Hai cuốn trong bộ sách về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vừa ra mắt sáng 30-6. Cuốn thứ ba - Sách ảnh Nguyễn Chí Thanh - đại tướng nông dân - sắp được phát hành - Ảnh: V.V.TUÂN |
Là một yếu nhân, là người kiến tạo lịch sử nhưng Nguyễn Chí Thanh ít được nhắc tới trong các sách giáo khoa lịch sử cũng như trong các phương tiện thông tin đại chúng đương đại, có lẽ vì ông ra đi quá sớm và cũng có thể vì một lẽ nữa, hơi kỳ lạ: sự nghiệp chính trị của ông khá suôn sẻ, ít gây tranh cãi.
Vì thế, một bộ sách dày dặn về Nguyễn Chí Thanh để có thể thu hút được sự chú ý của công chúng là một thách thức thực sự.
Nguyễn Chí Thanh - những góc nhìn từ hậu thế và Những cánh thư ra Bắc vào Nam - hai cuốn trong bộ sách về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh của Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân đã vượt qua được thử thách ấy.
Không cần nhiều tụng ca
Chọn cách tiếp cận đa dạng, bắt đầu từ hồ sơ 1365 của Cục Tình báo T.Ư Mỹ tháng 7-1967, Nguyễn Chí Thanh - những góc nhìn từ hậu thế (Bùi Chí Trung và nhóm tác giả) đã tìm được một vị trí đắc địa, mới mẻ và thuyết phục để dẫn dắt người đọc đến với những sử liệu, những hồi ức, những câu chuyện kể của các nhân chứng rất khác nhau: đối phương, đồng chí, thuộc cấp, các văn nghệ sĩ, những lão nông Đại Phong, những người hàng xóm, họ mạc ở quê nhà...
Khá nhiều người quan tâm đến lịch sử hiện đại không hiểu có mối liên quan gì giữa ông tướng nông dân lừng danh trong thơ Bút Tre với vị đại tướng uy danh, mối lo ngại thực sự của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam?
Họ có thể phần nào tìm thấy câu trả lời trong những trang tư liệu về vị tướng đã có một thời gian rất dài được Bác Hồ cử sang đặc trách nông nghiệp - nông thôn, vị tướng với triết lý cầm quân “vì hòa bình mà đánh” đã làm nên “binh pháp Nguyễn Chí Thanh” mà các sĩ quan và chiến sĩ của ông cực kỳ thấm nhuần “nắm thắt lưng địch mà đánh”.
Tiếc chăng là các chủ đề rất thú vị và hấp dẫn mà cuốn sách đặt ra đã được các tác giả biên soạn - dưới sức ép của cái tên Nguyễn Chí Thanh - dành nhiều hình dung từ, mỹ từ ngợi ca mà nhẹ phần sử liệu, lời kể của nhân chứng trực tiếp.
Với một nhân vật đã thuộc về lịch sử như Nguyễn Chí Thanh, các con số, sự kiện, phát ngôn, lời chứng tự nó đã có giá trị hơn rất nhiều lời tụng ca.
Bình dị những bức thư
Cuốn thứ hai của bộ sách - Những cánh thư ra Bắc vào Nam (Vũ Công Lập - Bùi Chí Trung), ngược lại, rất ít lời bình, không đánh giá.
Chính vì thế sách thực sự rất cảm động. 21 năm chồng vợ, đứa con nhỏ, người mẹ già tóc bạc, họ hàng, bạn bè, đồng đội, cuộc sống khó khăn trong trẻo thời chiến, tình yêu và sự chia sẻ. Có cái gì đó bình dị đẹp đẽ đến ứa nước mắt trong những cánh thư ngày ấy: “Cứ trông thơ Cúc... Anh không tin thất lạc.
Anh đã gửi ít nhất là 8 cái rồi. Lần nầy chỉ nhận được mấy hàng chữ của Cúc đang đau mà viết, nghĩ mãi. Đêm nay không ngủ được. Cúc giận anh? Cúc sợ anh nghe Cúc đau mà không viết thơ?..”
... Không có ai là lãnh tụ hay là tướng trong nhà mình, trong trái tim cha mẹ vợ con mình.
Điều này cũng chính xác khi độc giả lần đầu tiên tiếp cận với những bức thư rất riêng tư nhưng cũng rất “con nhà lính”, những bức thư mà các thành viên trong gia đình Nguyễn Chí Thanh gửi cho nhau suốt chiều dài cuộc chiến tranh vệ quốc 50 năm trước.
Tháng 6-1967, trái tim của vị tướng “vì hòa bình mà đánh” ngừng đập ngay trước ngày lên đường trở lại chiến trường.
Cục diện cuộc chiến đã có những thay đổi bất ngờ và ngày hòa bình đến muộn hơn mong đợi.
Lịch sử không có “nếu”, nhưng những sử liệu mang giá trị nhân bản mà những con người thuộc về lịch sử như Nguyễn Chí Thanh mang lại cho hậu thế có thể giúp những người còn băn khoăn với câu hỏi “tại sao, Việt Nam?” hiểu được vì sao chúng ta đã lựa chọn con đường ấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận