Tổng thống Trump trong video lên án vụ bạo loạn ở Điện Capitol. Đoạn video được phát ngay sau khi phiên bỏ phiếu luận tội ông kết thúc ở Hạ viện - Ảnh: REUTERS
Sau nhiều đồn đoán, ông Trump cuối cùng đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội đến hai lần trong cùng một nhiệm kỳ. Đài NBC News bình luận chưa từng có một tổng thống nào vấp phải sự chống đối mạnh mẽ từ Hạ viện như ông Trump.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra sau phiên bỏ phiếu luận tội ông Trump tối 13-1 (giờ Mỹ), tức rạng sáng 14-1 theo giờ Việt Nam.
Vì sao ông Trump bị luận tội lần hai?
Các chính trị gia Dân chủ không giấu sự tức giận sau vụ bạo loạn Điện Capitol ngày 6-1 khiến phiên kiểm phiếu xác nhận chiến thắng chính thức cho ông Joe Biden bị ngừng giữa chừng. Họ cáo buộc những người ủng hộ ông Trump là thủ phạm và ông là người đã kích động họ.
Một nhóm dân biểu Dân chủ đã đề xuất luận tội ông Trump vì "kích động bạo lực chống lại chính phủ Mỹ". Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua với 232 phiếu thuận và 197 phiếu chống.
Tiến trình luận tội đã kết thúc?
Chưa. Khởi động tiến trình luận tội là đặc quyền của Hạ viện, nhưng quyền xét xử và kết tội lại nằm ở Thượng viện.
Sau khi các điều khoản luận tội được thông qua tại Hạ viện, tiến trình sẽ được chuyển tới Thượng viện, nơi các thượng nghị sĩ phải tuyên thệ trước khi bước vào phiên xét xử. Hiến pháp Mỹ nêu rõ nếu người bị luận tội là tổng thống, Chánh án Tòa án tối cao sẽ giữ vai trò chủ tọa thay vì phó tổng thống.
Khi nào thì phiên xử ở Thượng viện diễn ra?
Sớm nhất ngay trong ngày Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức, tức ngày 20-1.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa hiện đang chiếm đa số tại Thượng viện, đã từ chối yêu cầu nhóm họp khẩn cấp. Ông McConnell nhấn mạnh ông không nghĩ rằng sẽ có một phiên tòa "công bằng và nghiêm túc" chỉ trong vòng 7 ngày còn lại của ông Trump.
Thượng viện sẽ nhóm họp trở lại vào ngày 19-1 tới và sẽ xem xét điều khoản luận tội cùng các lập luận do Hạ viện trình lên. Thượng viện có quyền tự thiết lập các nguyên tắc hoạt động cho riêng mình, bao gồm thời gian diễn ra phiên xét xử nhưng thông thường là vài ngày.
Sau ngày 20-1, phe Dân chủ sẽ phải tập trung cho việc phê chuẩn nội các của Tổng thống Biden và các quyết sách quan trọng khác. Do đó, phiên xét xử có thể bị trì hoãn ít nhất 100 ngày.
Kết quả biểu quyết trong phiên luận tội ngày 13-1 (giờ Mỹ) - Ảnh: REUTERS
Cựu tổng thống cũng bị luận tội?
Đây là câu hỏi lớn nhất và khó nhất trong vụ việc lần này. Chưa có một cựu tổng thống nào bị luận tội trong lịch sử Mỹ. Giới chuyên gia vẫn chia rẽ về khả năng "cựu Tổng thống Trump" bị luận tội, thậm chí có ý kiến cho rằng sự việc sẽ kết thúc ở Tòa án tối cao Mỹ.
Nhận định ông Trump sẽ bị xóa tư cách tổng thống cũng mang tính suy đoán chủ quan vì chưa từng có trường hợp nào như vậy.
Ông Trump bị kết tội khi nào?
"Không một ai bị kết tội nếu không được sự nhất trí của 2/3 tổng số thượng nghị sĩ có mặt", khoản 3, điều 1 Hiến pháp Mỹ nêu rõ.
Nếu tất cả 100 Thượng nghị sĩ có mặt và bỏ phiếu, sẽ cần ít nhất 67 sự đồng ý để kết tội ông Trump. Sau khi hai thượng nghị sĩ đắc cử ở Georgia tuyên thệ, phe Dân chủ sẽ có 50 ghế tại Thượng viện và ngang bằng với phe Cộng hòa.
Do đó, nếu muốn kết tội ông Trump, phía Dân chủ sẽ phải thuyết phục ít nhất 17 nghị sĩ Cộng hòa đồng ý. Giới quan sát tin rằng kịch bản này khó xảy ra, bất chấp việc ông Trump đã đánh mất nhiều sự ủng hộ sau vụ bạo loạn Điện Capitol.
Ông Trump sẽ bị cấm ra tranh cử trong tương lai?
Điều này vẫn còn tùy thuộc vào việc ông có bị kết tội trong phiên xử ở Thượng viện hay không.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer thuộc Đảng Dân chủ tuyên bố nếu ông Trump bị kết tội, Thượng viện sẽ tổ chức phiên bỏ phiếu thông qua nghị quyết cấm ông giữ các chức vụ liên bang trong tương lai. Điều này đồng nghĩa ông Trump sẽ không thể ra tranh cử vào năm 2024 như ông đã từng nhắc vài lần trước đây.
Khác với phiên xét xử và kết tội, chỉ cần quá bán số thượng nghị sĩ có mặt là lệnh cấm này được thông qua. Nếu 100 thượng nghị sĩ cùng bỏ phiếu, phe Dân chủ chỉ cần 51 phiếu ủng hộ để cấm ông Trump ra tranh cử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận