Phóng to |
Đạo diễn Hayao Miyazaki - Ảnh: AFP |
Phim The Wind Rises là bộ phim mới nhất của đạo diễn Miyazaki trong 5 năm qua, xoay quanh cuộc đời có thật về nhà thiết kế máy bay Jiro Horikoshi - cha đẻ của mẫu máy bay chiến đấu nổi tiếng Mitsubishi A6M Zero trong trận Trân Châu Cảng. Phim lấy bối cảnh những năm 1930, mô tả Nhật Bản trong giai đoạn hồi phục sau trận động đất kinh hoàng Kanto năm 1923 và sự mù quáng tiến tới chiến tranh. Phim The Wind Rises đã được chiếu ở LHP Venice ngày 1-9. Báo Asahi cho biết khi phim vừa kết thúc thì tất cả khán giả đều đứng dậy vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. |
Thông tin đạo diễn Miyazaki nghỉ hưu do chính chủ tịch Ghibli Studio, ông Koju Hoshino, thông báo tại buổi chiếu phim The Wind Rises (tạm dịch: Ngọn gió nổi lên, tựa tiếng Nhật: Kaze Tachinu) ở Liên hoan phim Venice, Ý, cuối tuần qua. “Đạo diễn Miyazaki đã quyết định rằng Kaze Tachinu sẽ là bộ phim cuối cùng của ông, và kể từ bây giờ ông sẽ nghỉ hưu”.
Ông Hoshino không cho biết thêm thông tin cụ thể, chỉ nói rằng đạo diễn Miyazaki sẽ tổ chức họp báo ở Tokyo.
Đạo diễn Miyzaki khởi nghiệp từ thập niên 1960 trước khi thành lập hãng Ghibli (năm 1985). Những phim hoạt hình nổi tiếng của ông như Princess Mononoke (Công chúa Mononoke, 1997), Spirited Away (Vùng đất linh hồn, đoạt giải Oscar phim hoạt hình hay nhất năm 2002).
Khi đoạt giải Gấu Vàng tại LHP Quốc tế Berlin năm 2002, đạo diễn Miyazaki khẳng định sẽ không bị hào quang giải thưởng che mắt, vì sứ mệnh duy nhất của ông là “mang đến niềm vui cho trẻ em”. Ông cũng được trao giải Thành tựu trọn đời tại LHP Venice năm 2005.
Trả lời Japan Times, nhà phê bình phim Ryota Fujitsu thông cảm với quyết định nghỉ hưu của đạo diễn Miyazaki vì sự tận tụy hàng chục năm qua. “Trong tất cả những nhà sản xuất phim hoạt hình Nhật Bản thì ông Miyazaki có lẽ là người khó tính nhất. Lẽ thường, một khi hoàn thành kịch bản phân cảnh (storyboard) thì các đạo diễn giao việc minh họa tiếp theo cho họa sĩ. Tuy nhiên ông Miyazaki không chỉ giám sát công việc mà còn sửa lỗi và thậm chí là cùng tự vẽ”.
Giới truyền thông phương Tây thường thích ví đạo diễn Miyazaki như Walt Disney của Nhật Bản. Tuy nhiên điều này không hẳn chính xác vì đạo diễn Miyazaki không bao giờ sử dụng đồ họa vi tính cho các bộ phim của mình. Ông và những cộng sự tự vẽ tay toàn bộ những bức hình trong phim. "Miyazaki đi ngược lại xu thế hiện giờ khi ông không bao giờ sử dụng máy tính" - Japan Times dẫn lời nhà tiểu thuyết Haruhiko Kamijima nhận xét.
Người hâm mộ tiếc nuối
Theo Đài NHK, dân Nhật Bản đã đổ xô lùng mua các đĩa phim của đạo diễn Miyazaki sau khi hay tin ông định nghỉ hưu. "Ông ấy đã làm nên rất nhiều bộ phim không thể quên, nên việc nghỉ hưu quả là đáng tiếc" - một nữ sinh nói. Trong khi một sinh viên khác hi vọng ông Miyazaki sẽ rút lại tuyên bố của mình và tiếp tục làm nên những bộ phim tuyệt vời khác.
Nhà phê bình phim Tomohiro Machiyama không hi vọng đạo diễn Miyazaki sẽ thực sự nghỉ hưu. Theo ông Machiyama, The Wind Rises chứa đựng nhiều điều mới mẻ so với các bộ phim giả tưởng trước đây của đạo diễn Miyazaki: bộ phim hoạt hình đầu tiên của ông Miyazaki dựa trên một nhân vật lịch sử, bối cảnh rất đời thường… “Tôi không cho rằng một người vừa mới bắt đầu những thể nghiệm về những điều mới mẻ sẽ nhanh chóng nghỉ hưu như vậy. Hi vọng ông ấy chỉ buột miệng vì đã quá mệt”.
Báo Guardian cũng lưu ý rằng đạo diễn Miyazaki từng tuyên bố nghỉ hưu sau thành công vang dội của Princess Mononoke. Nhưng 4 năm sau ông bắt tay sản xuất phim Spirted Away và cũng gây tiếng vang toàn thế giới.
Còn nhà báo Adam W.Kepler của New York Times thì cho rằng ngôn từ của chủ tịch Hoshino như để ngỏ khả năng ông Miyazaki chỉ không thực hiện tiếp những bộ phim hoạt hình dài, nhưng vẫn tham gia những bộ phim thời lượng ngắn hơn.
Theo trang Anime News Network, đạo diễn Miyazaki từng nói có thể tiếp tục sản xuất phần 2 của phim Nausicaa of the Valley of the Wind (Công chúa thung lũng gió) trong cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng 8-2013. Dù ông cũng ngụ ý sẽ không nắm giữ vai trò đạo diễn chính, nhưng đây vẫn là tín hiệu vui cho người hâm mộ đạo diễn Miyazaki và nền hoạt hình Nhật Bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận