Tổng thống Trump thường xuyên tức giận với những vụ rò rỉ thông tin từ Nhà Trắng - Ảnh chụp màn hình Getty
Trang Politico chuyên về chính trị Mỹ tiết lộ Tổng thống Mỹ Donald Trump bị ám ảnh về những vụ rò rỉ thông tin trong Nhà Trắng đến mức đã nhiều lần đề nghị toàn bộ nhân viên trải qua một cuộc kiểm tra nói dối bằng máy đo đa chỉ số (hay thường gọi là máy phát hiện nói dối).
Máy đo đa chỉ số (polygraph) là dụng cụ đo các phản ứng sinh lý của một người như huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, biến đổi thân nhiệt... khi người đó đang trả lời một loạt câu hỏi, từ đó xác định họ có đang nói dối hay không.
Bốn cựu quan chức Nhà Trắng là những người cung cấp thông tin trên với trang Politico cho bài viết đăng tải ngày 8-10. Theo đó, nhà lãnh đạo Mỹ thường gợi ý nhân viên và trợ lý trải qua bài kiểm tra như vậy để tìm ra "con sâu làm rầu nồi canh" sau mỗi vụ truyền thông đăng tải thông tin nội bộ của Nhà Trắng.
"Ông Trump đã nói về bài kiểm tra rất nhiều. Ông ấy tức giận và hỏi: Tại sao chúng ta không thể ngăn chặn những chuyện này?" - một cựu quan chức kể lại.
Một cựu quan chức khác nói với trang Politico: "Ông Trump muốn mọi nhân viên làm việc trong Nhà Trắng làm bài kiểm tra nói dối để tìm ra xem ai là người đã tiết lộ thông tin với báo chí".
Nguồn tin này cũng tiết lộ rằng một số nhân viên Nhà Trắng thậm chí tự nguyện tham gia bài kiểm tra phát hiện nói dối để chứng minh mình trong sạch, sau khi những người này bị đặt vào vòng nghi vấn.
Trả lời phỏng vấn trang Politico, thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Stephanie Grisham, nói: "Tôi đã tiếp xúc với tổng thống kể từ tháng 7-2015 và có thể nói một cách dứt khoát rằng tôi chưa bao giờ nghe đến những bài kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối để ngăn rò rỉ thông tin".
Nhiều người vẫn hoài nghi về độ chính xác của máy kiểm tra nói dối - Ảnh chụp màn hình Twitter
Các nguồn tin cho biết ông Trump bắt đầu quan tâm tới chuyện sử dụng máy phát hiện nói dối sau khi thông tin về các cuộc đấu đá nội bộ và công việc bên trong Nhà Trắng bị rò rỉ tới tai truyền thông trong 6 tháng đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Trong số này có các báo cáo liên quan tới cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ của công tố viên đặc biệt Robert Mueller hay việc ông Trump sa thải cựu giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey.
Ông Trump bực bội khi một số biên bản cuộc gọi, dự thảo sắc lệnh hành pháp hay các chuyện "thâm cung bí sử" khác bị tuồn ra bên ngoài. Nhiều bản sao ghi lại nội dung cuộc điện đàm của ông Trump với lãnh đạo nước ngoài cũng bị tiết lộ với báo chí trong những ngày đầu làm tổng thống của ông.
Do đó, gần đây số quan chức được phép tiếp cận các cuộc điện đàm của ông Trump với nguyên thủ các nước đã được giảm đi rất nhiều để hạn chế nguy cơ rò rỉ. Nội dung chi tiết các cuộc gọi nhạy cảm cũng được chuyển sang dạng lưu trữ mật.
Thông tin về các bài kiểm tra phát hiện nói dối được tiết lộ trong bối cảnh Tổng thống Trump đang đối mặt với cuộc điều tra luận tội của các thành viên Đảng Dân chủ ở Hạ viện Mỹ, liên quan tới việc ông gây sức ép buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra cha con cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden - đối thủ đáng gờm của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Tổng thống Trump tuyên bố ông muốn gặp người đã rò rỉ thông tin cuộc gọi giữa ông và Tổng thống Zenlensky hồi tháng 7, châm ngòi cho cuộc điều tra luận tội trên.
"Tôi muốn biết ai là người đã cung cấp thông tin vì người đó gần như là một gián điệp" - ông Trump nói trong một cuộc họp kín tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York hồi tháng 9, theo báo New York Times.
Theo trang Politico, các bài kiểm tra nói dối đã có khoảng 100 năm qua. Tuy nhiên, phương pháp này còn bị nhiều người đặt nghi vấn về độ chính xác. Một báo cáo dài 400 trang của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ (NAS) hồi năm 2003 cho biết máy phát hiện nói dối "về bản chất dễ cho ra kết quả sai" và đề xuất tránh phụ thuộc vào nó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận