Chiếc cặp hạt nhân lừng danh nặng khoảng 20kg, luôn theo sát tổng thống Mỹ - Ảnh: AFP
Theo tạp chí Smithsonian, cặp hạt nhân của tổng thống Mỹ bề ngoài trông như chiếc cặp da màu đen bình thường, còn được gọi là "quả bóng hạt nhân", cho phép ông phê chuẩn một cuộc tấn công hạt nhân trong những lúc không có mặt ở trung tâm chỉ huy.
Chiếc cặp được một cố vấn quân sự của tổng thống cầm trên tay và phải luôn ở gần ông vào mọi thời điểm. Tổng thống Mỹ cũng được yêu cầu mang theo bên mình thẻ kỹ thuật số có biệt danh là "biscuit" (bánh quy). Thẻ "biscuit" có chứa các mã chữ và số được sử dụng để xác định tổng thống, người duy trì thẩm quyền hợp pháp, duy nhất ra lệnh phóng hạt nhân.
Trên phim ảnh và tiểu thuyết, chiếc cặp được xem là biểu tượng cho quyền lực tối thượng, một cỗ máy tận thế có thể hủy diệt cả thế giới.
Về thiết kế, cặp hạt nhân có bộ khung bằng nhôm cứng cáp, toàn bộ được bọc bằng lớp da thuộc màu đen. Một chiếc cặp rỗng tương tự cái ông Trump đang xài được trưng bày trong Viện bảo tàng Smithsonian về lịch sử Mỹ.
Khác với những gì người ta nghĩ, bên trong cặp hạt nhân không phải là một cái nút bấm to màu đỏ để phóng tên lửa.
Mục đích chính của nó là xác nhận nhân dạng của tổng thống Mỹ, cho phép ông liên lạc với Bộ chỉ huy quân sự quốc gia nằm ở Lầu Năm Góc - cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi các mối nguy hạt nhân trên khắp thế giới và ra lệnh phản ứng ngay tức thời.
Cuộc chuyển giao khác biệt
Sĩ quan tháp tùng xách cặp hạt nhân bên tay trái, rời chiếc trực thăng tổng thống Marine One - Ảnh: AFP
Cuộc chuyển giao quyền lực trưa 20-1 vừa qua ở Mỹ là cuộc chuyển giao đặc biệt vì ông Trump không dự.
Thông thường, cặp hạt nhân sẽ được kín đáo chuyển giao cho một phụ tá quân sự khác đứng trên hoặc gần khán đài xem lễ nhậm chức khi tổng thống đắc cử tuyên thệ nhậm chức.
Do vậy, theo giải thích của đài NBC của Mỹ, lần này phải thực thi kiểu chuyển giao hạt nhân khác biệt: có 2 cặp hạt nhân.
Một cái vẫn theo ông Trump về khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago và một cái khác được sĩ quan cầm theo đứng gần ông Biden ở Washington.
Đến đúng thời điểm ông Biden chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ thì "thẻ bánh quy" của ông Trump hết hiệu lực, còn "thẻ bánh quy" của ông Biden được kích hoạt. Sau đó, phụ tá cầm "bóng hạt nhân" của ông Trump từ Florida sẽ bay về lại Washington cùng "gói hàng".
Dù quá trình chuyển giao có thể diễn ra hơi khác so với những năm trước đây, nhưng vẫn có những biện pháp bảo vệ để đảm bảo sự chuyển giao quyền kiểm soát hạt nhân từ tổng thống này sang tổng thống kế tiếp suôn sẻ bất kể hoàn cảnh nào, theo ông Stephen Schwartz - thành viên cấp cao không thường trú của Tạp chí các nhà khoa học hạt nhân.
Chuyên gia Schwartz giải thích: "Thường phải có ít nhất 3 đến 4 cặp giống hệt nhau: 1 cặp theo tổng thống, 1 theo phó tổng thống, và 1 dự phòng được dành cho người sống sót được chỉ định theo truyền thống tại các sự kiện như lễ nhậm chức và đọc thông điệp liên bang".
"Vào ngày 20-1, các cặp hạt nhân dự phòng sẽ rời thành phố tới nơi được chỉ định, chỉ để lại cặp của Phó tổng thống Mike Pence trừ khi Văn phòng Quân sự Nhà Trắng đã chuẩn bị (hoặc đã có sẵn) 1 cặp dự phòng khác cho ông Biden" - chuyên gia Schwartz chia sẻ.
Cách dễ nhất để hiểu về điều này là có một sự phân biệt liền mạch về việc "thẻ bánh quy" có giá trị vào trưa. "Thẻ bánh quy" của ông Biden sẽ không hợp lệ lúc 11h59 sáng và thẻ của ông Trump sẽ không hợp lệ lúc 12h01 chiều”
Vipin Narang, chuyên gia chính sách hạt nhân và giáo sư tại MIT giải thích
Tổng thống công du, cặp hạt nhân cũng đi theo
Một chiếc cặp hạt nhân rỗng được trưng bày trong Bảo tàng quốc gia Smithsonian về lịch sử Mỹ - Ảnh: SMITHSONIAN MAGAZINE
Cặp hạt nhân còn cho phép tổng tư lệnh Mỹ lựa chọn các phương án tấn công hạt nhân - ví dụ như tiêu diệt toàn bộ kẻ thù của Mỹ trong một đợt tấn công, hay chỉ làm bốc hơi một thành phố nào đó.
Nguồn gốc của chiếc cặp màu đen là tuyệt mật, người ta đã biết đến từ năm 1962 - giai đoạn cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Tổng thống John F. Kennedy tỏ ra không thích chiếc cặp này chút nào, ông cảm thấy "hơi điên khùng khi hai người đàn ông ngồi ở hai đầu thế giới có thể quyết định tiêu diệt cả nền văn minh".
Từ năm 1962, cặp hạt nhân đã trở thành vật không thể thiếu trong các chuyến công du của tổng thống Mỹ, từng được nhìn thấy ở Quảng trường Đỏ tại thành phố Matxcơva vào tháng 5-1988, trong chuyến công du Liên Xô của Ronald Reagan.
Để vận hành cặp hạt nhân, viên trợ lý phải ở bên cạnh tổng thống vào mọi lúc, và ông phải giữ chiếc thẻ chứa mã xác nhận. Cả hai yếu tố này từng có lúc đã thất bại.
Ví dụ lần Tổng thống Reagan bị ám sát vào tháng 3-1981, viên trợ lý đã bị tách khỏi ông trong lúc hỗn loạn và không kịp đi theo xe cấp cứu đến Bệnh viện Đại học George Washington.
Lúc Reagan được bác sĩ đẩy vào phòng phẫu thuật, người ta cởi hết quần áo và vật dụng của ông, trong đó có chiếc thẻ vận hành cặp hạt nhân.
Một vật quan trọng như vậy mà vất lăn lóc trong chiếc túi nhựa của bệnh viện kể cũng hơi kỳ lạ.
Từng có sự cố ở Trung Quốc?
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump trong Đại lễ đường Nhân dân ngày 9-11-2017 - Ảnh: AFP
Vụ việc hy hữu liên quan đến chiếc cặp hạt nhân xảy ra trong chuyến công du Bắc Kinh của ông Donald Trump hồi tháng 11-2017.
Lúc ông Trump gặp ông Tập Cận Bình trong Đại lễ đường Nhân dân, an ninh Trung Quốc không hiểu vì sao đã chặn đường nhóm quan chức Mỹ, trong đó có người trợ lý cầm chiếc cặp hạt nhân của tổng thống.
Thấy không ổn, một quan chức Mỹ nhanh chóng báo cho tham mưu trưởng John Kelly, và ông đã hối hả chạy đến ra lệnh cho đoàn Mỹ "Chúng ta đi vào". Khi họ bắt đầu di chuyển, một viên chức an ninh được cho là đã "nắm" ông Kelly lại, buộc ông phải đẩy tay người này ra.
Trước tình huống đó, một đặc vụ Mỹ đã ra tay khống chế viên chức Trung Quốc, đè chặt người này xuống mặt đất.
Theo thông lệ, không có quan chức nước ngoài nào được phép đụng đến chiếc cặp hạt nhân của tổng thống Mỹ, sự cố đó khiến lãnh đạo an ninh Trung Quốc phải lên tiếng xin lỗi.
Trang tin Axios cho biết có 5 nguồn tin trong Chính phủ Mỹ xác nhận vụ việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận