Nhóm người da màu Black Lives Matter tuần hành trước Trump Tower tại New York ngày 14-1 - Ảnh: Reuters |
Chúng tôi đứng cùng nhau không phải như những con người của thù hằn, mà là những người của hi vọng. Chúng tôi nghĩ đây là cuộc tuần hành đầu tiên của nhiều cuộc khác" |
Theo Reuters, cuộc biểu tình khởi đầu ở Washington, nơi ông Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20-1, với sự tham gia của hàng ngàn nhà hoạt động dân quyền.
Những người biểu tình, phần lớn là da màu thuộc nhóm Mỹ Latin, Mỹ gốc Phi, các chính trị gia, các nhóm người tị nạn, các nhóm vì người đồng tính..., tuần hành dọc National Mall đến công viên gần đài tưởng niệm Martin Luther King hôm 14-1, cách nơi ông Trump nhậm chức cuối tuần này chỉ vài kilômet.
Tuần lễ biểu tình
“Không công lý, không hòa bình” - đám đông hô to dưới cơn mưa lạnh giá ở Washington. Mục sư Al Sharpton, người lãnh đạo cuộc biểu tình, cho biết: “Chúng tôi vẫn diễu hành trong trời mưa vì chúng tôi muốn nước Mỹ hiểu rằng những gì nước Mỹ đã đấu tranh và giành được, những gì chúng ta cần thì không thể bị một cuộc bầu cử làm đảo ngược”. Nhóm tổ chức cho biết cuộc biểu tình ở Washington sẽ khởi đầu làn sóng phản đối trên toàn quốc.
Theo Reuters, khoảng 30 nhóm, hầu hết là các nhóm chống ông Trump, đã nhận được giấy phép biểu tình trong thời gian tổ chức lễ nhậm chức tổng thống và sau đó. Số người tham gia biểu tình trong tuần này có thể lên đến hơn 600.000 người, với đỉnh điểm là ngày nhậm chức 20-1.
Mục tiêu của những người biểu tình là kêu gọi ủng hộ phụ nữ, chăm sóc y tế, giáo dục công, chống phân biệt chủng tộc..., những điều mà ông Trump muốn phá bỏ trong các phát ngôn gây tranh cãi của ông trước đây.
Theo đó, ngày 14-1 là ngày biểu tình cho người nhập cư và các ngày tiếp theo sẽ vì phản đối việc bỏ gói chăm sóc sức khỏe giá rẻ, biểu tình của sinh viên, nhà văn, phụ nữ... Trang Huffington Post thậm chí liệt kê danh sách các địa điểm biểu tình tại các bang từ Arizona, California đến Florida, Hawaii.
Tại Washington, hàng ngàn người biểu tình cũng đã cam kết sẽ cản trở lễ nhậm chức bằng việc chặn các chốt kiểm soát an ninh trên tuyến diễu binh trong lễ nhậm chức.
“Tổng thống hợp pháp”
Cuộc biểu tình ở Washington diễn ra vài giờ sau khi ông Trump “trả miếng” hạ nghị sĩ kỳ cựu John Lewis của Đảng Dân chủ, người cuối tuần trước khẳng định trên Đài NBC rằng Nga giúp ông Trump lên làm tổng thống Mỹ.
Ông Lewis tuyên bố sẽ không tham dự lễ nhậm chức tổng thống sắp tới, lần đầu tiên trong 40 năm qua. Ông Lewis, nhà lãnh đạo dân quyền hơn một nửa thế kỷ qua, cho rằng ông Trump không phải là một “tổng thống hợp pháp”. Hơn một chục chính trị gia Dân chủ cũng tuyên bố tẩy chay buổi nhậm chức.
Đáp trả chỉ trích của biểu tượng dân quyền Mỹ, ông Trump mỉa mai ông Lewis nên làm tốt công việc của mình. “Tất cả chỉ nói, nói, nói, không có hành động hay kết quả gì. Buồn thật” - ông Trump viết trên Twitter.
Các cơ quan chức năng Mỹ đang tăng cường triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh cho lễ nhậm chức của ông Trump. Sự kiện dự kiến thu hút đến 1 triệu người tham gia. Gần 50 cơ quan Mỹ hợp tác bảo vệ an ninh cho lễ nhậm chức.
Theo Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Jeh Johnson, 28.000 nhân viên an ninh, bao gồm lực lượng của Sở Mật vụ, Vệ binh quốc gia, Cục Điều tra liên bang (FBI) và cảnh sát khu vực, sẽ được triển khai để kiểm soát an ninh.
Trọng tâm của lễ nhậm chức là lễ tuyên thệ sẽ diễn ra ở mặt tiền phía tây tòa nhà Quốc hội khi tân tổng thống, cựu tổng thống cũng như các quan chức cấp cao chính phủ và quốc hội đều có mặt.
Theo kế hoạch, các lãnh đạo sẽ được bảo vệ bởi hệ thống kính chống đạn, lực lượng bắn tỉa bảo vệ cũng được triển khai tại các tòa nhà xung quanh. FBI cũng sẽ lắp đặt các máy dò sinh học, hóa học và bức xạ quanh khu vực này. Hoạt động trọng tâm tiếp theo là cuộc diễu binh truyền thống trên đại lộ Pennsylvania, từ tòa nhà Quốc hội đến Nhà Trắng.
Ông Trump gặp tổng thống Nga sau khi nhậm chức? Tờ Sunday Times của Anh ngày 15-1 như đổ thêm dầu vào lửa khi đưa tin ông Trump sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vài tuần sau khi nhậm chức. Dẫn các nguồn từ London, tờ này đưa tin cuộc gặp dự kiến diễn ra ở thủ đô Reykjavik của Iceland trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump. Thông tin từ Đại sứ quán Nga ở Anh cũng xác nhận cuộc gặp. Tuy nhiên, trợ lý của ông Trump sau đó phủ nhận kế hoạch gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ. Ông Trump từng cho biết sẽ dỡ bỏ trừng phạt nếu Nga hỗ trợ cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng như các mục tiêu khác của Mỹ, dù cho biết sẽ duy trì “một thời gian” các biện pháp trừng phạt việc tin tặc Nga tấn công cuộc bầu cử Mỹ. |
Trong dịp cuối tuần, nhóm các luật sư phản đối những chính sách của ông Trump cũng sẽ tổ chức sự kiện ở Washington. Theo báo Guardian, có khoảng 130.000 người, phần lớn là luật sư, đã đăng ký tham gia. “Nhiều chính sách của ông Trump đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản nền tảng của Chính phủ Mỹ” - cô Traci Feit Love, chủ tịch nhóm Lawyers for Good Government, nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận