"Các khoản phí mà Panama thu thật nực cười, đặc biệt là khi biết đến sự hào phóng phi thường mà Mỹ đã dành cho Panama", Tổng thống đắc cử Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 21-12 (giờ Mỹ).
"Sự 'cướp bóc' trắng trợn này đối với đất nước chúng ta sẽ ngay lập tức chấm dứt", ông Trump nhấn mạnh.
Panama tính phí đối với tàu thuyền đi qua kênh đào cùng tên nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Khoản phí này thay đổi tùy theo kích thước và mục đích của tàu thuyền, dao động từ thấp nhất 0,5 USD đến cao nhất 300.000 USD.
"Nếu các nguyên tắc, cả về mặt đạo đức và pháp lý, của cử chỉ hào phóng này không được tuân thủ, chúng ta sẽ yêu cầu trả lại toàn bộ kênh đào Panama cho Mỹ và miễn thắc mắc", ông Trump tiếp tục.
Mỹ sử dụng kênh đào Panama nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, đồng thời cũng là nước dành phần lớn nguồn lực để xây dựng kênh đào và quản lý lãnh thổ xung quanh trong nhiều thập kỷ.
Việc xây dựng kênh đào Panama bắt đầu vào năm 1904 dưới thời tổng thống Teddy Roosevelt. Vào thời điểm đó, nó được coi là một trong những thành tựu quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của Mỹ.
Quyền kiểm soát kênh đào đã được chuyển giao từ Mỹ sang Panama vào năm 1999 theo một thỏa thuận năm 1979 dưới thời tổng thống Jimmy Carter, mà ông Trump cho là một quyết định tồi tệ.
"Khi tổng thống Jimmy Carter ngu ngốc trao nó đi, với giá 1 USD trong nhiệm kỳ của mình, nó là để cho Panama quản lý chứ không phải Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác", ông Trump nêu chỉ trích, đồng thời cho rằng Panama không có quyền tính phí tàu bè của hải quân và các công ty Mỹ với mức vô lý.
Tổng thống đắc cử Mỹ kế đó tuyên bố Washington có lợi ích trong sự hoạt động an toàn, hiệu quả và đáng tin cậy của kênh đào Panama nên sẽ không bao giờ để con kênh này "rơi vào tay kẻ xấu".
"Nó không được trao tặng vì lợi ích của người khác, mà chỉ đơn thuần là một biểu tượng hợp tác của chúng ta với Panama", ông Trump nói thêm, đồng thời tuyên bố rằng Mỹ đang bị Panama đối xử "một cách rất bất công và thiếu cân nhắc".
Bài đăng của ông Trump về kênh đào Panama là ví dụ cực kỳ hiếm hoi cho việc một lãnh đạo Mỹ nói rằng ông có thể thúc đẩy một quốc gia có chủ quyền giao lại lãnh thổ. Trước đó, ông Trump cũng từng gây sốc khi tuyên bố Canada có thể trở thành bang thứ 51 của Mỹ để tránh bị áp thuế quan bổ sung.
Hãng tin Reuters bình luận những phát ngôn này có thể báo hiệu các thay đổi có thể xảy ra trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Trump, người không né tránh việc cảnh báo và đe dọa các đồng minh lẫn đối tác của Mỹ.
Đại sứ quán Panama tại Mỹ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận