Tổng thống Donald Trump và đại sứ Mỹ tại Nhật William Hagerty tại buổi gặp gỡ lãnh đạo doanh nghiệp Nhật ở Tokyo ngày 25-5 - Ảnh: REUTERS
Đối sách của Nhật Bản sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiết lộ nhiều điều về cách các nước ứng phó với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Để chào đón vị khách quý này, các quan chức Nhật Bản đã sắp xếp một loạt hoạt động thú vị. Theo tạp chí Time, ông chủ Nhà Trắng sẽ được đón tiếp bằng hoạt động chơi golf với Thủ tướng Abe, thăm tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản, và đặc biệt là xem đấu vật sumo.
Thắt chặt quan hệ đồng minh
Báo Japan Times ngày 25-5 khẳng định ưu tiên của hai bên lần này là thể hiện sự thân thiết của hai lãnh đạo, đồng thời nhấn mạnh quan hệ đồng minh mạnh mẽ Mỹ - Nhật trước "những mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên".
Hôm 23-5, một quan chức cấp cao Nhật Bản cho rằng chuyến đi của ông Trump gửi tín hiệu mạnh mẽ, rằng "quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật đang vững mạnh hơn bao giờ hết".
Trong khi đó Kazuhiro Maeshima, giáo sư tại Đại học Sophia, chuyên gia về chính trị và ngoại giao Mỹ, đoan chắc ông Trump sẽ tìm cách chứng tỏ quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật hiệu quả và mang lập trường cứng rắn trước Trung Quốc và Triều Tiên.
Với ông Trump, vấn đề Triều Tiên dường như đơn giản là sự đánh đổi. Mỹ rất cần Nhật Bản trong quá trình giải quyết căng thẳng về câu chuyện hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt sau hai lần gặp gỡ không mang lại kết quả như mong đợi với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.
Nhưng Nhật cũng cần sự đảm bảo về mặt quân sự của Mỹ, vì Washington không ít lần đòi hỏi đồng minh phải chi nhiều hơn để được bảo vệ. Tokyo chọn cách chi tiền.
Ông Trump khi đặt chân tới Tokyo đã khẳng định Nhật Bản đang đặt số lượng lớn thiết bị quân sự từ Mỹ: "Chúng tôi chế tạo thiết bị tốt nhất thế giới, máy bay, tên lửa tốt nhất, toàn những thứ tốt nhất. Nên Nhật Bản đang đặt một số lượng hàng lớn và chúng tôi đánh giá cao điều đó".
Cực kỳ mềm dẻo
Một số ý kiến cho rằng ông Abe nhẹ nhàng với ông Trump quá mức, trong thời điểm bản thân thủ tướng Nhật cần xây dựng hình ảnh một lãnh đạo mạnh mẽ. Nhưng đằng sau sự nhiệt thành ấy, những chiếc cốc "Trump", những nụ cười hay buổi chơi golf, là sự mềm dẻo cần thiết cho cục diện mới.
Hiện nay, Nhật Bản vẫn chịu áp lực từ chính sách thuế nhập khẩu của ông Trump, đặc biệt trong giai đoạn căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Khảo sát của Viện Nghiên cứu Mizuho (Nhật) trên 1.000 công ty cho thấy hơn một nửa lo ngại về hậu quả chiến tranh thương mại. Ngành xe hơi Nhật vẫn có nguy cơ bị áp thuế nhập khẩu ở mức 25%.
Ngược lại, Mỹ cũng không hài lòng về thâm hụt thương mại với Nhật, đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp. Việc Nhật gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khiến nông dân các thành viên CPTPP như New Zealand hay Úc đang có lợi thế cạnh tranh hơn tại Mỹ. Nông nghiệp là lĩnh vực nhạy cảm, bị báo chí Mỹ khai thác triệt để trong các bài viết chỉ trích chính sách của ông Trump.
Nhật đã giải quyết vấn đề xe hơi bằng cách đầu tư sản xuất ở Mỹ nhiều hơn. Kênh CNBC dẫn khảo sát của JAMA cho thấy các nhà sản xuất xe Nhật thậm chí đã đạt đỉnh trong việc tạo ra việc làm tại Mỹ, với 51 tỉ USD đầu tư vào sản xuất ở Mỹ trong vài chục năm qua.
Ông Abe trong chuyến đi Washington hồi tháng 4 vừa qua cho biết công ty xe hơi Nhật đã đầu tư 23 tỉ USD, tạo ra 43.000 việc làm tại Mỹ kể từ lúc ông Trump làm tổng thống. Còn với nông nghiệp, Nhật cũng bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ và có thể xem xét một số ưu đãi khác, khi hai bên bàn sâu về thỏa thuận thương mại song phương.
"Cưỡi hổ" kiểu Abe
Sự nhượng bộ của ông Abe, dù vậy không hoàn toàn miễn phí. Ngành nông nghiệp Mỹ, là điểm yếu có khả năng khiến ông Trump bị đối thủ trong nước khai thác khi xét về chiến tranh thương mại với Trung Quốc, sẽ phải chờ Tokyo.
Báo Washington Post dẫn lời Tatsuhiko Yoshizaki, nhà phân tích thị trường tại Sojitz Research, cho rằng CPTPP và các thỏa thuận thương mại giữa Nhật với Liên minh châu Âu đã giúp nâng cao vị thế của Tokyo trên bàn đàm phán.
Ông nói: "Ở vòng đàm phán gần nhất, Nhật chịu áp lực vì yếu tố quan hệ an ninh. Nhưng nghĩ đúng lại, tình hình giờ đã khác. Mỹ đang cố gắng chốt thỏa thuận thật nhanh. Thời gian đang đứng về phía Nhật Bản".
Trên thực tế, lời đe dọa áp thuế nhập khẩu 25% lên xe hơi Nhật đã được ông Trump hoãn 180 ngày. Đây được xem là thắng lợi cho ông Abe vì thời gian 6 tháng sẽ đủ giúp ông tạm lắng những vấn đề kinh tế trong cuộc bầu cử nghị viện tháng 7 tới đây.
Tận dụng áp lực chiến tranh thương mại của ông Trump để tranh thủ gặt hái lợi ích quốc gia, đó có thể là điểm cộng lớn cho chính sách của ông Abe. Thậm chí, cách thức ông Abe ứng phó với vị lãnh đạo mang phong cách hành xử khó đoán như ông Trump được khen ngợi như một mô hình "cưỡi hổ" ở châu Á, nói theo Hãng tin AFP.
Những kết quả đạt được trong quan hệ Mỹ - Nhật sau chuyến thăm này của ông Trump sẽ tiết lộ nhiều điều hơn cho phần còn lại. Người Hàn Quốc, nơi ông Trump sẽ ghé thăm sau sự kiện G20 cũng ở Nhật tháng 6 tới, có thể sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng cách ông Abe "cưỡi hổ".
Tình bạn thân thiết Trump - Abe
Báo chí quốc tế dùng nhiều mỹ từ diễn tả chuyến đi của ông Trump, thậm chí có tờ còn cho rằng đây là chuyến thăm có tính chất biểu tượng. Trong khi đó, tình bạn giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe còn được ví là thân thiết nhất so với bất kỳ cặp lãnh đạo quốc tế nào hiện nay, như cách nói của Riley Walters, nhà phân tích chính sách tại Trung tâm nghiên cứu châu Á của Quỹ Heritage (Mỹ).
Sự thân thiết ấy được cụ thể hóa bằng những kỳ vọng về thỏa thuận thương mại giữa hai bên, cũng như nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương sau chuyến thăm này cả về chính trị lẫn an ninh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận