Quanh tháp Khải Hoàn Môn đã tù mù hơi khói lựu đạn cay của cảnh sát chống bạo động vào sáng 1-12 - Ảnh: REUTERS
Từ sáng sớm hôm nay (1-12, giờ địa phương), những người mặc "" lại xuống đường theo định kỳ cuối tuần, tuần thứ ba liên tiếp.
Đụng độ gần như lập tức diễn ra, chủ yếu tại quảng trường Ngôi sao, khi nhóm biểu tình quyết chí gây sức ép để giữ nhịp cho phong trào phản đối quyết định tăng giá nhiên liệu của chính phủ trong khi lực lượng chức năng không muốn thủ đô một lần nữa bị quấy rối.
Cảnh sát Pháp đã dùng bình xịt hơi cay, lựu đạn khói để giải tán những người biểu tình mà họ gọi là nhóm "quấy phá" quá khích tìm cách phá vỡ các hàng rào an ninh trên đại lộ Champs-Elysées giữa thủ đô Paris.
Cảnh sát chống bạo động Pháp cũng tơi tả chặn người biểu tình quá khích ở quảng trường Ngôi sao - Ảnh: REUTERS
Khoảng cuối giờ sáng, Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner viết trên Twitter: "Khoảng 1.500 kẻ quấy rối từ bên ngoài vào để đánh nhau".
Đến 13h30 (tức 17h30, giờ VN), Sở cảnh sát Paris cho biết hơn 115 người biểu tình đã bị tạm giữ; gần 10 người bị thương xung quanh đại lộ Champs-Elysées, trong đó có 3 cảnh sát.
Cảnh sát Pháp hiện lo ngại những thành phần cực hữu và cực tả có xu hướng bạo lực có thể đang thâm nhập vào phong trào "áo khoác vàng" biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu và chi phí từ nhiều tuần qua.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã tỏ ra bất bình khi có những người vẽ bẩn lên tường Khải Hoàn Môn và biểu tình quanh Mộ chiến sĩ vô danh dưới Khải Hoàn Môn vốn là một biểu tượng linh thiêng của nước Pháp.
Ông tuyên bố sẽ không dung thứ cho những kẻ lợi dụng biểu tình để đập phá và khiêu khích lực lượng an ninh.
Cảnh sát chống bạo động Pháp dùng gậy chuyên môn ngăn chặn những người biểu tình quá khích ở quảng trường Ngôi sao, gần Khải Hoàn Môn - Ảnh: REUTERS
Phong trào "áo khoác vàng", lấy tên theo những chiếc áo phản quang mà tất cả người lái xe mô-tô tại Pháp phải mặc khi lái xe, lại đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân không thích chuyện tăng giá.
Cơ quan chức năng Pháp cho biết khoảng 5.000 cảnh sát và nhân viên an ninh đã được điều động tại Paris từ rạng sáng 1-12, cao hơn so với con số 3.000 của cuối tuần trước.
Khoảng 5.000 cảnh sát khác sẽ được triển khai trên toàn nước Pháp để kiểm soát an ninh trong đợt biểu tình thứ 3 này.
Người biểu tình ở TP Strasbourg bị cảnh sát dùng gậy ngăn chặn trong cuộc biểu tình ngày 1-12 - Ảnh: REUTERS
Đáng lo là trong ngày hôm nay, có đến 3 cuộc biểu tình chính thức được lên kế hoạch tại Paris gồm một cuộc biểu tình của phong trào "áo khoác vàng", một cuộc biểu tình của nghiệp đoàn phải đối tình trạng thất nghiệp và một cuộc biểu tình khác chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Từ ngày 29-11, giới chức Pháp thông báo sẽ cấm tất cả các phương tiện giao thông tại đại lộ Champs-Elysées trong ngày 1-12 và chỉ cho phép khách bộ hành vào tham quan sau khi danh tính của họ được kiểm tra kỹ lưỡng.
Người biểu tình ở Antibes trang bị mũ bảo hiểm phòng hơi cay và phòng bị đập vào đầu - Ảnh: REUTERS
Quyết định tăng thuế nhiên liệu tại Pháp có hiệu lực từ tháng 10 vừa qua cùng lúc giá dầu thế giới tăng đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong người dân, đặc biệt là nông dân.
Dù chính phủ cho rằng tăng thuế nhiên liệu nhằm khuyến khích các lái xe sử dụng phương tiện ít tiêu thụ nhiên liệu hơn, từ đó giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng hàng ngàn người vẫn đổ xuống các đường phố chính ở các thành phố trên cả nước để phản đối.
Có thời điểm diễn ra gần như cùng lúc 2.000 cuộc biểu tình, tụ tập lớn nhỏ để phản đối.
Thủ tướng Edouard Philippe tuy vậy vẫn khẳng định chính phủ nước này sẽ không rút lại quyết định tăng thuế nhiên liệu mới, bất chấp các cuộc biểu tình phản đối trên phạm vi cả nước.
Những kẻ quá khích đã nổi lửa đốt thùng rác hoặc vỏ xe ở quảng trường Ngôi sao và chính những người biểu tình "Áo khoác vàng" chân chính đã đứng ra dập lửa - Ảnh: REUTERS
Người biểu tình ra dấu ngón tay thối khiêu khích khói lựu đạn cay của lực lượng cảnh sát - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận