19/10/2010 06:58 GMT+7

Paris xuống đường chống cải cách hưu trí

VÕ TRUNG DUNG
VÕ TRUNG DUNG

TT - Paris sáng thứ hai. Tại cửa ngõ Orléans phía nam thủ đô nước Pháp, xe hơi nối đuôi nhau hàng trăm mét từ 6 giờ sáng ở xung quanh các trạm xăng. Cảnh rồng rắn này gây ra kẹt xe khủng khiếp. Cảnh hỗn loạn chưa từng thấy!

Hơn 1.000 trạm xăng chẳng còn gì để bán. Tất cả đều đóng cửa. Các trạm xăng khác phân phối theo định mức 15-20 lít/xe và từ chối đong vào can.

bg36qkAT.jpgPhóng to

Học sinh trung học bãi khóa trước cổng trường ở Marseille ngày 18-10 - Ảnh: AFP

“Làm sao tôi bán được số rau quả của tôi đây?” - Louis, một nông dân ở gần Paris, lo lắng. Louis đã đứng chờ từ hai giờ trước khi trạm xăng mở cửa.

Cũng như Louis, hàng triệu người Pháp không biết sẽ đi làm như thế nào trong những ngày tới nếu xung đột vẫn tiếp diễn. Các hoạt động kinh tế có nguy cơ bị tê liệt nghiêm trọng. Kho xăng máy bay giảm đến mức báo động.

Trong khi đó, các nghiệp đoàn thông báo sẽ gia tăng việc phong tỏa các nhà máy lọc dầu và kho nhiên liệu trên khắp nước Pháp. Nỗi lo lắng sống còn về nhiên liệu làm lu mờ lý do chính của các cuộc biểu tình và đình công: cuộc cải cách hưu trí sẽ kéo dài thời gian đóng góp cho xã hội để có thể nhận được trợ cấp toàn phần khi về hưu.

Paris đang rất lạnh. Trời sắp chuyển sang đông nhưng nước Pháp từ hai tuần nay đã nóng lên vì bất hòa xã hội. Tuần này, chắc chắn xung đột sẽ trở nên gay gắt nhất! Các biện pháp mạnh đang gia tăng trước khi thượng viện xem xét dự án cải cách hưu trí. Tại chính phủ đang diễn ra tình hình “ông nói gà, bà nói vịt”.

Không đếm xỉa gì đến thực tế, các bộ trưởng cứ lần lượt xuất hiện trên truyền hình với những lời lẽ lòng vòng để trấn an: “Đừng hoảng sợ, có đủ nhiên liệu cho mọi người”.

Cùng thời điểm, Hiệp hội Dầu khí Pháp lại công bố những số liệu cho thấy họ đã ngừng phần lớn hoạt động giao hàng. Các kho xăng dầu hoặc bị phong tỏa, hoặc công nhân bãi công. Dân Pháp ở thành phố đổ xô đến các cửa hàng xe đạp. Còn dân ở biên giới thì chạy sang Bỉ và Đức đổ xăng. Nhiều người nhân lúc này đục nước béo cò...

Bộ trưởng Nội vụ Brice Hortefeux và Thủ tướng François Fillon cứ trấn an: “Chúng tôi không để cho một vài nghiệp đoàn gây lộn xộn!”. Hai ông còn đe dọa sẽ “sử dụng đến cảnh sát và quân đội để giải quyết tình hình”.

Đó là một lời đe dọa hoàn toàn không hợp pháp vì hiến pháp quy định chính phủ không được cản trở bãi công, trừ trường hợp sắp xảy ra chiến tranh hoặc an ninh quốc gia bị đe dọa. Nhưng trường hợp này thì không phải vậy.

Đang diễn ra một chiến thuật kiểu cây gậy và củ cà rốt. Cứ một bộ trưởng đấm thì một bộ trưởng lại xoa. “Tôi tin rằng đây là một bước ngoặt. Điều mà tôi mong muốn đó là cải cách được thông qua và đưa vào áp dụng trong những tuần tới” - Bộ trưởng Nông nghiệp Bruno Le Maire tuyên bố trên kênh radio Europe 1.

Ông cũng là người phủi bỏ mọi nhượng bộ trong nội dung cải cách: tuổi hợp pháp để về hưu từ 60-62, nghỉ hưu từ 65-67 tuổi để nhận trợ cấp toàn phần. “Đã có phản ứng từ nhiều phía, bây giờ tôi tin rằng đã đến lúc nền dân chủ nghị viện phải đóng vai trò của mình là kết thúc tranh luận và cho phép áp dụng cuộc cải cách này”.

Với các nghiệp đoàn, cải cách thì được nhưng không phải như thế nào cũng được. “Đúng, cải cách hưu trí là cần thiết nhưng không phải như thế này! - Eric Sellini, thuộc phái tả của CGT, tuyên bố - Chính phủ bảo sẽ thảo luận rộng rãi với người dân nhưng thực tế thì không phải vậy”.

Tuy cùng đeo đuổi một mục tiêu chung, song nội bộ các nghiệp đoàn đang có sự rạn nứt. Chính phủ biết rõ điều này và đang chờ lúc tình hình nội bộ tồi tệ thêm. Ngày 14-10, trong cuộc họp liên nghiệp đoàn, những bất hòa đầu tiên đã xuất hiện giữa phe cải cách và phe chống lại.

Hôm nay, ngày thứ sáu của cuộc bãi công toàn quốc, một cuộc biểu tình và bãi công dự kiến nổ ra toàn quốc. Khoảng 3 triệu người sẽ xuống đường và tham gia bãi công. Phe chống đối trông chờ vào sự tăng viện của cánh tài xế, những người sẽ chặn đường và phong tỏa các vị trí chiến lược vào lúc 22g tối thứ hai. Nhân viên đường sắt cũng sẽ vào cuộc.

Tất cả dự báo một sự hỗn loạn vô tiền khoáng hậu: giao thông rối loạn, kinh tế ì ạch...

Tuy nhiên, bất chấp những phiền nhiễu này, theo thăm dò của báo Le Parisien, 71% dân Pháp tán thành sự phản kháng của các nghiệp đoàn. Người Pháp điên hết rồi sao? Không phải vậy, bởi vì đó mới là “nghịch lý đầy chất Pháp”.

VÕ TRUNG DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên