Ông Trương Văn Phước, nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ.
Ông Phước nói: Phương án can thiệp mới là phù hợp, do phương án đấu thầu vàng trước đó chưa phát huy hiệu quả. Bởi vì can thiệp là để giá xuống, mà đấu thầu là chọn giá cao nhất để bán cho người dự thầu với giá khởi điểm sát giá thị trường thì làm sao thành công được.
* Ông có cho rằng phương án mới này sẽ góp phần kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quy đổi?
- Trước hết, tôi cho rằng việc NHNN bán vàng cho 4 NHTM có vốn nhà nước để những ngân hàng này bán vàng trực tiếp cho người dân là phương án phù hợp nhằm thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi.
Theo tôi, phương án mới này chắc chắn sẽ thành công, tức là khoảng cách chênh lệch giá trong nước và nước ngoài sẽ nhanh chóng được thu hẹp. Vấn đề là NHNN bán cho NHTM giá nào và các NHTM bán ra thị trường giá nào.
* Như vậy, cần áp dụng cơ chế giá nào mới phát huy hiệu quả, thưa ông?
- Điểm cốt yếu nhất trong phương án can thiệp mới này là cơ chế giá. Theo tôi, cần xác định cách tiếp cận rõ ràng là NHTM nhận ủy thác vàng từ NHNN và bán ra thị trường theo giá NHNN quy định. Không đặt ra yêu cầu để các NHTM kiếm lời trong nghiệp vụ ủy thác này.
Chẳng hạn giá thị trường 88 triệu đồng/lượng vàng, trong khi giá nhập khẩu 72 triệu đồng/lượng, chênh lệch 16 triệu. NHNN quy định giá bán ra thị trường là 86 triệu đồng/lượng, các NHTM mua vàng từ NHNN với giá 85,9 triệu, tức hưởng phí hoa hồng ủy thác 100.000 đồng/lượng vàng.
Mỗi lần bán can thiệp, chỉ cần thu hẹp chênh lệch giá xuống khoảng 2 triệu đồng. Tôi tin rằng trong khoảng 10 phiên, chênh lệch giá chỉ còn lại vài triệu đồng.
* Nhưng phương án này cũng sẽ có những khó khăn nhất định?
- Với phương án bán can thiệp thông qua các NHTM nhà nước, theo tôi, NHNN sẽ làm chủ quá trình thu hẹp chênh lệch giá. Tuy nhiên sẽ có một số khó khăn về sự đồng thuận của xã hội cần phải được xử lý.
Chẳng hạn, trên phương tiện truyền thông, có ý kiến rằng nếu giá trong nước mà sát giá thế giới, mọi người không có nhu cầu vẫn xếp hàng đi mua thì sao? Đây là một loại phản biện chính sách mà NHNN cần có lý giải, hơn thế nữa cần có các phương án xử lý nếu nó xảy ra.
* Theo ông, đâu là giải pháp quản lý thị trường vàng hiệu quả trong dài hạn?
- Về dài hạn, để quản lý thị trường vàng hiệu quả, tôi nghĩ rằng phải xây dựng một thị trường vàng chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế. Ở đó, thị trường được tiếp nhận các công cụ, các dịch vụ theo quy luật cung cầu và rời xa dần tập quán mua bán vàng dưới dạng vật chất.
Một thị trường với các chứng chỉ vàng, các giao dịch vàng tài khoản... sẽ cho thấy các tiện ích vượt trội so với vàng vật chất mà người dân tiếp nhận. Cho nên cần phải chỉnh sửa ngay nghị định 24 để có một khuôn khổ pháp lý hội nhập quốc tế sâu hơn, để có một thị trường chuyên nghiệp hơn.
* Với phương án can thiệp mới của NHNN, theo ông, người dân có nên thận trọng để tránh rủi ro?
- Trước hết, quyền tài sản là một trong những quyền căn bản của công dân. Việc mua hay bán vàng phải khẳng định là quyền của người dân, cũng như mong muốn qua các giao dịch vàng hợp pháp người ta tìm kiếm được lợi nhuận.
Còn việc điều tiết qua các hình thức thuế là một vấn đề khác. Thị trường vàng có nhiều biến động. Đây là một thị trường có khả năng sinh lời nhưng cũng hết sức rủi ro, đặc biệt khi NHNN áp dụng phương thức bán vàng can thiệp trực tiếp. Do đó, người dân cần hết sức cẩn trọng trong các giao dịch vàng sắp tới.
*Mời bạn đọc theo dõi diễn biến giá vàng tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận