Liệu Tổng thống Trump có thành công trong thế "lưỡng đầu thọ Nga - Trung Quốc"? - Ảnh: Reuters
Tổng thống Trump đối đầu cả Nga và Trung Quốc có chọn lọc, trên hai mặt trận khác nhau là địa chính trị và thương mại. Cần nhớ đây không phải là lần đầu tiên ông Trump chọc giận cả Nga và Trung Quốc cùng lúc. Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ được Tổng thống Trump công bố tháng 12-2017 đã xác định Nga và Trung Quốc là "các cường quốc xét lại" với các "nỗ lực thay đổi nguyên trạng".
Từ tốn với Nga
Đương kim tổng thống Mỹ cho thấy ông không phải là người thích gây chiến với Nga, nhưng các động thái gần đây của Washington lại khiến nhiều người bất ngờ vì mức độ mạnh tay đó. Chẳng hạn ngày 26-3, Mỹ tuyên bố trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga, bao gồm 12 người thuộc phái đoàn Nga tại Liên Hiệp Quốc - nhiều nhất kể từ sau chiến tranh lạnh.
Người ta không tin ông Trump, người vừa mấy ngày trước đó gọi điện chúc mừng ông Vladimir Putin tái đắc cử tổng thống Nga và mời tới thăm Nhà Trắng, lại thay đổi thái độ nhanh như vậy.
Tổng thống Trump thực sự bị đặt dưới các áp lực ngày càng mạnh mẽ từ Quốc hội Mỹ, bao gồm cả các thành viên của Đảng Cộng hòa. Với họ, bất kỳ thái độ mềm dẻo nào của ông Trump với ông Putin luôn là chuyện có vấn đề.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez - thành viên Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, một trong những "tác giả" của các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga - thúc giục Tổng thống Trump cần đưa ra những đối sách rõ ràng với Matxcơva. "Gần 15 tháng trôi qua và nhiều người Mỹ lẫn các đồng minh của Mỹ đều đặt ra câu hỏi: liệu Tổng thống Trump có sẵn lòng bảo vệ trọn vẹn nền dân chủ và lợi ích quốc gia hay không?" - ông Menendez chỉ trích.
Hàng chục đồng nghiệp của ông tại Quốc hội Mỹ chia sẻ sự hoài nghi đó. "Tổng thống Trump nói ông ấy muốn có một mối quan hệ tốt với Nga, nhưng còn tùy thuộc các hành động của Matxcơva" - thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 7-4.
Tổng thống Trump đang cho thấy ông trừng phạt Nga như thể ông bị ép phải làm như vậy, bằng cách thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Nga từ tốn sau khi nhận thấy những chỉ trích đã ở mức đủ cao. "Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại", không ngạc nhiên khi các động thái gần đây của ông Trump đối với Nga nhận được sự tán dương từ nhiều phía, cả trong và ngoài nước.
Ít ai để ý chúng hầu hết diễn ra trong những thời điểm quan trọng với nước Mỹ, khi uy tín của Washington bị đồng minh nghi ngờ, còn bánh răng của chính quyền Trump bị kẹt tại Quốc hội Mỹ bởi nhiều vấn đề. Quan trọng hơn, nó ngay lập tức khiến những chỉ trích hay hoài nghi ông Trump thông đồng với Nga dịu xuống thấy rõ tại Mỹ.
Cứng rắn với Trung
Cả Tổng thống Trump lẫn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều không thể thua trong một cuộc chiến thương mại, hay nhượng bộ quá nhiều mà không đạt được thứ gì. Thương mại trở thành trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016, với những cam kết như "đem việc làm trở về nước Mỹ" hay gắn mác "thao túng tiền tệ" cho Trung Quốc.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ dự kiến vào cuối năm nay vốn sẽ quyết định Dân chủ hay Cộng hòa sẽ kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ, sẽ là dịp để người dân kiểm chứng lại những cam kết đó. Giống như khi một cuộc chiến thực sự nổ ra, các biện pháp trả đũa lẫn nhau gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc (nhưng luôn là do ông Trump khơi mào trước) là món ăn tinh thần vô cùng bổ béo của những người mang tư tưởng "ái quốc" hay "chủ nghĩa dân tộc" ở Mỹ.
Với nhóm ủng hộ nòng cốt của Tổng thống Trump, thương mại bình đẳng và giải quyết lối hành xử xấu xí của Trung Quốc là một vấn đề quan trọng. Mạnh tay với Trung Quốc có thể giúp ông Trump có được sự hậu thuẫn chất lượng từ một vài thành phần trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.
Liên minh Nga - Trung Quốc đối chọi Mỹ?
"Kẻ thù của kẻ thù chính là bạn", việc Tổng thống Trump chọn đối đầu cả Nga và Trung Quốc cùng lúc làm dấy lên lo ngại hai quốc gia này sẽ liên minh chống lại Mỹ. Những diễn biến gần đây trong quan hệ Nga - Trung càng củng cố nỗi lo đó. Học giả Dmitri Trenin trong cuốn sách Chúng ta có nên sợ Nga không? nhận định: "Sự phối hợp chiến lược giữa Matxcơva và Bắc Kinh vẫn còn lỏng lẻo nhưng nếu trong một chiến lược lớn liên quan tới trật tự thế giới, người Nga và Trung Quốc sẽ đứng cùng phía".
Ngày 6-4, Tổng thống Trump tuyên bố đang cân nhắc áp thêm thuế trừng phạt lên số hàng hóa trị giá 100 tỉ USD nhập từ Trung Quốc. Chưa đầy nửa ngày sau đó, Bộ Tài chính Mỹ công bố danh sách trừng phạt 24 "đầu sỏ chính trị" Nga gồm nhiều lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu nước Nga.
Nga và Trung Quốc lập tức đáp trả bằng các chỉ trích. Bắc Kinh nhấn mạnh sẽ không đầu hàng và lùi bước nếu một cuộc chiến thương mại với Mỹ là điều không thể tránh khỏi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận