09/12/2015 09:27 GMT+7

Ông "Tư Sâm" Trang Thế Hy về trời rồi...

NGUYỄN DUY
NGUYỄN DUY

TT - Năm ngoái, khi làm trang cho báo Văn Nghệ mừng nhà văn Trang Thế Hy 90 tuổi, tôi còn nói vui: ông Tư là người hiền cuối cùng, con khủng long cuối cùng của văn đàn Nam bộ. Nay thì... biến mất rồi! Về trời rồi! Hỡi ôi...

Ảnh: Nguyễn Duy

Tôi biết ông Tư từ năm 1976, khi mới về làm báo Văn Nghệ Giải Phóng, rồi đưa gia đình vào Sài Gòn sống cùng khu tập thể 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa với ông. Ông ở lầu 2. Tôi ở lầu 3, ngay phía trên ông, khách khứa lịch kịch, thường gõ xuống đầu ông tiếng ồn khó chịu. Tôi xin lỗi, ông cười, không có chi.

Hai đứa con tôi nghịch như quỷ sứ, quậy tưng khu chúng cư, chúng leo trèo, bôi vẽ cửa phòng ông. Tôi xin lỗi, ông cười, không có chi.

Năm 1980, đói, vợ chồng tôi loay hoay nấu rượu và nuôi lợn. Lại thêm tiếng ồn và mùi hôi dội xuống. Tôi xin ông... thông cảm, ông cười, không có chi.

Hồi đó, trong nhà tôi có sẵn cái tủ lạnh 240 lít còn chạy tốt do chủ cũ bỏ lại, tối tối tôi làm hàng chục ly đá cục để sáng sớm mai vợ tôi đem bán cho quán cà phê. Thì ra thời hậu chiến nhà nào cũng thiếu ăn cả, cũng phải làm thêm gì đó kiếm chút đỉnh ngoài lương.

Ông Tư cũng vậy, sáng sáng ông cũng phải xách một túi đá lạnh đạp xe bỏ mối quán nước mía. Tôi ca cẩm, nhà thơ nhà thẩn, nhà văn nhà veo gì mà... Ông cười, việc lương thiện, không có chi...

Sang thời “đổi mới”, ông bỏ phố phường về vườn quê, Bến Tre, sống tĩnh lặng và thanh đạm. Khu vườn dừa nhà ông khá rộng, khi địa phương mở đường lớn lấy mất dăm trăm mét vuông mà không đền bù gì. Có người giục ông đi kiện, ông cười, không có chi.

Rất nhiều anh em quý mến ông vẫn thường rủ nhau về thăm “ông Tư vườn dừa”. Gặp nhau, ông vẫn không nguôi chuyện văn chương, mải mê như lạc miền ký ức, say đắm đọc thuộc lòng những câu thơ Pháp, thậm chí cả những áng văn Pháp.

Có lần gặp tôi cùng Nguyễn Huy Thiệp, ông đọc làu một đoạn văn trong Tướng về hưu khiến Thiệp lác mắt. Ông vẫn cập nhật lớp trẻ như Nguyễn Ngọc Tư với những nhận định sắc sảo và mới mẻ.

Trí nhớ tuyệt vời, đầu óc minh mẫn và dồi dào tri thức, ông thuộc hàng nhà văn mang phong thái Tây học hiếm hoi còn sót lại. Tác phẩm của ông, cả văn lẫn thơ, qua hai thời kháng chiến tiếp đến thời hậu chiến, có giá trị văn chương, giàu xúc cảm và trí tuệ.

Thế nên lòng cứ vặn lòng rằng tại cái gì, vì cái gì mà một tác giả cỡ ông không được vinh danh bằng ít nhất là Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật? Hỏi ông, có uẩn khúc gì chăng, ông vẫn cười, không có chi.

Tôi hình dung ấy là cái cười để được nhẹ lòng, cái cười của “Người bào chế thuốc giảm đau”. Và, còn đó nợ ông, món “Nợ nước mắt”.

NGUYỄN DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên