10/08/2020 09:15 GMT+7

Ông Trump và quốc hội chia rẽ về gói cứu trợ

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - 4 quyết định để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ngày 8-8 có thể mất nhiều thời gian để có hiệu lực, thậm chí có nguy cơ chịu thách thức pháp lý. Nhưng nó hiệu quả với hình ảnh của Nhà Trắng.

Ông Trump và quốc hội chia rẽ về gói cứu trợ - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump ký các quyết định hành pháp ngày 8-8 - Ảnh: Reuters

Đại dịch COVID-19 tiếp tục "chiếm sóng" chính trường Mỹ. Kế hoạch khắc phục hậu quả dịch bệnh đã xuất hiện diễn biến đáng chú ý, khi ông Trump đưa ra những quyết định hành pháp liên quan tới gói cứu trợ mới chưa được hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thống nhất.

Không chờ quốc hội

4 quyết định hành pháp của ông Trump bao gồm 1 sắc lệnh và 3 chỉ thị kèm theo. Cụ thể, ông Trump ký sắc lệnh gia hạn việc tòa án có trách nhiệm xử lý việc trục xuất người thuê nhà trước ngày 24-8.

Trước đó, theo gói cứu trợ cũ (CARES Act, hết hạn ngày 31-7), chủ nhà muốn trục xuất người thuê nhà phải nộp đơn lên tòa, nhằm bảo vệ người đi thuê nhà trong giai đoạn dịch bệnh.

Do tình hình COVID-19 vẫn ảm đạm, Statista dự báo khoảng 40 triệu hộ gia đình sẽ có nguy cơ bị trục xuất nếu tòa án không tiếp tục phân xử cho họ.

Ba chỉ thị bao gồm: chỉ thị khoản trợ cấp 400 USD/tuần cho người thất nghiệp, thay thế khoảng trợ cấp 600 USD/tuần trước đó đã hết hạn vào ngày 31-7; chỉ thị hỗ trợ cho sinh viên đang vay tiền được trì hoãn thanh toán tiền và lãi hằng tháng cho tới cuối năm; và chỉ thị trì hoãn các khoản thanh toán thuế theo bảng lương, bắt đầu từ ngày 1-8 cho tới tháng 12, đối với người có thu nhập dưới 100.000 USD/năm.

Các quyết định vừa qua được ông Trump đưa ra sau khi các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ không thể nhất trí gói cứu trợ mới thay thế CARES Act đã hết hạn ngày cuối tháng 7.

Trong ngày làm việc thứ sáu tuần trước, cuộc gặp 90 phút xem như "nỗ lực cuối cùng" để đạt đồng thuận cũng đã không mang lại kết quả nào.

Chia rẽ

Thiệt hại về người và kinh tế đang tăng lên do COVID-19 rõ ràng là tín hiệu rất xấu cho Tổng thống Trump và chính quyền trước thềm bầu cử. Đó có thể là lý do ông Trump không thể ngồi đợi lãnh đạo hai đảng tiếp tục cãi nhau, nhưng cũng phải cẩn trọng và canh thời gian thực sự chính xác nếu không muốn mọi điều tốt đẹp diễn ra quá muộn màng.

Trong số các chỉ thị gây tranh cãi, nổi bật nhất là ý tưởng trợ cấp 400 USD/tuần cho người thất nghiệp. Khoản này thấp hơn gói 600 USD/tuần của CARES Act trước đây. Vấn đề gây tranh cãi với chỉ thị này là việc Nhà Trắng yêu cầu chính quyền các bang phải chung tay, hỗ trợ 25% tổng chi phí trợ cấp. Truyền thông Mỹ cho biết ông Trump thực tế không có quyền hạn pháp lý đòi hỏi các bang phải chi bao nhiêu tiền cho dự án/sáng kiến nào đó.

Ngoài ra, chỉ thị này chưa nêu rõ bao lâu thì khoản tiền trợ cấp (400 USD) này đến tay người dân và bao lâu nó sẽ chấm dứt. Nhưng một số ý kiến từ Đảng Dân chủ cho biết khoản tiền này có thể giúp người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trang trải trong 2-3 tháng. Hầu hết các nghị sĩ Dân chủ (thậm chí có cả các nghị sĩ Cộng hòa) đều phản đối quyết định này.

Bênh cạnh đó, nếu các thành viên Đảng Dân chủ quyết gây khó dễ xung quanh chuyện sắc lệnh hay chỉ thị, gói cứu trợ này tiếp tục bị "ngâm" khoảng vài tháng nữa. Đây cũng là thời điểm gần cuộc bỏ phiếu tháng 11.

Một điều có thể dễ dàng nhận ra lúc này là sự chia rẽ trong chính trường Mỹ đang gây áp lực lên cuộc chiến chống dịch và tác động của đại dịch.

Trang phân tích chính trị Politico trong khi khẳng định chính quyền ông Trump luôn muốn "đổ lỗi cho người khác" về chuyện ứng phó dịch bệnh, cũng nhận xét rằng quyết định hành pháp của ông Trump vượt mặt quốc hội vừa qua diễn tả "căng thẳng sâu sắc giữa các lãnh đạo Dân chủ với Nhà Trắng".

Xét theo nghĩa này, dù ông Trump có thành công với chỉ thị và sắc lệnh lần này hay không, đó cũng là một "đòn gió" có thể đẩy áp lực quay ngược lại phe chống đối.

5,1 triệu

Tính đến 18h ngày 9-8 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận hơn 5,1 triệu ca COVID-19, bao gồm hơn 165.000 người chết. Texas trở thành tiểu bang thứ ba ở nước Mỹ vượt mốc 500.000 ca COVID-19, sau Florida và California.

Cố vấn của ông Trump đồng ý gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.000 tỉ USD Cố vấn của ông Trump đồng ý gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.000 tỉ USD

TTO - Các cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26-7 nói về căn bản họ đồng ý với các thành viên Đảng Cộng hòa tại thượng viện về gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1 nghìn tỉ USD.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Gói cứu trợ tRUMP Mỹ