Paperman đoạt giải Oscar năm 2013 dành cho thể loại phim hoạt hình ngắn và nằm trong top những phim hoạt hình thắng giải Oscar có thời lượng ngắn nhất: chỉ khoảng 6 phút rưỡi.
Đạo diễn John Kahrs có ý tưởng cho bộ phim khi ông đang làm họa sĩ hoạt hình tại Blue Sky Studios. Ông thường đi làm qua nhà ga Grand Central và đã tạo ra câu chuyện về một chàng trai có ấn tượng với một cô gái trong chuyến đi làm và cố gắng tạo mối liên hệ nào đó.
Những yếu tố nổi bật của phim Paperman
- Thiết kế nhân vật: Nhân vật trong Paperman được thiết kế đơn giản, tạo sự gần gũi, hài hước và đáng yêu.
Với kinh nghiệm của một họa sĩ hoạt hình, đạo diễn John Kahrs quyết ‘bảo vệ’ chiếc mũi to bất thường của chàng trai làm điểm đặc trưng, yếu tố nhận diện nhân vật.
Tạo hình nhân vật nữ với đôi mắt lớn mang lại cảm giác trẻ trung, hồn nhiên. Màu son môi đỏ là yếu tố nhận diện nhân vật cũng là điểm nhấn cho cả phim chỉ với tông đen trắng.
- Màu sắc: Hình ảnh đen trắng tạo nên một không gian hấp dẫn mang phong cách 'retro' trong điện ảnh, làm gợi nhớ về dòng phim 'Noir' thế kỷ 20.
Màu sắc duy nhất được sử dụng trong phim là màu son đỏ trên môi cô gái và dấu son trên tờ giấy. Người xem như được thấy thế giới qua đôi mắt của chàng trai: một thế giới khá ảm đạm, chỉ có trắng và đen. Sự xuất hiện của cô gái là điểm nhấn màu sắc duy nhất trong thế giới trắng đen của anh ta.
Với góc nhìn của chàng trai, thế giới trong Paperman chỉ thật sự có màu sắc ở nơi nào mà cô gái xuất hiện.
- Lời thoại: Phim không sử dụng lời thoại giữa các nhân vật chính, thay vào đó là sự giao tiếp thông qua hành động và biểu cảm. ‘Sức mạnh’ của những phim không có lời thoại là sẽ tập trung vào nghệ thuật hình ảnh, nghệ thuật kể chuyện và âm nhạc.
Phần lời thoại sẽ được trao lại cho khán giả, mỗi người xem sẽ tự có câu thoại của riêng mình tùy theo cảm nhận cá nhân.
Những tác phẩm không có lời thoại được ví như đỉnh cao về giao tiếp trong nghệ thuật kể chuyện (being said without words).
- Thử nghiệm công nghệ mới:
Paperman là sự kết hợp hoạt hình 3D và hoạt hình 2D. Nếu như để render từ 3D ra 2D thì chúng ta sẽ nghĩ đến kỹ thuật Cel shading/Toon shading, Non-Photorealistic Rendering (NPR)… kết hợp với áp vật liệu vẽ tay (hand painted texture) mà nhiều sản phẩm đã sử dụng thành công.
Cel shading/Toon shading, Non-Photorealistic Rendering (NPR)… là kỹ thuật ‘làm phẳng’ đối tượng 3D để tạo cảm giác 2D bằng cách đổ bóng sáng/tối thành một mảng màu đơn sắc, kết hợp với vật liệu vẽ tay (hand painted texture) để sản phẩm 3D sau cùng tương tự như tranh vẽ.
Tuy nhiên, khác với những kỹ thuật mô phỏng 2D trên, đội ngũ sản xuất Paperman đã sử dụng kỹ thuật mới có tên là Meander, kết hợp giữa kỹ thuật CGI và hoạt hình vẽ tay truyền thống. Công nghệ Meander sẽ tự động hoàn tất nét vẽ, giúp tạo ra những đường nét một cách mượt mà, tự nhiên. Quá trình sáng tạo này giúp phong cách hình ảnh trong Paperman trở nên độc đáo.
Kỹ thuật Meander được phát triển từ năm 2010, là sự kết hợp các ưu điểm của vẽ vector và vẽ raster với mục đích trở thành công cụ hỗ trợ chính cho hoạt hình vẽ tay truyền thống. Nhà sản xuất có giải thích chi tiết về Meander, bạn có thể xem đầy đủ tại đây.
‘Chuyến bay’ của cung bậc cảm xúc
Trong suốt hơn 6 phút của phim, người xem như được ngồi trên ‘chuyến bay’ cung bậc cảm xúc của chàng trai với những buồn, vui, hy vọng, thất vọng… Mạch phim mang đến sự thú vị khi kết hợp giữa yếu tố hài hước và lãng mạn.
Hành trình ‘chuyến bay cảm xúc’ chỉ trong một ngày làm việc đầy ‘bất ổn’ của chàng trai
Phép màu đến từ đâu?
Nhiều người xem cảm thấy ‘lấn cấn’ khi xuất hiện yếu tố phép thuật hô biến những chiếc máy bay giấy tự chuyển động, làm cho câu chuyện bị chuyển hướng đột ngột. Cách giải quyết vấn đề được ‘lý tưởng hóa’ như trong truyện cổ tích thay vì theo ‘logic’ ở thế giới hiện đại.
Phép màu xảy ra giúp chàng trai giải quyết vấn đề nhanh gọn như ‘cô Tấm’ thời hiện đại.
Mình cũng thắc mắc phép màu đó đến từ đâu cho đến khi tìm đáp án cho câu hỏi: ‘Có bao nhiêu chiếc máy bay giấy trong phim Paperman?’ Tất nhiên nhà sản xuất không đưa ra con số cụ thể nên chúng ta sẽ tự đi lời giải.
Và dựa vào cảnh sau đây chúng ta có thể ước lượng được tổng số máy bay giấy trong phim.
À, ý mình không phải ở cảnh bị lỗi ‘raccord’ này...
Lỗi ‘raccord’ ở cảnh chàng trai được giao việc: 2 xấp giấy trên bàn biến mất sau khi anh ta thấy cô gái ở tòa nhà đối diện.
... Mà là ở cảnh tiếp theo này, chúng ta thấy số lượng giấy trên bàn anh ta tương đương 5 ream (ram) giấy A4. Mỗi ream A4 có 500 tờ, như vậy tổng cộng chàng trai đã xếp khoảng 2.500 chiếc máy bay giấy.
Số lượng giấy trên bàn tương đương với 5 ream (ram) A4, có thể ước lượng khoảng 2.500 chiếc máy bay giấy trong phim Paperman
Chúng ta thường nghe nói nếu xếp 1.000 con hạc giấy thì một điều ước sẽ thành hiện thực. Trong trường hợp này, biết đâu điều ước đã ‘vô tình ứng nghiệm’ trở thành hiện thực với chàng trai.
Chàng trai xếp hơn 2.000 chiếc máy bay giấy đồng nghĩa anh ta đã thất bại hơn 2.000 lần mà vẫn kiên trì tiếp tục. Trên mỗi chiếc máy bay được phóng ra mang theo một kỳ vọng được kết nối của anh ta. Chàng trai liên tục thất bại nhưng vẫn quyết tâm tới cùng, anh ta chỉ ngưng xếp máy bay khi… hết giấy.
Đến khi không còn cách kết nối nào khác thì anh ta càng thể hiện rõ quyết tâm hơn. Và đó là lúc phép màu xuất hiện, có thể nói phép màu trong Paperman đến từ sự kiên trì, và sự kiên trì đến từ sự chân thành.
Paperman nhẹ nhàng lãng mạn, mang đậm chất ‘cổ tích Walt Disney’
Dù ra mắt đã hơn 10 năm nhưng Paperman vẫn được đánh giá cao trong thể loại phim hoạt hình ngắn. Hình ảnh máy bay giấy thường gắn với thế giới trẻ thơ, thế giới của sự hồn nhiên, nơi mà niềm vui rất đơn giản.
Điều thú vị khi phóng một chiếc máy bay giấy là chúng ta không biết trước nó sẽ bay như thế nào và đáp xuống ở đâu. Nên hình ảnh máy bay giấy được dùng như một phép ẩn dụ về những tình huống bất ngờ của ‘nghệ thuật sắp đặt’ trong cuộc sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận