Việc ông Zelensky cảnh báo sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 11-7 sắp tới ở Vilnius (Lithuania) nếu không được đảm bảo về quá trình gia nhập khối này chính là một biểu hiện rõ ràng của chiến lược kiến tạo "vòng xoáy" buộc phương Tây phải nhượng bộ.
Ba áp lực
Thứ nhất, đó là áp lực thu hút các hợp tác về công nghiệp quốc phòng tại Ukraine. Điển hình nhất là cuộc chuyển giao công nghệ quân sự từ "gã khổng lồ" quốc phòng Rheinmetall của Đức với tuyên bố thiết lập chính thức liên doanh sửa chữa xe tăng vào ngày 13-5 cùng các kế hoạch dự kiến sẽ xây dựng nhà máy sản xuất xe tăng và sản xuất hệ thống phòng không tại Ukraine.
Đây có thể xem là bước triển khai tiếp theo của phía Ukraine sau khi đã vận động được sự ủng hộ vào cuối tháng 3 của tổng thống Cộng hòa Czech đối với kế hoạch hợp tác sản xuất máy bay huấn luyện và chiến đấu hạng nhẹ F/A-259, cũng như các thỏa thuận cùng phát triển máy bay không người lái (drone) hiện đại với Tập đoàn Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ có trung tâm sản xuất đặt tại Ukraine vào cuối tháng 4-2023.
Chuyến công du các nước Bulgaria, Czech, Thổ Nhĩ Kỳ và Slovakia đầu tháng 7 của ông Zelensky cũng đã củng cố thêm nhiều dự án chuyển giao công nghệ quân sự của Ukraine với nhóm nước này.
Thứ hai là áp lực thu hút nguồn tài chính đến Ukraine. Đây là bước đi nối dài của phía Ukraine từ các cuộc tiếp xúc các nhóm tập đoàn lớn của Mỹ từ tháng 1-2023 sau khi cho phép BlackRock, JP Morgan và Goldman Sachs "mua tài sản của Ukraine".
Tuy nhiên, sau khi các tập đoàn Mỹ như Exxon Mobil, Chevron, Halliburton đồng ý hợp tác khai thác dầu khí với phía Naftogaz của Ukraine vào cuối tháng 4 và tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock đồng ý đầu tư vào Quỹ phát triển Ukraine vào ngày 10-5 thì dường như chính quyền ông Zelensky muốn giảm thiểu sự phụ thuộc và hạn chế tối đa khả năng bị thâu tóm thị phần độc quyền bởi các tập đoàn Mỹ.
Do đó, ông Zelensky đã tìm kiếm thêm hỗ trợ từ các thể chế châu Âu qua sự xúc tiến gặp gỡ giám đốc Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) vào giữa tháng 4 và tổ chức hội nghị với các đối tác sáng lập cùng giám đốc điều hành của Tập đoàn đầu tư Horizon Capital hàng đầu của châu Âu vào ngày 29-4 để tăng điều hướng dòng tiền vào Ukraine.
Thứ ba, áp lực thu hút sự ủng hộ đối với các sáng kiến chính trị của Ukraine. Đây chính là bước đi quan trọng nhất nhằm củng cố vai trò "người tạo cuộc chơi" chủ chốt trong thế trận vòng xoáy mà ông Zelensky muốn duy trì.
Trong đó, phía Ukraine đã chủ động ban hành Hiệp ước an ninh Kiev (KSC) vào tháng 9-2022 nhằm tập hợp một nhóm đối tác cốt lõi cam kết thực hiện "nỗ lực kéo dài nhiều thập niên" để hỗ trợ Ukraine phát triển "thế trận phòng thủ lãnh thổ vững chắc", bao gồm đào tạo và trang bị cho lực lượng, đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng và tăng cường năng lực tình báo.
"Mô hình Israel" là biện pháp đệm
Đứng trước thế trận "vòng xoáy" ngày càng quyết đoán với sự chủ động kiểm soát ở cả ba lĩnh vực công nghệ - tài chính - thể chế mà phía Ukraine đang triển khai, dường như cả Mỹ và khối NATO đang phải nhượng bộ từng phần với các yêu cầu của ông Zelensky.
Tuy nhiên, đứng trước "giới hạn đỏ" là việc kết nạp Ukraine làm thành viên NATO vốn không thể thực hiện khi giao tranh vẫn đang diễn ra thì "mô hình Israel" đang được nhắc đến như một giải pháp giúp duy trì "ngưỡng an toàn" tối thiểu cho cả khối NATO trước áp lực vòng xoáy của Ukraine lẫn khả năng bùng nổ chiến sự với Nga.
"Mô hình Israel" khiến Mỹ không ràng buộc phải ký hiệp ước đồng minh với Ukraine nhưng vẫn đảm bảo sự ưu tiên duy trì năng lực quân sự tiên tiến nhất cho Ukraine trong dài hạn.
Sự đảm bảo an ninh này thực tế không chỉ đến từ phía Mỹ mà có thể sẽ đến từ cả nhóm các cường quốc lãnh đạo khối NATO chiếu theo một Thỏa thuận khung về an ninh được Mỹ, Pháp, Đức và Anh soạn thảo và hoàn thành vào đầu tháng 7.
Thêm vào đó, sự nâng cấp vai trò của Ukraine khi cuộc họp đầu tiên của Hội đồng NATO - Ukraine sẽ được tổ chức vào ngày 12-7 tới trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh khối NATO cùng với lời đảm bảo từ tổng thư ký NATO về các tín hiệu chính thức cho tiến trình gia nhập NATO của Ukraine dường như đã thuyết phục được ông Zelensky.
Mặc dù không thể thay thế cho tư cách thành viên NATO nhưng "mô hình Israel" thực sự đang là một biện pháp "đệm" quan trọng giúp khối NATO không bị cuốn sâu hơn vào vòng xoáy quyết đoán và khả năng "tự làm chủ cuộc chơi" đầy tham vọng của chính quyền Tổng thống Zelensky.
Thế trận vòng xoáy do ông Zelensky kiến tạo âm thầm có vẻ đã thể hiện một sức ảnh hưởng rất lớn, trước mắt khiến ngay cả Mỹ và các nước lãnh đạo NATO phải tiếp tục nhân nhượng.
Đích thân Tổng thống Zelensky đã tham dự nhằm can thiệp vào chương trình nghị sự của tất cả các cơ chế nước ngoài vận động tài trợ đa phương cho Ukraine như "cơ chế Paris" do Pháp điều phối, sáng kiến về cơ chế quốc tế buộc phía Nga phải bồi thường thiệt hại mà Đức giúp Ukraine đệ trình tại Hội nghị thượng đỉnh Reykjavik của Hội đồng châu Âu và Hội nghị phục hồi Ukraine do phía Anh tổ chức vào tháng 5 vừa qua.
Tất cả đều để nhằm quy tụ vào một đầu mối chung đó là Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình toàn cầu dự kiến vào cuối năm nay tổ chức tại Ukraine. Ngày 5-7 vừa qua, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak đã tổ chức tham vấn với đại diện của hơn 40 quốc gia về việc thực hiện Công thức hòa bình 10 điểm của ông Zelensky.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận