Video ông Trần Quí Thanh khóc khi nghe hai con gái nói lời sau cùng
Ông Trần Quí Thanh xúc động nhắc về vợ
Là người đầu tiên nói lời sau cùng, ông Trần Quí Thanh cảm ơn hội đồng xét xử, viện kiểm sát đã phân tích để bị cáo biết rõ sai lầm của mình.
Ông Thanh nói ông đã trưởng thành từ cô nhi viện và trải qua cuộc sống nhiều thăng trầm, nhiều biến cố và bị cáo đã trả giá nhưng vẫn luôn học hỏi, làm tấm gương cho các con.
Ông nói ân hận về những gì xảy ra trong vụ án và sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
"Đối với gia đình của bị cáo, lao động là giá trị cốt lõi, lao động là vinh quang, là sứ mệnh. Bị cáo với gia đình, cùng gia đình đã làm việc hàng chục năm với mong muốn đóng góp cho xã hội thông qua nghĩa vụ ngân sách, tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp trong hệ thống phân phối, bà con nông dân…
Gia đình của bị cáo có chung sứ mệnh mong muốn xây dựng một tập đoàn của Việt Nam vươn xa thế giới, nên các nhu cầu của từng thành viên được duy trì ở mức tối giản, không tiêu dùng phung phí, xa hoa…
Ai cũng phải chết và không mang theo gì, dù 70 tuổi nhưng bị cáo vẫn làm việc vì muốn đóng góp cho xã hội. Bị cáo muốn đóng góp, để lại cho xã hội sự tự hào về thương hiệu Việt", ông Thanh trình bày.
Cũng theo ông Thanh, vụ việc này không làm thay đổi quyết tâm, nguyện vọng của ông. Ông Thanh khẳng định mình không bỏ cuộc và thẳng thắn nhìn nhận sai lầm của mình và sẽ cố gắng vượt qua.
"Bị cáo xót xa và biết ơn người vợ mình đã 70 tuổi, lại bị tai biến nhưng lại phải nhận điều hành công việc trong công ty trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Bị cáo không có ý định dùng những thành công, đóng góp của mình để biện minh cho sai lầm của mình. Bị cáo mong muốn hội đồng xét xử cho bị cáo cơ hội sửa chữa sai lầm của mình để tiếp tục đóng góp", ông Trần Quí Thanh xúc động nhắc về người vợ của mình.
Hai con gái ông Trần Quí Thanh xin giảm nhẹ cho cha
Bà Trần Ngọc Bích cảm ơn hội đồng xét xử, đại diện viện kiểm sát đã phân tích để bà nhận thức rõ về cái sai của mình.
"Người ba đáng kính của bị cáo là người làm gương, người nói với bị cáo là ba chọn làm việc và sống tại Việt Nam để xây dựng được doanh nghiệp Việt tự hào với quốc tế. Ba của bị cáo còn khuyên cá nhân bị cáo và chị bị cáo là các con là con gái, nên chọn con đường dễ dàng thay vì tham gia doanh nghiệp đầy rủi ro và thách thức.
Tuy nhiên, sống là phải hết mình để cống hiến cho xã hội, không phải để cho riêng mình, phải có đóng góp gì cho đất nước. Cho dù nhỏ hay lớn, sống tiết chế vừa đủ vì chết cũng không mang theo gì", bà Bích nói.
Bà Bích nói rất hối tiếc cho cái sai của mình. Đây là trải nghiệm giúp bà trưởng thành hơn. Bà Bích xin hội đồng xét xử xem xét và có đề nghị khoan dung cho ba, chị và cho cá nhân bị cáo để có thêm cơ hội bù đắp, sửa chữa cho các giá trị còn thiếu sót, chưa hoàn thiện trong thời gian qua.
Trong khi đó, bà Trần Uyên Phương cho biết đã trải qua các giai đoạn thăng trầm về mặt cảm xúc và đã chất vấn bản thân rất nhiều.
"Bị cáo là tác giả, là doanh nhân Việt đầu tiên viết sách tiếng Anh, xuất bản tại Mỹ, kể câu chuyện kinh doanh, sự tự hào về thương hiệu.
Bị cáo vẫn được các nữ tạm giam chung buồng đánh giá là người kỷ luật nghiêm khắc với bản thân.
Ngày hôm nay đứng đây, bị cáo vẫn khẳng định với chính mình một ngày còn thở là một ngày còn cống hiến. Tất cả kết quả và sự ghi nhận trên bị cáo vừa nêu đều được học từ ba bị cáo khi đang sống và làm việc với ông", bà Uyên Phương chia sẻ.
Bà Uyên Phương thừa nhận rất hối tiếc vì sai lầm của mình và qua đó giúp bà trưởng thành hơn.
Bà Phương cũng xin hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ cho cha và em của mình.
Trong thời gian lắng nghe hai con gái nói lời sau cùng, ông Trần Quí Thanh nhiều lần rơi nước mắt vì xúc động.
Dự kiến sáng mai, 25-4 tòa tuyên án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận