08/06/2017 14:51 GMT+7

Ông Trump tinh đời trong lựa chọn lãnh đạo FBI mới

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO -  “Người được chọn” Christopher Wray là nhân vật rất được lòng giới quan sát tại Mỹ, và truyền thông nước này đang có cái nhìn ban đầu khá thiện cảm.

Ông Christopher Wray - Ảnh: Reuters
Ông Christopher Wray - Ảnh: Reuters

Hôm nay, cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), ông James Comey ra điều trần tại Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ với những tiết lộ được đồn đoán có thể gây ảnh hưởng cho Tổng thống Donald Trump.

Giữa những ồn ào đồn đoán quanh chuyện Comey, Tổng thống Trump chọn cách đáp trả bằng việc lên Twitter thông báo chọn Christopher Wray làm người thay thế ông Comey làm lãnh đạo cơ quan an ninh và tình báo hàng đầu của Mỹ.

Christopher Asher Wray sinh ngày 17-12-1966, là một luật sư người Mỹ, từng làm chức Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp phụ trách tội phạm (2003 - 2005) dưới thời tổng thống George W. Bush.

Người quen của người thân?

Truyền thông Mỹ không khó để chỉ ra sợi dây liên kết giữa ông Trump và ông Wray. Trang Politico cho biết ông Wray từng là luật sư biện hộ cho cựu thống đốc bang New Jersey Chris Christie trong vụ bê bối Bridgegate. Với sự hỗ trợ của ông Wray, ông Christie đã vô sự sau vụ Bridgegate. 

Ông Christie lại nằm trong số những người ủng hộ đáng chú ý nhất của ông Trump trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016, và đến nay vẫn giữ quan hệ mật thiết.

Đa phần báo chí Mỹ đánh giá cao ông luật sư tài giỏi, và cho rằng phương án Wray khả thi.

Báo New York Times ngày 7-6 dẫn ra chi tiết rằng ông Wray là một công tố viên nổi bật vào năm 2004, thời điểm Robert S. Mueller III còn là giám đốc FBI.

Lúc ấy, nhân vật số hai của FBI là... James Comey, đã dọa rút khỏi chính quyền tổng thống Bush sau một tranh cãi về chương trình do thám, mà ông Wray là người đứng về phe Comey.

Tờ báo uy tín của Mỹ nhận định rằng với việc chọn Wray, ông Trump coi như đã đề cao một luật sư sở hữu sự điềm tĩnh lẫn khả năng đóng góp vào các cuộc thảo luận tốt hơn cả Mueller lẫn Comey. Nhưng kể cả khi như vậy, ông Wray vẫn là người độc lập, theo lời những người bạn và đồng nghiệp cũ của ông.

Và nếu như vừa qua ông Comey bị ông Trump sa thải một phần vì “xuất hiện trên truyền thông quá nhiều” - vốn bị coi là điều tối kị cho những người làm công tác điều tra - thì ông Wray có vẻ sẽ không mắc sai lầm ấy.

Một tính cách điềm tĩnh

J. Michael Luttig, cựu thẩm phán trước đây từng thuê ông Wray làm việc năm 1992, khẳng định “lính cũ” là người rất phù hợp cho một phong cách quản lý tinh tế hơn cho cơ quan FBI.

“Ông ấy không màu mè. Ông ấy không phô trương. Ông ấy rất nhã nhặn”, ông Luttig nhận xét.

Với kinh nghiệm lâu năm làm việc trong ngành tư pháp và từng chống Bush (Cộng hòa, đảng của ông Trump hiện tại), ông Wray cũng được cho là người không bị dính dáng tới đảng phái quá nhiều, và điều này rất phù hợp với tiêu chí độc lập của FBI, nhất là khi xuất hiện nhiều cáo buộc nói ông Trump muốn làm suy yếu cơ quan này.

Trong một tuyên bố đưa ra sáng ngày 7-6, chủ tịch Hiệp hội các đặc vụ FBI (FBIAA) Thomas O’Connor, tỏ ý không ủng hộ ông Wray. Tuy nhiên ông O’Connor khẳng định FBIAA “mong muốn được gặp gỡ ông Wray”, và “quan trọng là FBIAA muốn hiểu được quan điểm của ông Wray về FBI, đặc vụ, tội phạm và hiểm họa an ninh quốc gia, những lĩnh vực mà họ phải đối diện hằng ngày”, báo Guardian cho biết.

Tôi chỉ muốn nghe ông ta nói rằng ông ta sẽ không tổ chức quá nhiều cuộc họp báo”
Caprino (một cựu nhân viên FBI)

Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn lời ông Faiz Shakir, Giám dốc chính trị quốc gia của Liên đoàn Tự do Dân chủ Mỹ (ACLU), khẳng định các hoạt động cá nhân của ông Wray có thể là vấn đề.

Hiện công việc của ông Wray là luật sư tại hãng luật King & Spalding. “Công ty của Christopher Wray làm việc hợp pháp cho gia đình ông Trump, nên lịch sử hoạt động liên quan tới đảng phái cũng như lịch sử bảo vệ giám đốc cơ quan chuyển đổi của chính quyền Trump (Christie) khiến chúng tôi đặt dấu hỏi về khả năng lãnh đạo FBI của ông”, ông Shakir bình luận.

King & Spalding là công ty từng đại diện cho các công ty lớn, bao gồm tập đoàn nhà nước Gazprom của Nga, theo như những gì viết trên website. Bên cạnh đó, công ty của Wray cũng từng đại diện cho tập đoàn Rosneft của Nga trong các hợp đồng kinh tế.

Nếu được bổ nhiệm làm giám đốc FBI, ông Wray sẽ phải cân bằng giữa việc chống chủ nghĩa khủng bố và chấm dứt nạn tham nhũng cũng như chống lại các hoạt động tình báo của Nga và Trung Quốc. Ông sẽ dẫn đầu một lực lượng gồm 35.000 người đang trong tình cảnh rối ren gần một năm nay. Thực tế, Wray đã là một người tạo dựng niềm tin cho mình từ vai trò sau vụ khủng bố 11-9-2001.
NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên