Kể từ thời điểm ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, Iran và Nga - những nhân tố quan trọng trong các cuộc xung đột nổi bật trên thế giới hiện nay - đã bắt đầu đề cập nhiều hơn đến đàm phán.
Iran đã muốn đàm phán
Theo báo New York Times, từ khi ông Trump đắc cử, nhiều quan chức Iran đã thận trọng ra hiệu rằng Tehran sẵn sàng đàm phán, cả trong lúc phe đối lập phản đối giải pháp này.
"Các kênh liên lạc giữa chúng tôi và người Mỹ vẫn còn đó", Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi vừa trả lời báo giới trong tuần này.
Ngày 14-11, New York Times cũng đưa tin tỉ phú Mỹ Elon Musk, cố vấn của Tổng thống đắc cử Donald Trump, đã gặp đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc (UN) Amir Saeid Iravani hôm 11-11.
Bài báo thông tin cuộc gặp diễn ra theo yêu cầu của ông Musk, và tập trung vào việc xoa dịu căng thẳng giữa Tehran và Washington.
Phái đoàn Iran tại UN đã từ chối bình luận về thông tin trên.
Cùng ngày 14-11, chuyển thông điệp đến Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Ngoại trưởng Araghchi cho biết Iran sẵn sàng giải quyết các tranh chấp tồn đọng về chương trình hạt nhân.
"(Chúng tôi) sẵn sàng đàm phán dựa trên lợi ích quốc gia và các quyền bất khả xâm phạm của mình, nhưng không sẵn sàng đàm phán dưới áp lực và sự đe dọa", truyền thông nhà nước Iran trích lời ông Araghchi.
Trong khi đó, các công tố viên liên bang Mỹ ngày 15-11 công bố các cáo buộc đối với 3 người đàn ông liên quan đến các âm mưu mưu sát ở Mỹ được cho là của Iran, trong đó có việc ám sát ông Trump lúc ông còn đang tranh cử.
Về thái độ đối với Iran, tổng thống Mỹ đắc cử Trump gần đây nói ông "muốn thấy Iran thành công".
"Điều duy nhất là họ không thể có vũ khí hạt nhân" - ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn trên Đài Podcast PBD hồi tháng 10.
New York Times nhận định các nhà lãnh đạo Iran xem các chính sách khó đoán, cùng với mong muốn được xem như là "bậc thầy đàm phán" của ông Trump, là dấu hiệu cho thấy ngoại giao vẫn là một biện pháp có khả năng.
"Hiện tại đang có sự thận trọng ở Iran", ông Diako Hosseini, một nhà phân tích chính sách đối ngoại tại Tehran, bình luận.
Theo ông Hosseini, giới lãnh đạo không muốn có "mối quan hệ thù địch với ông Trump trong giai đoạn này", nhưng cũng không muốn "ngay lập tức chào đón" việc ông Trump trở lại nắm quyền.
"Về phía Iran, cánh cửa liên lạc và đàm phán với chính phủ ông Trump không hoàn toàn đóng lại", ông Hosseini nói thêm.
Nga cũng ra tín hiệu
"Ông Trump đã hứa sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine trong một đêm. Được thôi, hãy để ông ấy thử", ông Gennady Gatilov, Đại sứ Nga tại Văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đề cập đến khả năng đàm phán về chiến sự Ukraine giữa Nga và Mỹ.
Ông Gatilov nêu Nga rất hoan nghênh nếu ông Trump khởi xướng hoặc đề xuất điều gì đó để bắt đầu tiến trình chính trị cho vấn đề này.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng và dành nhiều lời khen ngợi cho ông Trump trước tin ông đắc cử.
"Tôi rất mong đợi rằng mối quan hệ của chúng ta với Mỹ cuối cùng sẽ được khôi phục. Chúng ta cởi mở với điều này", ông Putin ra tín hiệu cởi mở hơn cho việc đàm phán với Mỹ.
Tuy vậy, Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) trong bài viết mới nhất nhận định kế hoạch của ông Putin nhằm đạt được sự đầu hàng hoàn toàn của Ukraine vẫn không thay đổi, dù ông tuyên bố sẵn sàng đàm phán với ông Trump.
"Cách Điện Kremlin đang cố gắng đặt ra các điều khoản cho các cuộc đàm phán báo hiệu mạnh mẽ rằng các mục tiêu của Nga vẫn không thay đổi và vẫn dẫn đến sự đầu hàng hoàn toàn của Ukraine", báo Independent dẫn báo cáo của ISW.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận