TTCT - Cái tên Arsene Wenger đang được nhắc nhiều tại Việt Nam khi ông sẽ cùng Arsenal đến Hà Nội trong chuyến du đấu vào giữa tháng 7. Dưới mắt của báo chí Anh, đây là một HLV “rất Pháp” trong làng bóng đá xứ sở sương mù. Phóng to HLV Arsene Wenger điều hành Arsenal từ năm 1996 - Ảnh: Reuters Trong lịch sử của Arsenal FC, ông Arsene Wenger là nhà cầm quân duy nhất không thuộc Vương quốc Anh và cũng là người có thời gian làm việc dài nhất tại CLB. Khi vừa đến Arsenal năm 1996, ông đã không chỉ vực dậy CLB mà còn thay đổi phong cách của bóng đá Anh (trong đó có chuyện hủy bỏ buổi ăn trưa truyền thống trước trận đấu của Arsenal gồm đậu trắng xốt cà và Coca-Cola). Tuy nhiên, do chưa mang về chiếc cúp quan trọng nào từ năm 2005 nên ông hứng chịu nhiều chỉ trích. Nhà kinh tế duy nhất của bóng đá “Đầu tư đi chứ!” - CĐV Arsenal từng hét lên như thế khi Arsenal thua Chelsea hồi đầu năm nay. Đây không phải lần đầu tiên HLV Wenger, 63 tuổi, trở thành mục tiêu công kích. Sau tám mùa giải mang đến vinh quang cho CLB từ khi cầm quân năm 1996, ông lại để CLB rơi vào chu kỳ không thành tích cũng ngần ấy thời gian. Rất nhiều CĐV than phiền việc ông Wenger không chịu mua về các cầu thủ đắt tiền có thể giúp cạnh tranh với Chelsea, Manchester United hoặc Barca, trong khi CLB có đến 153,6 triệu bảng Anh trong két sắt. Ông Wenger bị chỉ trích quá dè sẻn chi tiêu tại một CLB vốn nổi tiếng về mô hình quản lý tài chính. Nhưng ông và Arsenal cho rằng kinh tế bóng đá đang là bong bóng khi các CLB chi nhiều hơn thu và đối diện nguy cơ vỡ nợ. Ông Wenger sinh năm 1949 tại Alsace. Bố mẹ ông là chủ tiệm cà phê ở ngôi làng Duttlenheim. Năm 1971, ông lấy bằng cử nhân kinh tế tại Đại học Strasbourg. Từ gốc đào tạo này, ông quen đánh giá các số liệu và tầm quan trọng của nó. Đối với các HLV khác, 15 triệu bảng có thể là “con số lớn” nhưng với ông Wenger thì không. Ông biết rằng đầu tư càng lớn thì càng mang lại lợi nhuận cao. Ông Wenger đã sử dụng các số liệu thống kê để biết chẳng hạn trong vòng bao lâu một cầu thủ bị giảm tốc độ di chuyển và cần được thay ra. Ngoài ra, ông rất am hiểu bóng đá thế giới vào thời kỳ nhiều HLV ở Anh thậm chí không thèm theo dõi World Cup. Trong cái thế giới đó, ông Wenger đã thành công. Khi ông đặt chân đến Arsenal, các cầu thủ xuất sắc nhất đều là người Pháp, ông Wenger chỉ việc lựa chọn. Các ngôi sao như Patrick Vieira, Thierry Henry, Robert Pires đã giúp thay đổi một CLB trong thời gian dài bị mệnh danh là “Arsenal nhàm chán” thành đội bóng xuất sắc nhất và tạo hứng khởi nhiều nhất ở Anh. Các tuyển trạch viên của ông Wenger có mặt khắp nơi phát hiện tài năng và mua về với giá hời. Tổng số tiền ông mua về Henry, Vieira và Pires thấp hơn con số 23 triệu bảng mà ông được Real Madrid trả cho Nicolas Anelka. Năm 2004, “Những kẻ bất bại” của Wenger - có thể là đội bóng Anh hay nhất chưa từng thấy - trở thành nhà vô địch mà không thua một trận nào. Đó là danh hiệu vô địch Premier League lần thứ ba trong bảy mùa giải. Nhưng kẻ bất bại đã mất mặt trước Manchester United vào tháng 10-2004, để rồi mọi chuyện không còn như trước nữa. Bước ngoặt của bóng đá tỉ phú Vào thời điểm đó, bóng đá đang thay đổi khi tỉ phú Roman Abramovich mua lại Chelsea và bắt đầu vung tiền mua cầu thủ. Nhưng sự thay đổi không chỉ liên quan đến tiền bạc: cả nước Anh đã bắt chước ông Wenger và người đi tiên phong trở thành nạn nhân của sự cạnh tranh do chính mình khởi xướng. Chelsea của Abramovich bắt đầu thâu tóm danh hiệu và ông Wenger không chịu được cảnh có ai đó có thể “mua” một giải vô địch như mua một biệt thự. Ông chỉ trích Chelsea chơi trò “doping kinh tế”, tức sử dụng nguồn lực ngoài chuyên môn. Những năm đó, hoặc là CLB bị thôn tính, hoặc phải chạy theo xu hướng. Arsenal tính đến việc đầu tư xây một sân thi đấu mới lớn hơn để nâng doanh thu, đồng thời vẫn bảo thủ về mặt tài chính, tức không chi tiêu quá mức. Đây là hai đặc điểm cơ bản trong chính sách của ông Wenger những năm gần đây. Sân Emirates 60.000 chỗ ngồi mở cửa năm 2006 luôn đầy ắp khán giả từng trận đấu, đạt hiệu suất đều đặn cao nhất trong lịch sử bóng đá London (sân Highbury cũ chỉ có sức chứa 38.000 khán giả). Giá vé của Arsenal thuộc loại cao nhất ở Anh và có lẽ cả thế giới. Kết quả CLB thu về 3,3 triệu bảng mỗi trận đấu trên sân nhà, gần gấp đôi đối thủ cùng thành phố Tottenham Hotspurs. Mùa giải năm ngoái, tổng doanh thu của Arsenal đạt 243 triệu bảng, xếp hàng thứ sáu của bóng đá châu Âu. Thời kỳ thắt lưng buộc bụng Tuy nhiên, thay sân mới không phải là chuyện đơn giản vì Arsenal phải vay mượn phần lớn trong số tiền 430 triệu bảng cần đến, theo tờ Financial Times. Bỗng dưng CLB rất bảo thủ này chìm dưới nợ nần. Mọi việc trở nên phức tạp hơn khi khủng hoảng năm 2008 nổ ra, trong khi Arsenal tìm được thanh khoản bằng cách bán các căn hộ sửa chữa lại tại sân cũ Highbury. Mỗi mùa giải, ông Wenger phải bán đi các cầu thủ để thanh toán tín dụng bất động sản của Công ty Emirates. Thắt lưng buộc bụng chính là văn hóa của Arsenal. Ngày xưa được mệnh danh là CLB của Ngân hàng Anh, Arsenal được quản lý rất thận trọng trong nhiều thập kỷ. Thật ra, khi sống chung với các đối thủ cạnh tranh tiêu tiền như nước nên ông Wenger thận trọng là phải. Từ lâu, nhiều chuyên gia dự đoán các CLB sẽ biến mất vào lúc họ không còn trả được nợ nần, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính làm phá sản nhiều ngân hàng lớn. Năm 2009, chủ tịch UEFA Michel Platini từng tuyên bố: “Nếu mọi chuyện tiếp tục như vậy, thậm chí các CLB tên tuổi cũng sẽ đóng cửa”. Stefan Szymanski - GS kinh tế Đại học Michigan, từng đồng tác giả quyển Soccernomics (Kinh tế bóng đá) - cho rằng Arsenal chờ đến lúc giá chuyển nhượng tụt giảm mạnh để mua về các cầu thủ giỏi với giá hời. Nhưng thời điểm đó chưa bao giờ xảy ra. Ngoại trừ Portsmouth bị vỡ nợ năm 2010, các CLB ở Premier League vẫn tiếp tục ký hợp đồng với các chủ nợ để trả một phần nợ và phát triển trở lại. Không một chủ nợ hoặc ngân hàng nào muốn nhìn thấy một đội bóng được yêu mến bị mất đi. Hơn nữa, CLB chỉ là cái tên vì nó được một công ty trách nhiệm hữu hạn cùng tên quản lý. Các CLB vẫn tồn tại dù bị phá sản. Trong bối cảnh đó, những chi tiêu thận trọng của ông Wenger có vẻ quá mức cần thiết. Swiss Rambler, nhà tài chính người Anh sống ở Thụy Sĩ, tính rằng từ năm 2007 Arsenal lãi đến 195 triệu bảng, trong đó 178 triệu bảng đến từ chuyển nhượng cầu thủ. Trên blog của mình, ông cho rằng “Arsenal có thể thoải mái chi 50-60 triệu bảng từ vốn riêng”. Số tiền này không đủ giúp Arsenal vượt qua Manchester United và Manchester City như thừa nhận của tổng giám đốc Ivan Gazidis, nhưng ít ra có thể giúp CLB tiến gần hơn đến mục tiêu. Bóng đá người nghèo thiếu tiền tổ chức giải Sau Paris 2011 và Mexico 2012, năm nay đến lượt thành phố Poznan ở phía tây Ba Lan tổ chức World Cup bóng đá đường phố vào mùa hè này. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên có nguy cơ giải sẽ bị hủy. Nhật báo Gazeta Wyborcza cho biết ngân sách tổ chức giải hiện còn thiếu 62.500 euro trong tổng chi dự kiến 250.000 euro. Tòa thị chính Poznan sẵn sàng tham gia với điều kiện giải thu hút các đối tác khác, trong khi hiện nay chẳng doanh nghiệp nào hào hứng. “Ở Ba Lan, chẳng ai muốn giúp những người vô gia cư vì cho rằng đó là những người ở độ tuổi 40, thường say xỉn và hung hăng mà quên đi rằng đó còn là những thanh niên phải sống ngoài đường phố vì những chấn thương tinh thần khác nhau, thường bị đối xử tệ ở thời niên thiếu” - Marciej Gudra thuộc Hiệp hội Đội tuyển quốc gia người vô gia cư nói. Theo Viện thăm dò dư luận Cbos, xu hướng gán trách nhiệm cho những người vô gia cư đang ngày càng tăng trong xã hội Ba Lan. L.T. Tags: Bóng đáArsenalTrương MinhArsene WengerHLV Arsene Wenger
Sửa thuế thu nhập cá nhân lạc hậu: Phải chờ đến... 2026! LÊ THANH 26/11/2024 Phải có quy định cho phép người nộp thuế thu nhập cá nhân được trừ lãi vay mua nhà, tiền học, khám chữa bệnh của người nộp thuế và của con cái họ.
Bộ Tư pháp Mỹ hủy bỏ mọi vụ án liên bang chống lại ông Trump THANH BÌNH 26/11/2024 Công tố viên đặc biệt Jack Smith đã hủy bỏ hai vụ án hình sự liên bang chống lại ông Trump.
Nhận hối lộ gần 6 tỉ, luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với cựu vụ phó Anh Tuấn TUYẾT MAI 26/11/2024 Sáng 26-11, phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan. Bào chữa cho ông Hoàng Anh Tuấn (cựu vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với ông Tuấn.
Truy tố cựu chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương ĐỨC TRONG 26/11/2024 Cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương cùng nhiều thuộc cấp bị truy tố liên quan đến vụ án xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.