Người dân đổ xăng ở New York, Mỹ, nơi giá nhiên liệu là mối quan tâm lớn của chính quyền Tổng thống Joe Biden - Ảnh: AFP
Việc cắt giảm sản lượng sẽ không đem lại cho họ người bạn nào khi mà cả thế giới đang đương đầu với cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt.
Nhà phân tích Craig Erlam của Tổ chức Oanda nhận định.
Ngày 5-9, OPEC+, gồm 23 nước dưới sự dẫn dắt của Saudi Arabia và Nga, quyết định giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày kể từ tháng 10-2022 nhằm vực dậy giá dầu đang trên đà tuột dốc.
Lượng dầu cắt giảm này bằng với mức OPEC+ đã tăng sau chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 7-2022. Nhưng liệu động thái này có thắng được các động lực khác đang kéo giá dầu xuống hay không thì vẫn là câu hỏi.
Ngưỡng 90 USD
Dù mức cắt giảm chỉ tương đương 0,1% nhu cầu dầu toàn cầu, và giới phân tích cho rằng nguồn cung sẽ hầu như không thay đổi, nhưng nó vẫn khiến giá dầu lập tức tăng 3%.
Ngày 5-9, giá dầu Brent chạm ngưỡng 96,5 USD/thùng trước khi giảm nhẹ vào ngày 6-9 trong khi giá dầu tại Mỹ cũng gần đạt 90 USD/thùng.
"Điều đó cho thấy các nước OPEC đã quen với giá dầu ở mức 100 USD", báo New York Times dẫn lời chuyên gia Bill Farren-Price của Hãng nghiên cứu thị trường Enverus. Theo giới phân tích, dù không nói ra nhưng mục tiêu của các nước OPEC+ là giữ giá dầu không xuống quá ngưỡng 90 USD.
Nhóm này thời gian qua vẫn luôn từ chối lời kêu gọi tăng sản lượng của Tổng thống Mỹ Biden. Họ chỉ tăng cầm chừng để bù đắp khoản cắt giảm vì đại dịch COVID-19.
Đến tháng 6-2022, hàng loạt vấn đề như thời tiết nắng nóng mùa hè, nhu cầu đi lại tăng, căng thẳng giữa Nga và phương Tây... đã đẩy giá dầu vọt lên 120 USD/thùng. Đầu tháng 8-2022, OPEC+ miễn cưỡng tăng sản lượng lên 100.000 thùng/ngày sau khi ông Biden đến Saudi Arabia vận động.
Nhưng nhiều yếu tố đã khiến giá dầu tuột khỏi mốc 100 USD. Có thể kể ra như Trung Quốc duy trì chính sách phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt, nguy cơ suy thoái ở phương Tây, khả năng đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran giúp Tehran quay lại thị trường xuất khẩu dầu.
Theo chuyên gia Tamas Varga của tổ chức môi giới dầu mỏ, việc tăng sản lượng có thể là thông điệp của Saudi Arabia đối với chính quyền ông Biden rằng nước này sẵn sàng hành động để ngăn giá dầu xuống hơn nữa do thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Thách thức
Phản ứng của thị trường cho thấy nguồn cung hiện vẫn đang eo hẹp và còn nhiều rủi ro khác có thể đẩy giá dầu lên bất cứ lúc nào.
Trước đó vài ngày, nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới là Nga tuyên bố đóng vô thời hạn đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 đến Đức khiến giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng vọt khi mùa đông đang đến gần.
Matxcơva cũng dọa đáp trả việc phương Tây áp giá trần với dầu và khí đốt của họ, như ngừng bán dầu cho các nước tham gia biện pháp này. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào xuất khẩu dầu của Nga dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
Nhưng ở chiều ngược lại, những yếu tố kéo giá dầu đi xuống vẫn còn đó và có thể còn trầm trọng hơn. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ không thể ngồi yên nhìn dầu tăng giá trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11. Ngày 5-9, Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Mỹ Biden sẽ làm mọi điều cần thiết để tăng cường nguồn cung và hạ giá năng lượng.
"Tổng thống đã nói rõ rằng nguồn cung năng lượng phải đáp ứng nhu cầu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và hạ giá cho người tiêu dùng Mỹ và người tiêu dùng trên toàn thế giới", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre tuyên bố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận