ZTE - một trong những công ty viễn thông lớn nhất Trung Quốc với 80.000 lao động đã đóng cửa từ đầu tháng 5-2018 do thiếu linh kiện nhập khẩu từ Mỹ - Ảnh: GETTY IMAGE
ZTE là một trong những công ty viễn thông lớn nhất của Trung Quốc nhưng phụ thuộc vào nguồn linh kiện do các công ty của Mỹ sản xuất. Tập đoàn này đã ngừng hoạt động vào đầu tháng 5-2018 sau quyết định của Bộ Thương mại Mỹ cấm các công ty của Mỹ bán linh kiện và thiết bị cho ZTE trong vòng 7 năm vào tháng trước.
Reuters dẫn lời Bộ Thương Mại Mỹ đưa tin lệnh cấm có nguyên nhân từ việc ZTE không tuân thủ thỏa thuận với chính phủ Mỹ và nói dối về việc đã trừng phạt những người có liên quan đến vụ vi phạm lệnh cấm vận.
Vào tháng 3-2017, ZTE thừa nhận đã vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ và vận chuyển trái phép hàng hóa và công nghệ Mỹ sang Iran và Triều Tiên. ZTE đã bị phạt 1,1 tỉ USD cho hành động này.
Trên tài khoản Twitter của mình ngày 13-5, ông Trump cho biết đang cùng với ông Tập Cận Bình tìm cách để giúp ZTE một con đường để nhanh chóng trở lại kinh doanh. "Rất nhiều việc làm bị đe dọa ở Trung Quốc. Bộ Thương mại (Mỹ) đã nhận được chỉ thị về việc này".
Theo BBC, những nhà quan sát cho rằng ngôn ngữ và giọng điệu trong dòng Tweet cho thấy sự thay đổi thái độ đột ngột của ông Trump, người luôn cáo buộc Trung Quốc "cướp bóc" việc làm của người dân Mỹ.
Douglas Jacobson, một luật sư ở Washington DC , người đại diện cho một số nhà cung cấp của ZTE cho biết: "Đây là một động thái rất kì lạ trong một trường hợp vô cùng đặc biệt đã bị trừng phạt và cấm xuất khẩu liên quan đến các mâu thuẫn địa chính trị. Chúng ta phải chờ xem diễn tiến của sự việc vì không đơn giản mà họ có thể khôi phục việc kinh doanh như bình thường".
Các công ty Mỹ cung cấp 25 tới 30% bộ phận trong thiết bị của ZTE, trị giá 2,3 tỉ USD riêng trong năm 2017. ZTE có khoảng 80.000 nhân viên, sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị xây dựng mạng viễn thông.
Sự nhượng bộ với Bắc Kinh diễn ra trước những cuộc đàm phán cấp cao về thương mại sẽ diễn ra vào cuối tuần này ở Washington nhằm giải quyết những tranh chấp thương mại theo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận