Oreshnik: Cây gậy phi hạt nhân của Nga

TƯỜNG ANH 30/11/2024 10:57 GMT+7

TTCT - Oreshnik đã trở thành từ được tìm kiếm nhiều nhất ngày 21-11 trên nhiều nền tảng Internet. Tên lửa đạn đạo tầm trung mà Nga bắn vào cơ sở công nghiệp quân sự Yuzhmash ở Dnepropetrovsk (Ukraine) đang hứa hẹn làm biến chuyển cục diện cuộc chiến.

Oreshnik: Cây gậy phi hạt nhân của Nga - Ảnh 1.

Tên lửa siêu vượt âm của Nga rời bệ phóng. Ảnh: AFP

Ví dụ, tính đến 21h (giờ Matxcơva) ngày 21-11, độ phổ biến của yêu cầu tìm hiểu tên lửa Oreshnik bằng tiếng Anh đạt mức cao nhất, lên 100 điểm. Kể từ đó, chỉ số này không bao giờ giảm xuống dưới 49 điểm - theo dữ liệu từ dịch vụ Google Trends.

"Cảnh báo trực quan"

Từ 21-11 đến nay, ít nhất hai lần Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đăng đàn nói về tên lửa Oreshnik. Lần đầu tiên là tối 21-11, sau khi Nga bắn thử nghiệm tên lửa này vào tổ hợp kỹ thuật quân sự lớn và nổi tiếng nhất Ukraine Yuzhmash sáng cùng ngày. 

Trong thông điệp video, ông Putin giải thích quyết định của Nga: ngày 19-11, 6 tên lửa ATACMS và ngày 21-11, hệ thống Storm Shadow đã tấn công các mục tiêu ở Kursk và Bryansk của Nga, "dẫn đến thương vong". 

Nhấn mạnh Kiev không thể sử dụng vũ khí tầm xa bắn vào lãnh thổ Nga mà không có sự tham gia của chuyên gia từ các quốc gia sản xuất chúng, ông Putin nói "cuộc xung đột khu vực ở Ukraine đã mang tính chất toàn cầu" và Nga có quyền sử dụng vũ khí chống lại các mục tiêu của những quốc gia cho phép sử dụng vũ khí của họ bắn vào mục tiêu Nga. Vũ khí đó là Oreshnik.

Tại cuộc gặp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, tổ hợp công nghiệp quân sự và các nhà phát triển tên lửa hôm 22-11, ông Putin khẳng định dự trữ hệ thống Oreshnik vẫn còn và các thử nghiệm sẽ tiếp tục. 

Theo ông, Oreshnik không phải là hiện đại hóa hệ thống cũ của Liên Xô, mà là kết quả mới của các chuyên gia Nga, trên cơ sở những phát triển mới nhất. Điểm chính là việc sử dụng nó với số lượng lớn có thể so sánh với vũ khí hạt nhân. 

Có thể hiểu ý ông Putin là nếu các cuộc tấn công vào Nga bằng tên lửa của Mỹ và Anh không dừng lại, Nga có thể sẽ tấn công các cơ sở quân sự của họ ở châu Âu bằng Oreshnik, với tác dụng gần giống như vũ khí hạt nhân, mà không hệ thống phòng không nào của phương Tây có thể chống lại.

Oreshnik: Cây gậy phi hạt nhân của Nga - Ảnh 2.

Những gì còn lại của một số linh kiện trong tên lửa "thử nghiệm" của Nga được Ukraine trưng bày. Ảnh: AFP

Một số kênh Telegram Nga gọi Oreshnik - mà tiếng nổ nghe được cách nơi trúng tên lửa cả hơn 20km - là "cảnh báo trực quan cho Kiev" và Mỹ về những gì có thể xảy ra nếu các cuộc tấn công tên lửa tiếp tục tiến vào lãnh thổ Nga.

Quốc hội Ukraine đã hủy các cuộc họp dự kiến ngày 23-11 và tuyên bố chỉ làm việc trở lại vào tháng 12. Các đại sứ quán Mỹ và phương Tây cũng đóng cửa trong ngày 23-11.

Tên lửa sẽ hướng về đâu?

Giám đốc Trung tâm các nghiên cứu chính trị quốc tế Nga Elena Pavina cho rằng "gợi ý về Dnepropetrovsk" của Nga đã được Mỹ tiếp nhận và hiểu rõ. Nhưng gợi ý này có tác động gì không vẫn là câu hỏi lớn.

Mặc dù thường phản ứng ngay lập tức trước những sự kiện nghiêm trọng, tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn chưa lên tiếng về các cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ và Anh vào lãnh thổ Nga, và cả việc Nga trả đũa bằng Oreshnik. 

Nhà khoa học chính trị người Đức Alexander Rahr nhận định: "Đã xuất hiện thông tin rằng Trump đồng ý bước đi này (cho phép Kiev bắn tên lửa tầm xa vào Nga) với chính quyền Biden, dường như Trump muốn dùng Ukraine để gây áp lực lên Nga để khi Đảng Cộng hòa bắt đầu nắm quyền, các cuộc đàm phán với Vladimir Putin sẽ dễ dàng hơn".

Như thế, có thể sau ngày 20-1-2025 Trump sẽ ban "lệnh cấm" Kiev phóng tên lửa tầm xa, coi đây là nhượng bộ với Matxcơva và yêu cầu đổi lại một điều gì đó - chẳng hạn như đóng băng chiến tuyến. 

Tuy nhiên theo bà Pavina, Nga sẽ không bao giờ chấp nhận đóng băng chiến tuyến, và nói chung "không cần thiết phải cá nhân hóa nền chính trị Mỹ quá nhiều, bởi khuynh hướng chống Nga của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục dưới bất kỳ tổng thống nào".

Trong khi đó, Kiev thông báo có thể yêu cầu Mỹ gửi cho họ tên lửa Tomahawk - với tầm bay lên tới 1.800km và thời gian bay tới Matxcơva là 15 phút. 

Rõ ràng Washington đã tính toán phản ứng của Nga trước khi leo thang, và do đó câu hỏi chính hiện nay, theo bà Pavina, là: "Liệu màn trình diễn về năng lực của Nga mới trong phạm vi địa lý của Ukraine có đủ để gây ra nỗi sợ hãi cần thiết ở Hoa Kỳ hay không? Hay Nga sẽ phải tấn công xa hơn về phía tây - đầu tiên là ở Ba Lan?".

Oreshnik: Cây gậy phi hạt nhân của Nga - Ảnh 3.

Tên lửa ATACMS. Ảnh: US Army

Vì sao lại là Ba Lan? Chuyên gia này dẫn đài CNN ngày 21-11 đưa lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova: "Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng căn cứ phòng không phương Tây ở Ba Lan (căn cứ Aegis Ashore ở Redzikowo, khai trương ngày 13-11) nằm trong danh sách mục tiêu tiềm năng".

Cũng theo chiều hướng leo thang này, nhà nghiên cứu của Viện Hudson Luke Coffey trong một bài viết trên trang web của viện này hôm 21-11 cho rằng: "Ba Lan và Romania phải bắn hạ tên lửa và máy bay Nga". 

Ông Coffey viết bất kỳ "sự nhượng bộ nào với Putin" sẽ cho thấy sự yếu ớt của Washington. Thậm chí, việc buộc Ukraine phải đạt được thỏa thuận "sẽ khuyến khích các đối thủ của Mỹ và buộc các đồng minh phải tìm kiếm các cơ chế an ninh khác".

Lưu ý việc Kiev đã được chuyển giao tên lửa tầm xa kèm sự chấp thuận cho sử dụng, Coffey khuyến nghị gây áp lực lên Ba Lan và Romania để họ bắt đầu bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa của Nga "hướng tới các nước NATO". 

Ông cho rằng đây là "lựa chọn ít rủi ro" để hỗ trợ thêm cho Ukraine và khuyến nghị Ukraine nên được trang bị thêm tên lửa hành trình mặt đất Tomahawk Block III và tên lửa hành trình tấn công đất liền tầm xa mở rộng (SLAM-ER).

Theo nhà khoa học chính trị Nga Fyodor Lukyanov, "cuộc chơi đang đi đến hồi kết": "Việc Vladimir Putin tiết lộ chi tiết chuyện sử dụng tên lửa mới chống lại mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine có nghĩa là cuộc đối đầu đã được tiến hành một cách công khai". Ông gọi đó là "cây gậy phi hạt nhân của Nga chống lại NATO".■

Hệ thống Rubezh (RS-26) là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) di động được phát triển ở Nga, có khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại. Oreshnik chính là phiên bản Rubezh phi hạt nhân, nổi bật bởi khả năng đảm bảo tấn công mục tiêu với độ chính xác cao ở khoảng cách 2.000 - 6.000km.

Các tính năng chính của hệ thống này là: (1) Nhiều đầu đạn, mỗi đầu đạn có động cơ riêng, được điều khiển riêng lẻ, nên khó bị hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn. (2) Hệ thống điều khiển hiện đại, với công nghệ điều khiển bay mới nhất, cho phép thực hiện thao tác phức tạp, giảm khả năng hư hỏng. (3) Trọng lượng nhẹ nhờ sử dụng vật liệu polymer hiện đại, giúp tăng tính di động của tổ hợp. Và (4) linh hoạt trong sử dụng, tầm bắn cho phép tấn công cả mục tiêu gần và xa, bao gồm cả ở ngoài lục địa Á - Âu.

Oreshnik - tiếng Nga có nghĩa là "Hạt phỉ" - có mục đích là tiêu diệt các mục tiêu chiến lược và quân sự với độ chính xác cao. Khái niệm này phù hợp với xu hướng toàn cầu trong phát triển vũ khí siêu thanh và thúc đẩy ý tưởng răn đe không chỉ bằng vũ khí hạt nhân mà còn bằng vũ khí tấn công độ chính xác cao. Tổ hợp tên lửa mới làm phức tạp đáng kể việc phòng thủ tên lửa và gây đảo lộn cho thế cân bằng thông thường của vũ khí chiến lược.

Cơ sở quân sự Yuzhmash của Ukraine không chỉ sản xuất tên lửa, đạn phi tiễn và máy bay không người lái, mà theo một số nguồn tin, trong các xưởng ngầm, dưới sự hướng dẫn nghiêm ngặt của cố vấn NATO, Ukraine đã nối lại chương trình sản xuất vũ khí chiến lược có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Cyclone-4.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận