27/03/2019 21:30 GMT+7

Ông Vũ và bà Thảo phải nộp án phí ly hôn... 80 tỉ

TUYẾT MAI - PHƯỚC TUẦN
TUYẾT MAI - PHƯỚC TUẦN

TTO - Chiều 27-3, Hội đồng xét xử đã tuyên ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo ly hôn, đồng thời giao toàn bộ cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ. Hai người phải nộp án phí kỷ lục là 80 tỉ đồng.

Ông Vũ và bà Thảo phải nộp án phí ly hôn... 80 tỉ - Ảnh 1.

Bà Thảo bật khóc sau khi kết thúc phiên toà - ẢNH: PHƯỚC TUẦN

Doanh nghiệp gặp khó nếu chia cổ phần cho cả hai

Theo Hội đồng xét xử, về nguyên tắc, tài sản chung vợ chồng chia đôi, tuy nhiên có xét công sức đóng góp của vợ chồng. 

Quá trình hình thành khối tài sản chung, ông Vũ và gia đình đã thành lập cà phê Trung Nguyên, nay là Tập đoàn Trung Nguyên vào năm 1996, nhờ số tiền bán 2 căn nhà của bố mẹ, số tiền ông Vũ vay mượn và đơn xin phép kinh doanh do ông Vũ xin phép. Giấy phép kinh doanh cấp cơ sở Trung Nguyên do Phòng kế hoạch đầu tư TP.Buôn Mê Thuật cấp cho ông Vũ. 

Như vậy, xét công sức đóng góp và quá trình hình thành, công ty hiện nay hình thành từ Xí nghiệp cà phê Trung Nguyên do chính gia đình ông Vũ và ông trực tiếp tham gia thành lập từ số vốn 2 triệu đồng. Ông Vũ luôn giữ chức danh chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty.

Số vốn đóng góp của ông Vũ luôn nhiều hơn bà Thảo. Đây cũng là căn cứ đánh giá công sức đóng góp của ai nhiều hơn trong việc tạo lập khối tài sản chung.

Toà sơ thẩm cho rằng, lợi nhuận sau thuế của Trung Nguyên từ năm 2012 đến năm 2016 đều đạt mức 650 tỉ đồng trở lên. Vì ông Vũ có công sức đóng góp nhiều hơn, cần phải chia cho ông Vũ nhiều hơn. Tuy nhiên, bà Thảo, ngoài việc nuôi con, còn có công sức trong việc phát triển khối tài sản chung, do đó cần phải chia theo tỷ lệ 60-40%, trong đó chia cho ông Vũ 60%.

Các cổ đông có nguyện vọng giao cho bị đơn cổ phần của nguyên đơn nhằm giúp Trung Nguyên sớm ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục phát triển doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của các cổ đông, quyền lợi của người lao động.

Theo Hội đồng xét xử, từ năm 2015 đến nay, bị đơn và nguyên đơn đã xảy ra nhiều vụ kiện, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, hình ảnh doanh nghiệp. Bị đơn đề nghị toà án giao tất cả cổ phần của các thành viên công ty cho bị đơn, bị đơn sẽ thanh toán giá trị cho nguyên đơn. 

Nếu chia cổ phần cho cả 2 đương sự trong tập đoàn Trung Nguyên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, nên chia cho ông Vũ toàn bộ cổ phần trong Tập đoàn Trung Nguyên. Ông Vũ phải trả chênh lệch tài sản, như vậy mới giải quyết dứt điểm tranh chấp, để Tập đoàn Trung Nguyên phát triển. Vì vậy, ông Vũ được sở hữu cổ phần tại các công ty trị giá 5.737 tỉ.

Về bất động sản, hai bên thống nhất chia đôi. Bà Thảo thanh toán số tiền chênh lệch cho ông Vũ 12 tỉ. Như vậy, ông Vũ sở hữu 6 bất động sản, trị giá 350 tỉ. Bà Thảo sở hữu 7 bất động sản, trị giá 375 tỉ.

Về số tiền, vàng tại các ngân hàng đứng tên bà Thảo, Hội đồng xét xử xác định đây là tài sản chung của vợ chồng, nên chia theo tỷ lệ 60-40, trong đó chia cho ông Vũ 60%, bà Thảo phải chịu trách nhiệm với số tiền 1.764 tỉ. Từ 2016 đến nay, số tiền này được tính lãi, bà Thảo được hưởng lãi là có đã có lợi. Do số tiền này bà Thảo đang giữ, Hội đồng xét xử giao cho bà Thảo được sở hữu số tiền trên.

Tổng cộng tài sản chung của vợ chồng trừ bất động sản là 7.502 tỉ, chia cho ông Vũ 60%, tức 4.501 tỉ, bà Thảo được sở hữu 3.001 tỉ. Tổng cộng khối tài sản chung là 8.229 tỉ, ông Vũ sở hữu 4.864 tỉ, ông Vũ phải thanh toán cho bà Thảo 1.223 tỉ.

Như vậy, theo bản án này, bà Thảo sẽ rút khỏi Tập đoàn Trung Nguyên. Ngay sau khi chủ toạ tuyên bố kết thúc phiên toà, bà Thảo khóc và thốt lên: "Bản án quá bất công với mẹ con tôi".

Án phí lớn kỷ lục

Bên cạnh việc chia khối tài sản khổng lồ, quyền lợi nghĩa vụ đối với con cái, toà án còn yêu cầu hai vợ chồng thực hiện nghĩa vụ đóng án phí theo quy định. 

Số tiền án phí mà vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo phải nộp hơn 80 tỉ đồng. Bà Thảo chịu án phí dân sự 300.000 đồng; án phí cho phần tài sản 33 tỉ đồng; ông Vũ phải nộp 48 tỉ đồng án phí tài sản.

Cấn trừ vào tiền đã tạm ứng trước đó, bà Thảo phải nộp 32 tỉ đồng án phí, ông Vũ phải nộp hơn  47 tỉ đồng. Tổng cộng, họ còn phải nộp 79 tỉ đồng.

Theo quy định, với tranh chấp tài sản trong vụ án dân sự có giá trị tài sản trên 4 tỉ đồng, mỗi bên đương sự sẽ phải nộp tiền án phí cho Nhà nước là 112 triệu đồng và 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4 tỉ đồng.

Đây là vụ án có mức án phí cao kỷ lục từ trước đến nay ở Việt Nam.

Đình chỉ yêu cầu liên quan giữa các đương sự và Tập đoàn Trung Nguyên

Từ 2015 đến nay, cá nhân bà Lê Hoàng Diệp Thảo và Tập đoàn Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã và đang phát sinh 18 vụ kiện tụng tại toà án các cấp.

1. Yêu cầu tuyên bố ông Vũ mất năng lực hành vi dân sự tại TAND quận 3

2. Tranh chấp ly hôn tại TAND TP.HCM.

3. Tranh chấp quyền sở hữu cổ phần của công ty Trung Nguyên Singapore tại toà án Singapore.

4. Khởi kiện quyết định hành chính của Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bắc Giang tại TAND tỉnh Bắc Giang.

5. Khởi kiện quyết định hành chính của Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Dương tại TAND tỉnh Bình Dương.

6. Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại TAND TP.HCM.

7. Tranh chấp giữa thành viên Công ty với Công ty tại TAND tỉnh Bình Dương.

8. Tranh chấp giữa thành viên Công ty với Công ty tại TAND TP.HCM.

9. Tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng cổ phần vô hiệu tại trung tâm hoà giải quốc tế Việt Nam.

10. Tranh chấp thành viên Công ty với nhau tại TAND TP.HCM.

11. Tranh chấp thành viên Công ty với công ty tại TAND tỉnh Bắc Giang.

12. Huỷ phán quyết trọng tài tại TAND TP.HCM.

13. Tranh chấp thành viên Công ty với Công ty tại TAND TP.HCM.

14. Tranh chấp thành viên Công ty với Công ty tại TAND TP.HCM.

15. Tranh chấp thành viên Công ty với Công ty tại TAND TP.HCM.

16. Tranh chấp thành viên Công ty với Công ty tại TAND TP.HCM.

17. Tranh chấp thành viên Công ty với Công ty tại TAND TP.HCM.

18. Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại TAND TP.HCM.

Từ thực tế trên, Hội đồng xét xử cũng tuyên đình chỉ tất cả các yêu cầu khác của các bên đương sự là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ đối với các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên: trong các phát sinh trong các hoạt động kinh doanh thương mại với tư cách cổ đông và thành viên công ty liên quan thành viên Tập đoàn Trung Nguyên; trong việc chuyển nhượng, sát nhập, tách, không tách, chuyển đổi và hình thức tổ chức thành lập công ty thành viên và các hoạt động kinh doanh thương mại các công ty thành viên tập đoàn Trung Nguyên.

Huỷ toàn bộ các biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP.HCM gồm 9 quyết định; Huỷ toàn bộ các quyết định bảo đảm TAND TP.HCM gồm 7 quyết định.

Tòa phán quyết vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ ly hôn

TTO - Hội đồng xét xử nhận định ông Vũ có công nhiều hơn trong việc tạo lập sự nghiệp Tập đoàn Trung Nguyên và trong khối tài sản chung của hai vợ chồng nên xứng đáng được nhận phần nhiều hơn. Trong khi đó, bà Thảo được giao quyền nuôi con.

TUYẾT MAI - PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên