghiệp và cá tính suýt bị lãng quên của Paul Doumer, toàn quyền Đông Dương có lẽ là nổi tiếng nhất ở Việt Nam thời Pháp thuộc, đã được Amaury Lorin lật lại trong công trình Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương (1897-1902): bàn đạp thuộc địa (xuất bản lần đầu ở Pháp năm 2004, bản tiếng Việt ra mắt năm 2020) với cái nhìn nhiều chiều và khối tư liệu phong phú.

 

 Bìa sách tiếng Việt 

Cần phải đặt trong đúng bối cảnh của nó, tác giả bộc bạch, không chỉ ở chính quốc mà còn ở Đông Dương, không chỉ ở khía cạnh chính trị mà còn về mặt hệ tư tưởng, mới phần nào cắt nghĩa kỹ lưỡng, xác thực hơn 5 năm Doumer cầm quyền.

Cá tính, quyết đoán và biết cách dối trá

Khía cạnh riêng khác đầu tiên ở Doumer mà Lorin chú ý là vị toàn quyền trẻ tuổi - 40 tuổi khi nhậm chức - không xuất thân từ Trường Thuộc địa hay Trường Luật, nghĩa là giắt lưng một cẩm nang kiến thức ít nhiều về cách quản trị thuộc địa, mà từ vị thế bộ trưởng tài chính (1895-1896), có nhiều mối liên hệ với giới thương nhân, đặc biệt là ngành thép. 

Điều kiện xuất thân ấy hẳn giúp Doumer thuận lợi hơn khi bắt tay thực hiện công cuộc kiến thiết Đông Dương với trọng tâm là các công trình kiến trúc, xây dựng đòi hỏi nhiều tiền bạc. Ông nhanh chóng cụ thể hóa năng lực điều hành tài chính bằng cách thiết lập hệ thống thuế khóa đa tầng bậc để cải thiện ngân sách đang bên bờ vực thẳm của Đông Dương khi đó, đồng thời không quản ngại thuyết phục chính quốc thông qua gói vay hai trăm triệu franc (1898) để thực thi các kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng thuộc địa.

Nhưng hệ thống thuế, phí của Doumer không ngừng mở rộng và tăng lên, từ thuế thân, đất đai, đến các thuế phí đăng ký chứng chỉ quan chức, phí diêm, muối, rượu cồn, thuốc lá, thuốc phiện, gỗ củi, nhà tranh, đò sông… đã trở thành con dao hai lưỡi. 

Một mặt, chúng tạo ra thặng dư ngân sách, thậm chí sau 5 năm ông cầm quyền, Đông Dương lần đầu tiên trở thành thuộc địa tạo ra lợi nhuận. Mặt khác, sưu cao thuế nặng chẳng khác gì “một trận mưa đá thực sự” giáng xuống thuộc địa. Thuế thân và thuế đất đai được trưng thu tối đa khiến dân tình An Nam bấy giờ lâm vào khốn đốn, và tất yếu trở thành khối thuốc nổ ngấm ngầm nhắm vào vị toàn quyền khét tiếng quyết đoán. 

Chính giới nước Pháp có thể nở mặt nở mũi và phần nào quên đi thất bại đau đớn trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ (1870) nhờ điểm sáng Đông Dương, nhưng về cơ bản, Doumer không tránh khỏi những chỉ trích và gièm pha từ các cộng sự và bắt đầu thấm thía sức ép từ báo giới, dư luận, cũng như hiểu ra tình trạng mong manh của đế chế thuộc địa do mình góp công gầy dựng.

Theo Lorin, Doumer đã phải viết những báo cáo thường dối trá, cắt gọt thông tin để che giấu thực trạng. “Tình hình chính trị ở thuộc địa vẫn tuyệt vời [...] Dân chúng rất yên ổn và tập trung vào công việc thường ngày [...] Xứ sở hoàn toàn yên ả, tới mức dường như chẳng có gì khiến phải lo chuyện bất ổn xảy ra cả”, lời lẽ của Doumer có thể đủ để qua mặt chính quốc xa xôi thời bấy giờ, nhưng khó làm chúng ta hôm nay tin được. 

Chính Doumer đã phải “đề nghị những điều kiện khá thoải mái” để giảng hòa với Hoàng Hoa Thám, và không như ảo tưởng của toàn quyền rằng mọi phong trào yêu nước ở An Nam sẽ triệt tiêu sau khi phong trào Cần Vương bị dập tắt, thực tế cho thấy tinh thần kháng Pháp vẫn thường xuyên bùng nổ thành chống đối vũ trang.

Doumer cũng phải lờ đi vấn nạn bộ máy hành chính thuộc địa cồng kềnh, quan liêu trong các báo cáo gửi về Paris. Dù từng cho rằng Đông Dương “không thiếu viên chức”, “cần phải tinh giảm số lượng thay vì tuyển thêm”, nhưng rốt cuộc Doumer đã thiết lập bộ máy viên chức quá khổ và tốn kém. 

Khác với hình ảnh vị toàn quyền cật lực làm việc đến kiệt sức, giới viên chức địa phương được mô tả là nhiều thì giờ nhàn tản, tạo ra không khí quan liêu nhức nhối mà theo lời Pierre Brocheux, là “con đỉa hút máu của đế chế thuộc địa Pháp”.

Hội Tam điểm, lý tưởng cộng hòa và cách tiếp cận di sản

 Bìa sách tiếng Pháp

Xu hướng lược giản sự nghiệp của Doumer tại Đông Dương thường gắn với thói quen liệt kê các công trình xây dựng, kiến trúc mà ngày nay vẫn còn ở Hà Nội, Sài Gòn. Nhưng Lorin còn cho thấy Doumer phức tạp và hấp dẫn hơn trong nhiều khía cạnh khác. 

Chẳng hạn, Doumer có “một sự pha trộn kín đáo” giữa những hoài bão triết học - chính trị theo tư tưởng cộng hòa và thuyết Tam điểm. Tư tưởng của Hội Tam điểm, vốn được coi như “trường dòng của nền cộng hòa”, được thể hiện qua các ý tưởng “tiến bộ”, “lòng bác ái”, “đoàn kết con người”, đã đóng vai trò nhất định trong nhãn quan chính trị của Doumer. 

Từ đó, ông tìm cách truyền bá những lý tưởng này trong môi trường thuộc địa. Vì thế ở Bắc Kỳ có những hội “Huynh đệ” hay “Hội quán” đã kết nạp thêm một vài “anh em người An Nam”, và theo Lorin, nó có liên hệ mật thiết với tình cảm cá nhân dù ưu ái hay không của những vị toàn quyền nối tiếp nhau.

Với Doumer, lý tưởng của nền Đệ tam Cộng hòa Pháp hẳn đã thúc đẩy ông gây dựng và hỗ trợ các hoạt động khoa học và văn hóa khá bài bản. Nhờ Doumer mà Đông Dương bớt đi những câu chuyện mang màu sắc huyễn hoặc về vùng đất xa xôi, kỳ bí, để dần trở thành đối tượng nghiên cứu thực sự của nhiều học giả, của ngành khoa học nhân văn trên thế giới. 

Nhìn ở đóng góp này, theo tôi, Paul Doumer xứng đáng với lời lẽ của chính ông vào năm 1931 khi viết thư cho giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ: “Lợi ích mà chúng ta đã tạo ra được bằng khoa học có những gốc rễ sâu hơn so với những lợi ích từ mọi nguồn khác”.

Nhưng thành quả tạo dựng một Đông Dương như “nước Pháp tại châu Á” dĩ nhiên dấy lên những tranh luận trái chiều. Ngay cả Chính phủ Pháp cũng không hoàn toàn bằng lòng. “Sự hăng tiết của toàn quyền Đông Dương - Lorin bình luận - cuối cùng khiến Paris khó chịu dù không làm họ phẫn nộ”. 

Sự táo tợn trong các quyết định có tính chất đơn phương, bất chấp các quy tắc, lề thói chính trị của Doumer càng làm ông có nhiều kẻ thù. Nhưng lý giải của Lorin mà tôi nghĩ có thể chấp nhận được là Doumer không hề muốn bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để “đẽo gọt hình ảnh của riêng mình tại Đông Dương”. 

Một hình ảnh quá lớn và như thế trở nên cớm bóng với những người kế nhiệm như Paul Beau (1902-1908), Anthony Klobukowski (1908-1911) và Albert Sarraut (1911-1914), những người mà, theo Charles Fourniau, chỉ tiếp tục hoàn thiện hoặc điều chỉnh phần nào bộ máy đã được Doumer tạo lập, chứ “không hề thay đổi đường hướng và cấu trúc cơ bản”.

Trong khi đó, tại nước Pháp, Doumer đủ khéo léo để sử dụng hào quang thuộc địa làm bàn đạp vươn tới vị trí cao nhất trên chính trường, tổng thống Cộng hòa Pháp (1931-1932).

Trường học thuộc địa quả thật đã cho Doumer ý chí, tính thực dụng, lòng kiên trì và cuối cùng nảy sinh một tình cảm gắn bó với vùng đất mà bản thân ông cũng không ngờ tới. 

Cuốn sách của Lorin không có chủ đích ca ngợi, nhưng tác giả cũng đã bị cuốn theo, như phần nhiều các nhà nghiên cứu trước đó, trạng thái hưng phấn, ngạc nhiên và thán phục với những gì mà Doumer để lại, kể cả những điều tiếng xấu xa từng đẩy ông vào góc quên lãng. 

Trạng thái đó của Lorin, theo tôi, không làm chúng ta lẩy thêm một phiếu tán dương Doumer, mà chủ yếu và quan trọng nhất, để hiểu hơn về giai đoạn lịch sử đặc biệt, khúc quanh lớn và bước ngoặt quan trọng, của xã hội Việt Nam trên tiến trình hiện đại hóa.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận