17/12/2015 09:10 GMT+7

Ông trưởng tàu kiêm... đỡ đẻ

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TT - Khi tàu SE8 đang vượt đèo Hải Vân thì bất ngờ hành khách Bùi Thị Thứ (28 tuổi, tỉnh Thanh Hóa) có dấu hiệu chuyển dạ. Lập tức trưởng tàu SE8 Nguyễn Tấn Tài (53 tuổi, quê TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) trở thành bà mụ!

Trưởng tàu Nguyễn Tấn Tài (bìa phải) cùng các nhân viên đỡ đẻ cho sản phụ Thứ - Ảnh: NVCC
Trưởng tàu Nguyễn Tấn Tài (bìa phải) cùng các nhân viên đỡ đẻ cho sản phụ Thứ - Ảnh: NVCC

Hơn một giờ làm bà mụ, ông Tài đã giúp chị Thứ sinh được một bé gái kháu khỉnh trong niềm vui và hạnh phúc của tất cả hành khách có mặt trên tàu.

“Khi tàu đến huyện Nông Sơn (Quảng Nam) thì sản phụ chuyển dạ, tôi vừa nghe điện thoại với mẹ vừa làm theo hướng dẫn. Đó là một ca sinh khó nên tốn rất nhiều thời gian. Khi gần đến ga Đà Nẵng thì đứa bé cũng cất tiếng khóc đầu tiên. Anh em ôm nhau mừng

Trưởng tàu Nguyễn Tấn Tài

Bà mụ bất đắc dĩ

Trong lúc đang làm công tác kiểm tra an ninh, kỹ thuật trên tàu thì ông Tài nhận thông tin một hành khách ở giường số 26, toa số 10 có dấu hiệu chuyển dạ, sinh con. Ông Tài nhanh chóng có mặt tại toa số 10 hỏi thăm tình trạng sức khỏe hiện thời của nữ hành khách đang mang thai.

“Lúc này tôi hỏi đã vỡ ối chưa thì chị Thứ cho biết đã vỡ rồi. Tôi kiểm tra nhịp tim và tình hình sức khỏe hiện thời. Đồng thời điện báo cho phòng điều độ, đường sắt Bình Trị Thiên, cùng với đó là liên hệ với ga Huế chuẩn bị xe cấp cứu, bác sĩ sẵn sàng giúp đỡ sản phụ Thứ” - ông Tài kể.

Trong lúc này sản phụ Thứ cũng hết sức lo lắng, người vã nhiều mồ hôi, cùng với độ rung lắc của tàu khiến chị hết sức mệt mỏi. Nhớ lại thời điểm đó, chị Thứ cho biết lúc đầu chỉ nghe những luồng đau nhẹ, sau đó cơn đau xé và dấu hiệu vỡ ối đã làm tinh thần hoảng loạn vì lúc này còn đang ở trên tàu. “Nhưng khi thấy chú Tài cùng các anh chị là nhân viên trên tàu tới an ủi, động viên và chuẩn bị dụng cụ y tế, thuốc men nên tinh thần không còn hoang mang nữa” - chị Thứ cho biết.

Ổn định tinh thần của sản phụ Thứ, ông Tài nhanh chóng trải một lớp drap giường, huy động ba nhân viên đến cùng mình và phân công rõ ràng nhiệm vụ cho từng người trong trường hợp chưa tới ga Huế mà chị Thứ đã sinh con. Đồng thời thuốc men, dụng cụ y tế cũng được chuẩn bị kỹ cho những trường hợp xấu cần đến việc cấp cứu giữ tính mạng cho sản phụ cho đến khi tàu tới ga Huế cũng được lên phương án.

33 năm làm nghề từ trưởng tàu an toàn đến trưởng tàu khách, rất hiếm khi ông Tài thấy khoảng cách từ đèo Hải Vân ra Huế lại dài đến như vậy. Mỗi giây phút trôi qua nhìn từng nhịp thở của sản phụ Thứ, ông Tài cùng ba nhân viên trên tàu không khỏi lo lắng.

Ông Thân Đức Khái (45 tuổi, quê Quảng Nam) là nhân viên trên tàu được ông Tài phân công làm “bác sĩ bất đắc dĩ” ngay trên tàu cho biết: “Nhìn sản phụ mệt mỏi, đau đớn trong cơn chuyển dạ, anh em tụi tui ai cũng rối lên. Nhưng thấy bác Tài xoa bụng, động viên sản phụ, chúng tôi cũng an tâm. Nếu hồi đó không có bác Tài, mấy anh em tôi cũng rối không biết xử trí thế nào”.

Tàu còn 20 phút nữa đến ga Huế thì sản phụ bắt đầu sinh con. Cuộc “vật lộn” thật sự với ông Tài và ba cộng sự bắt đầu những giờ phút căng thẳng nhất. Ông Tài bảo rằng lái tàu là nghề căng thẳng bởi gánh trên vai trọng trách bảo vệ an toàn cho hàng trăm hành khách nhưng cũng không có cảm giác lo lắng bằng lúc làm mọi biện pháp không phải là chuyên môn của mình để chào đón một con người ra đời. “May mà cũng có chút kinh nghiệm học hỏi được từ hai lần đỡ đẻ trên tàu trước nên sản phụ cũng mẹ tròn con vuông” - ông Tài giọng vui vẻ kể.

Học đỡ đẻ từ mẹ

Đây là lần thứ ba ông Tài trực tiếp đỡ đẻ trên tàu. Kể về ca đỡ đẻ đầu tiên cách đây chừng bảy năm, ông Tài bảo rằng không thể nào quên, cứ lóng ngóng chẳng biết xử trí thế nào. Trong lúc rối trí nhất, ông Tài nhớ ra mẹ mình là bà Trần Thị Cảnh Đẹt trước đây là bác sĩ sản nên gọi điện về nhờ mẹ giúp đỡ.

“Lần đó cách đây cũng bảy năm rồi, tôi chỉ nhớ hành khách này đi từ TP.HCM về TP Đà Nẵng, khi đến huyện Nông Sơn (Quảng Nam) thì sản phụ chuyển dạ, tôi vừa nghe điện thoại với mẹ vừa làm theo hướng dẫn. Đó là một ca sinh khó nên tốn rất nhiều thời gian, từ cầm máu, hướng dẫn sản phụ thở tôi đều làm theo chỉ dẫn của mẹ. Khi gần đến ga Đà Nẵng thì đứa bé cũng cất tiếng khóc đầu tiên. Anh em ôm nhau mừng” - ông Tài nhớ lại.

Duyên số với tiếng khóc đầu tiên trong đời của những đứa trẻ như bám lấy cuộc đời ông. Cách đây hai năm, khi tàu đang chạy qua huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), một hành khách nữ bắt tàu từ TP.HCM về Thanh Hóa cũng chuyển dạ sinh ngay trên tàu. Một bé trai kháu khỉnh sinh ra trên đôi tay của người trưởng tàu hiền lành. “Sau đó, chị này có điện thoại cảm ơn tôi và mấy anh em trên tàu. Tôi cũng ghi chép lại địa chỉ, số điện thoại trong cuốn sổ của mình để ở nhà. Sau này có dịp ghé thăm xem mấy đứa trẻ lớn thế nào” - ông Tài tâm sự.

Tình hình sức khỏe của sản phụ Thứ giờ đã ổn, hiện chị đang nằm nghỉ tại Bệnh viện Giao thông vận tải Thừa Thiên - Huế, chị Thứ cho biết bé gái nặng 3,5kg. “Các bác sĩ cho biết tình hình sức khỏe của con tôi rất ổn, mẹ con tôi cảm ơn bác Tài cùng các anh chị trên tàu nhiều lắm. Không có sự giúp đỡ tận tình của mọi người thì giờ chẳng biết còn mẹ tròn con vuông không. Sau này tôi sẽ đặt tên con mình với tên thật ý nghĩa gắn với kỷ niệm được sinh ra trên tàu trong niềm vui của rất nhiều người” - chị Thứ nói.

Hiện ông Bùi Văn Hóa - cha chị Thứ - đã có mặt tại Huế để chăm sóc con. Giọng nghẹn ngào, ông Hóa gửi lời cảm ơn của gia đình đến với ông Tài và ba nhân viên trên tàu. “Gia đình chúng tôi mang ơn cứu giúp trong lúc khốn khó của anh Tài và mọi người cả đời. Nếu có dịp tôi sẽ tìm đến thăm anh Tài” - ông Hóa tâm tình.

Còn với ông Tài, chuyến hành trình đưa các hành khách ra ga Hà Nội vẫn tiếp tục, với ông, không có niềm hạnh phúc nào bằng chào đón sự ra đời của một con người. “Vui lắm chứ, nói sao cho hết cảm xúc được, chỉ thấy lòng rất vui” - ông Tài giọng hiền lành.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên