Sáng 3-5, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thẩm tra về dự Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực
Về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, ông Mẫn nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Theo ông Mẫn, từ năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành kết luận yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết về vấn đề này.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến, đây là chương trình có dự kiến tổng mức đầu tư lớn, diễn ra trong thời gian dài, có phạm vi tác động lớn, nhận được sự quan tâm lớn của cử tri, nhân dân cả nước.
Để chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, chu đáo nhất, theo ông Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết tại hai kỳ họp Quốc hội.
Từ đó, ông đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành hữu quan thực hiện nhiệm vụ thẩm tra theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm kỹ lưỡng, chặt chẽ.
Việc này thực hiện theo nguyên tắc chương trình khi được thông qua phải bảo đảm dễ thực hiện, dễ quản lý, đạt hiệu quả cao.
Cùng với đó, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
Đồng thời, tập trung làm rõ mục tiêu, quy mô, tổng vốn đầu tư, địa điểm, thời gian, tiến độ, cơ chế và giải pháp, chính sách thực hiện bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.
Việc huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phải có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng và trúng đối tượng cần đầu tư, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu, cấp ủy, chính quyền các cấp.
Ông đề nghị thường trực ủy ban tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng các ý kiến phát biểu của các đại biểu, tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 33 (tháng 5-2024).
Tháo gỡ các khó khăn trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
Liên quan đến dự Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), ông Mẫn cho hay tại phiên họp thứ 32 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung này.
Ông nói đây là dự án luật quan trọng, liên quan tới nhiều lĩnh vực và nhiều luật khác, do đó ông đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, nghiên cứu thấu đáo và đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trong đó, dự luật phải bảo đảm các yêu cầu khắc phục được những bất cập, hạn chế, tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa thành các chính sách, quy định cụ thể, có tính khả thi cao; nhất là các chính sách về phát triển công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa; chuyển đổi số trong văn hóa, số hóa di sản văn hóa.
Cùng với đó là hợp tác công tư về phát triển văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa...
Bên cạnh đó, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực xã hội, phân cấp phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số...
Cùng với các ý kiến, trên cơ sở thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 32, ông Mẫn đề nghị ủy ban chủ trì, phối hợp với các cơ quan hoàn thiện công tác thẩm tra, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024) theo đúng quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận