Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự một sự kiện khởi nghiệp tại Trung Quốc tháng 1-2018 - Ảnh: REUTERS
Khi Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đến thăm Pháp hồi tháng 4, ông tỏ ra tự tin Tổng thống Donald Trump sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, phù hợp với quan điểm phản đối của Riyadh lâu nay.
Hai tuần trước cuộc gặp với tại Washington (ngày 20-3), trả lời các phóng viên tại Paris, Thái tử Salman so sánh thỏa thuận Iran với Hiệp ước Munich 1938 của châu Âu nhằm xoa dịu phát xít Đức nhưng cuối cùng lại đổ vỡ thành chiến tranh.
Liên minh tình thế
Thực tế lần này cho thấy mọi nỗ lực ngoại giao của Pháp, Đức và Anh tỏ ra vô tác dụng với ông Trump, trong khi Saudi Arabia đã thành công. Mà thật ra Riyadh còn ngầm bắt tay với một sức mạnh khác ở Trung Đông: Israel - đối thủ lớn của Iran.
Saudi Arabia và Israel vốn không ưa nhau, hai nước cũng chưa thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong nhiều năm, Riyadh ra điều kiện bình thường hóa quan hệ là Israel phải rút khỏi vùng đất của người Ả Rập mà họ chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967.
Nhưng kể từ khi "mối đe dọa Iran" và các thế lực Hồi giáo cực đoan vũ trang trỗi dậy, Riyadh và Tel Aviv bỗng nhiên tìm thấy tiếng nói chung. Như người ta thường nói: "Kẻ thù của kẻ thù là bạn".
Mới hôm đầu tháng 4, Thái tử Salman của Saudi Arabia thay đổi hẳn thái độ khi nói về Israel: "Tôi tin rằng mỗi một dân tộc, ở bất cứ đâu, đều có quyền sống trong đất nước thanh bình của họ. Chúng tôi có nhiều lợi ích chung với Israel và nếu hòa bình được thiết lập, sẽ có nhiều lợi ích cho Israel và các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh".
Quả là bất ngờ.
Ngày 30-4, Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định Israel có trong tay bằng chứng về chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Iran, mặc dù ông không trưng ra được dữ kiện nào mới sau thời điểm thỏa thuận hạt nhân được Tehran và nhóm P5+1 ký hồi năm 2015.
Các quan chức Israel thừa nhận họ không biết ông Trump có bị thuyết phục bởi thông tin trên không, nhưng dù sao Tổng thống Mỹ cũng có nhắc đến lập luận của ông Netanyahu trong thông điệp ngày 8-5. Ông Trump tiếp nhà lãnh đạo Israel tại Nhà Trắng hồi tháng 3.
Khi được hỏi Đại sứ Israel tại Washington đã dành bao nhiêu thời gian làm việc để vận động chống lại thỏa thuận hạt nhân Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Israel Michael Oren trả lời Reuters như sau: "Đoán đại nhé? Khoảng chừng đâu đó trên 90% thời gian của ông ấy... Dù sao vấn đề này cũng hết sức hệ trọng đối với ông Netanyahu".
Ông Donald Trump đưa ra thông báo về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Nhà Trắng ngày 8-5 - Ảnh: REUTERS
Châu Âu phát ốm
Tuyên bố của ông Trump là đòn giáng mạnh đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Cả hai người đều cố thuyết phục Tổng thống Mỹ đổi ý về Iran trong các chuyến thăm đến Nhà Trắng trong tháng 4. Cả hai đều thua.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng ráng thân chinh vào phút chót đến Washington nhưng không gặp được ông chủ Nhà Trắng.
Theo giới ngoại giao châu Âu, dù cố hết sức nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu dường như đã nhận ra từ giữa tháng 4 rằng cơ hội thuyết phục ông Trump ở lại với thỏa thuận hạt nhân Iran đang mờ dần.
"Chuyến công du Mỹ của ông Macron (ngày 24-4) là phương sách cuối cùng" - một nhà ngoại giao tại Brussels thổ lộ với hãng tin Reuters. Vị này mô tả chiến dịch ngoại giao của họ hồi tháng trước là "thảm họa".
Trong nhiều tuần lễ, mọi dấu hiệu từ Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ là: "Ông ấy rút (khỏi thỏa thuận)".
Một nhà ngoại giao châu Âu tại Brussels (theo Reuters)
Ngày 9-5, nhóm cường quốc châu Âu chạy đua tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân và bảo vệ chuyện làm ăn của họ với Iran. Các nguồn tin cho biết ông Trump trước đó yêu cầu châu Âu phải làm sao xiết thỏa thuận, bao gồm xử lý chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran, nếu muốn Mỹ ở lại.
Nhưng kiên nhẫn của Washington đã cạn trong lúc châu Âu tìm cách câu giờ. Thứ sáu tuần trước (4-5), Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thông báo cho ngoại trưởng Đức, Anh và một quan chức Pháp rằng Washington sẽ không theo đuổi thương lượng với châu Âu nữa.
Lúc đó các quan chức châu Âu đã tuyệt vọng, một nhà ngoại giao ẩn danh mô tả.
"Chúng tôi nhận ra cần phải câu giờ. Nhưng nếu ông Trump quyết định luôn, tất cả những gì chúng tôi có thể làm là nói với người Iran: làm ơn đừng làm gì dại dột" - vị quan chức kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận