Ông Trần Vĩnh Tuyến trao đổi với luật sư Phan Trung Hoài - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Luật sư - VKS tranh luận về đạo đức nghề nghiệp
Đối đáp với luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho ông Trần Vĩnh Tuyến), kiểm sát viên Nguyễn Đức Bằng cho rằng bị cáo Tuyến ghi vào tờ trình chờ xem kết luận thanh tra và ghi thêm chữ mật.
Theo VKS, nếu là văn bản mật thì phải có trình tự thủ tục, văn bản này không phải mật. Nếu là văn bản mật cá biệt thì cần xem xét có dấu hiệu làm lộ bí mật không. Việc ghi chữ mật không đúng thì kiểm sát viên có quyền nhận xét, không có gì là miệt thị bị cáo. Luật sư nâng quan điểm lên là không phù hợp.
"Nếu luật sư tiếp tục như vậy, nếu biết không miệt thị mà tiếp tục phát biểu là miệt thị, tôi sẽ cân nhắc xem xét về việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp luật sư. Nếu luật sư tiếp tục bảo vệ quan điểm, tôi đề nghị luật sư rút lại quan điểm này" - ông Bằng nói.
Đối với ý kiến cho rằng vụ án chưa có thiệt hại, VKS cho rằng việc chuyển nhượng dự án kèm quyền sử dụng đất mà không định giá, đấu giá, quyền sử dụng đất hiện tại vẫn thuộc thẩm quyền của Công ty Phong Phú.
VKS cũng cho biết do VKS đề nghị hủy hợp đồng công chứng chuyển nhượng dự án nên không yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại nhưng thiệt hại đã rất rõ, 672 tỉ đồng là có.
Đối đáp lại, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng từ giấu giếm hiểu theo từ điển là không minh bạch, sợ bị phát hiện. Trong khi tại thời điểm ký quyết định, nếu sợ bị phát hiện sai phạm thì tại sao ông Trần Vĩnh Tuyến lại ký.
Luật sư khẳng định nếu cho rằng bút phê đó là có ý giấu giếm thì VKS đang suy đoán chủ quan theo hướng có tội. Luật sư đề nghị VKS cân nhắc về nguyên tắc suy đoán vô tội đã được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự.
Theo ông Hoài, khi luật sư trình bày, phát biểu ý kiến tại phiên tòa, trên cơ cở các quy định pháp luật, đề nghị VKS xem xét rút lại ý kiến và đề nghị này được phát biểu tại phiên tòa.
Trong 28 bộ quy tắc đạo đức ứng xử của nghề nghiệp luật sư, quy định luật sư không được phát biểu ở nơi công cộng, phát biểu trên phương tiện thông tin đại chúng có ý xúc phạm các cơ quan tiến hành tố tụng.
"Nếu VKS thấy cần có ý kiến về vấn đề này thì chúng tôi tôn trọng ý kiến của VKS và giành cho mình quyền được nêu ý kiến. Chúng tôi sẵn sàng đối diện với việc này cùng với kiểm sát viên để làm rõ một việc rất quan trọng là văn hóa pháp đình" - luật sư Hoài nói.
Ông Trần Vĩnh Tuyến xin khoan hồng cho cấp dưới
Nói lời sau cùng, ông Lê Tấn Hùng - cựu tổng giám đốc Sagri - chậm rãi cảm ơn HĐXX đã tạo điều kiện để ông được trình bày. Ông Hùng xin được khoan hồng để sớm trở về với gia đình.
"Đến giờ phút này, bị cáo đã mất hết tất cả. Cả quá trình, cả cuộc đời bị cáo đã mất hết, phải đối diện với 1 tội danh hết sức đau đớn là tội tham ô. Bị cáo vẫn mong muốn làm rõ. Mấy ngày nay bị cáo cứ suy nghĩ mãi vì lý do gì, tại sao lại bị đề nghị mức hình phạt hết sức cao.
Đến ngày hôm nay, bị cáo vẫn còn hy vọng cuối cùng vào HĐXX. Mong muốn hội đồng xem xét đầy đủ, thấu tình đạt lý để làm sao bị cáo nhận thấy được đúng trách nhiệm của mình.
Mong HĐXX xem xét, có chính sách khoan hồng để bị cáo sớm trở về với gia đình trong những năm cuối cuộc đời" - ông Hùng nói.
Ông Trần Vĩnh Tuyến - cựu phó chủ tịch UBND TP - vẫn giữ nguyên lời khai tại tòa. Ông Tuyến khẳng định không đổ lỗi cho cấp dưới.
"Sau phiên tòa này, tất cả chúng ta phải đối diện với tòa án lương tâm. Tất cả những gì tôi đã nói là trung thực, nếu không trung thực là không tôn trọng HĐXX. Tạo nghiệp thì sẽ bị quả báo" - ông Tuyến nói.
Bên cạnh đó, ông Tuyến cho rằng tất cả thuộc cấp của ông trong vụ án này đều đáng thương hơn đáng trách, xứng đáng được hưởng sự khoan hồng.
Còn ông Trần Trọng Tuấn - cựu giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - thì mong bản án công tâm khách quan theo đúng quy định pháp luật.
HĐXX nghị án và sẽ tuyên án vào 14h ngày 18-12.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận