Ngày 19-9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xuất hiện và có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Mục đích của chuyến đi này không gì hơn ngoài tìm thêm hỗ trợ để tiếp tục cuộc chiến, nhất là khi Quốc hội Mỹ đang thảo luận về đề nghị cấp thêm 24 tỉ USD cho Ukraine của Tổng thống Biden.
Theo báo Asia Times, Hạ viện Mỹ đang gặp khó trong việc thông qua dự luật ngân sách ngắn hạn, nhằm tài trợ cho các cơ quan chính phủ tiếp tục hoạt động.
Mỹ chỉ còn chưa đầy 2 tuần để ngăn chặn nguy cơ chính phủ phải đóng cửa, hạn chót là ngày 30-9. Lúc này, các nghị sĩ lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ vẫn bất đồng về dự luật chi tiêu ngắn hạn.
Trong khi đó, khoản tiền 24 tỉ USD dành cho Ukraine mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất không nằm trong bất kỳ dự luật chi tiêu ngắn hạn nào đang thảo luận.
Ông Biden đề xuất khoản tiền hơn 24 tỉ USD chia thành 13,1 tỉ USD hỗ trợ quân sự, 8,5 tỉ USD hỗ trợ nhân đạo và 2,3 tỉ USD để "cấp vốn và thúc đẩy các nhà tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới". Hiện chưa có lời giải thích rõ ràng cho khoản chi 2,3 tỉ USD.
Hồi tháng 7, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố nước này sẽ cung cấp hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine trị giá tới 400 triệu USD. Đây là gói hỗ trợ an ninh thứ 43 của Mỹ dành cho Ukraine.
Cùng tháng, Mỹ tuyên bố sẽ viện trợ bom chùm cho Ukraine. Tính từ tháng 2-2022, Mỹ đã viện trợ quân sự hơn 43 tỉ USD cho Ukraine.
Kiev đã bắt đầu chiến dịch phản công từ tháng 6, nhưng chưa có bước đột phá lớn nào. Các lữ đoàn quan trọng của Ukraine đã thiệt hại nhiều binh sĩ và trang thiết bị trên mặt trận Zaporizhzhia.
Tháng 6-2022, có báo cáo nói rằng Ukraine thiệt hại quân số hơn 1.000 người mỗi ngày, dù có ít bằng chứng cho thấy điều đó. Mỹ và một số đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết họ không tán thành chiến thuật của Ukraine, mặc dù phần lớn được xây dựng dựa trên mô phỏng máy tính của NATO và thông tin tình báo.
Trong khi đó, Ukraine muốn được viện trợ vũ khí tầm xa. Yêu cầu mới nhất là về ATACMS (MGM-140), tên lửa đạn đạo chiến thuật phóng từ mặt đất có tầm bắn 300km và tên lửa hành trình phóng từ trên không Taurus (KEPD-350) của Đức - Thụy Điển với tầm bắn 500km.
Mỹ chưa đồng ý cấp ATACMS và Đức cũng chưa gật đầu với Taurus. Nhưng những diễn biến này dường như đang ảnh hưởng đến mục tiêu của Nga.
Phần lớn cuộc giao tranh ban đầu tập trung vào Donbass, Zaporizhzhia, vùng Kherson và Crimea. Nhưng các nhà lãnh đạo Nga đang mở rộng chiến sự sang các thành phố trọng điểm như Odessa.
Để làm được điều đó, Nga sẽ phải huy động thêm lực lượng và nhiều trang thiết bị hơn, điều này có thể khiến mọi việc đi quá xa.
Mặt khác, chiến sự mở rộng sẽ gây khó khăn cho Ukraine, khi nước này đang thiếu nhân lực và vật tư.
Phía bên kia đại dương, sự bất mãn ngày càng tăng ở Mỹ. Xung đột đã củng cố quan hệ Trung Quốc - Nga, khiến Mỹ thêm phần bất lợi.
Quan điểm của Ukraine về chiến sự
1. Ukraine sẽ không đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
2. Ukraine sẽ không từ bỏ bất kỳ lãnh thổ nào trong bất kỳ trường hợp nào. Điều này áp dụng cho cả Crimea và Donbass.
3. Ukraine yêu cầu tất cả lực lượng quân đội Nga rời khỏi lãnh thổ và đưa các tội phạm chiến tranh ra xét xử.
4. Ukraine yêu cầu NATO hoặc thành viên NATO đảm bảo an ninh. Nước này cũng muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận