05/08/2024 14:57 GMT+7

Ông Vũ Tiến Lộc đóng góp không mệt mỏi cho cải cách môi trường đầu tư kinh doanh

18 năm làm chủ tịch VCCI, 3 năm làm chủ tịch VIAC và là đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV, XV, trong vai trò nào ông Vũ Tiến Lộc cũng nỗ lực đưa ra những kiến nghị vì sự phát triển doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc, nguyên chủ tịch VCCI, qua đời sáng 5-8 - Ảnh: Q.H.

Ông Vũ Tiến Lộc, nguyên chủ tịch VCCI, qua đời sáng 5-8 - Ảnh: Q.H.

Những dấu ấn trong 18 năm làm chủ tịch VCCI

Tin ông Vũ Tiến Lộc qua đời do đột quỵ sáng 5-8 khiến nhiều doanh nhân, đặc biệt giới chuyên gia kinh tế, sốc và tiếc thương một người luôn đứng về phía doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam qua đời ở tuổi 64

Trong vai trò chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) từ năm 2003 - 2021 hay vai trò chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) từ năm 2021 đến nay, hoặc vai trò ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội khóa XI, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội các khóa XII, XIII, XIV, XV, ông Vũ Tiến Lộc đều để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong xây dựng chính sách về đầu tư kinh doanh, đặc biệt là các chính sách về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân dân tộc.

Ngay nhiệm kỳ đầu đảm nhiệm vai trò chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc đã ghi dấu ấn mạnh mẽ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cấp tỉnh khi chỉ đạo nhóm nghiên cứu VCCI khảo sát, nghiên cứu và công bố ấn phẩm Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vào năm 2005 (PCI 2005) để đánh giá, xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh của các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Báo cáo PCI sau đó được khảo sát, nghiên cứu và công bố hằng năm như một thước đo để lãnh đạo các tỉnh, thành phố biết được môi trường cạnh tranh địa phương đang ở đâu, cần làm gì để tiếp tục cải thiện theo hướng thân thiện hơn với cộng đồng doanh nghiệp.

Cũng trong vai trò là người đứng đầu VCCI, ông Vũ Tiến Lộc đã có đóng góp lớn trong xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới. Năm 2011, VCCI đã dự thảo nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế để trình Bộ Chính trị ban hành (nghị quyết 09-NQ/TW).

Trên nền tảng này đến năm 2023 VCCI tiếp tục tham mưu, soạn thảo và trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết 41 về phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới, qua đó đề cao vai trò chính danh của doanh nhân Việt.

chủ tịch VCCI trong nhiều nhiệm kỳ, ông Vũ Tiến Lộc cũng có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy nhóm nghiên cứu VCCI ban hành Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh hằng năm để chỉ ra những cái được và chưa được của hàng loạt văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh.

Từ đó đưa ra các khuyến nghị cụ thể để sửa đổi, hoàn thiện luật pháp theo hướng thân thiện, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh.

Ngoài ra những đóng góp nổi bật của đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc nhiều năm qua trên nghị trường cũng được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Đáng lưu ý gần đây là những kiến nghị về giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất để "tiếp sức" cho cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn hậu COVID-19 là rất đáng trân trọng.

Chuyên gia tiếc thương một tiếng nói cải cách mạnh mẽ

Chia sẻ về sự ra đi của nguyên chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên trưởng Ban Pháp chế VCCI, nói: "Anh Lộc là cấp trên của tôi, là người có nhiều đóng góp trong suốt hàng chục năm làm việc tại VCCI. Khi chưa phải là người đứng đầu VCCI, anh Lộc đã cùng với tập thể lãnh đạo VCCI tích cực tham gia quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trở thành chủ tịch VCCI, anh Lộc kế thừa được tinh thần mở đường, tiên phong hỗ trợ thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước trên các khía cạnh cải cách môi trường đầu tư kinh doanh trong nước và tăng cường hội nhập quốc tế.

Anh đã cùng tập thể VCCI nhấn mạnh yếu tố phát triển kinh tế nhiều thành phần bình đẳng; xây dựng môi trường cạnh tranh kinh doanh lành mạnh, sòng phẳng; chú ý nhiều tới phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân; tiên phong trong hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia hội nhập kinh tế quốc tế một cách tích cực, chủ động.

Anh Lộc cũng là người có nhiều sáng kiến, đề xuất Đảng, Nhà nước ban hành những quyết sách lớn về đầu tư, kinh doanh, trong đó có thể kể tới nghị quyết phát triển đội ngũ doanh nhân, nghị quyết phát triển doanh nghiệp tư nhân và thực hiện nhiều hoạt động tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân, trực tiếp đề xuất Chính phủ công nhận ngày 13-10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam".

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Minh Thảo, trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhận định: "So với các thời kỳ thì ông Lộc là người có đóng góp lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong thời kỳ đảm nhiệm vai trò chủ tịch VCCI, ông đã đề xuất nhiều ý tưởng, kiến nghị chính sách được Chính phủ hiện thực hóa. Ngay cả khi nghỉ làm tại VCCI, ông vẫn đau đáu về những cải cách môi trường đầu tư kinh doanh còn dang dở.

Nổi bật nhất là việc duy trì khảo sát, nghiên cứu, công bố báo cáo PCI hằng năm. Báo cáo này đã trở thành động lực để chính quyền các địa phương đua nhau cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cấp tỉnh, hướng tới một môi trường đầu tư kinh doanh phục vụ doanh nghiệp.

Với cương vị của mình, ông Lộc đã có tiếng nói mạnh mẽ trong việc thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương cắt giảm điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hóa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực cải cách mạnh mẽ. Đây là điều được cộng đồng doanh nghiệp rất trân trọng".

Làm gì để Việt Nam có thêm tỉ phú USD?Làm gì để Việt Nam có thêm tỉ phú USD?

'Cần coi các doanh nghiệp lớn là tài sản quốc gia chứ không nên nghĩ doanh nghiệp đó thuộc sở hữu của một cá nhân' là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên