Bị cáo Trầm Bê tại tòa - Ảnh: HỮU KHOA
Ngày 24-1, phiên xét xử vụ đại án thất thoát hơn 6.100 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây Dựng (VNCB) vẫn tiếp tục với phần trình bày bài bào chữa của các luật sư dành cho các bị cáo.
Đồng phạm giúp sức
Trong vụ án này, bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội Đồng Tín dụng ngân hàng Sacombank) đã chấp thuận chủ trương cho 6 sáu công ty của Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) vay 1.800 tỉ đồng.
Khoản vay này được bảo lãnh bằng số tiền gửi của VNCB tại Sacombank.
Sau khi vay được tiền, các công ty chuyển lại cho Phạm Công Danh chi tiêu, sử dụng. Khi đến hạn trả nợ, Sacombank thu hồi số tiền gửi khiến VNCB bị thiệt hại 1.800 tỉ đồng.
Với hành vi này, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo Trầm Bê từ 5- 6 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bào chữa cho bị cáo Bê tại tòa, luật sư Trần Quốc Khánh cho rằng khi vay tiền tại Sacombank, Phạm Công Danh không cho Trầm Bê biết mục đích thật của việc sử dụng tiền vay và ông Danh cũng không thông báo về tình trạng mất thanh khoản nghiêm trọng tại VNCB.
Trong khi đó, quan hệ giữa ông Trầm Bê và ông Danh thuần túy chỉ là quan hệ của hai doanh nhân có quen biết.
Từ đó, luật sư Khánh cho rằng việc các cơ quan tố tụng cáo buộc bị cáo Trầm Bê là đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh chiếm đoạt tiền của VNCB là "suy diễn một cách chủ quan và thiếu logic".
Theo luật sư Khánh, trong vụ án này có không ít các quan chức ngân hàng cũng có cùng hành vi như ông Trầm Bê, thậm chí còn ban hành cả văn bản thể hiện ý chí tập thể trong việc thực hiện chủ trương nhận tiền gửi của VNCB tại tổ chức tín dụng của mình để bảo lãnh cho các công ty vay tiền.
"Việc họ làm cũng giống như ở Sacombank nhưng với các nhân vật này thì cơ quan tố tụng lại cho rằng hành vi của họ không cấu thành tội phạm và chỉ đề nghị xử lý hành chính. Trong khi đó lại áp dụng chế tài hình sự với Ông Bê. Việc áp dụng pháp luật như vậy là không công bằng và vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trước pháp luật mọi người đều bình đẳng", luật sư Trần Quốc Khánh kiến nghị.
Cho rằng hành vi của bị cáo Trầm Bê không gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của Sacombank, luật sư Khánh đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo Trầm Bê về tội Cố ý làm trái.
"Tui không cố ý sai’
Tỏ ra mệt mỏi khi được tự bào chữa trước tòa, bị cáo Trầm Bê xin Hội đồng xét xử "cho tui ra ngoài sớm vì tui chỉ làm lợi cho xã hội thôi, đừng sợ tui làm hại xã hội"!
Theo ông Bê, đến khi ra tòa bị cáo mới biết Phạm Công Danh lấy pháp nhân của 6 công ty rồi vay tiền của Sacombank, sau đó dùng tiền vay được để chi tiêu cá nhân.
"Khi cho vay tiền, tui đã ra điều kiện là ông Danh phải có tài sản thế chấp. Ông Danh đáp ứng đủ điều kiện thì tui chỉ đạo Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc SacomBank) làm thủ tục cho vay", ông Trầm Bê trần tình trước tòa.
Bị cáo Bê biện minh mình "không cố ý sai" mà còn cố ý làm khó Phạm Công Danh, đặt ra các điều kiện về tài sản thế chấp mới cho Phạm Công Danh vay tiền.
Về mức án 5-6 năm tù mà mà đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị, bị cáo cho rằng mức án đó là quá nặng với một người "40 năm qua không làm ăn sai pháp luật".
Từ đó, ông Trầm Bê xin tòa giảm nhẹ hình phạt để sớm được ra ngoài làm những điều có ích cho xã hội.
Trước đó, đoàn giám định của Ngân hàng Nhà nước đã kết luận việc Sacmbank cho 6 công ty của Phạm Công vay 1.800 tỉ đồng có nhiều sai phạm như xem xét cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ vốn vay…
Tuy nhiên, đến thời điểm giám định, Sacombank không có thiệt hại trong việc cho VNCB vay tiền mà việc VNCB bảo lãnh cho 6 công ty vay tiền đã gây thiệt hại cho VNCB 1.800 tỉ đồng.
Ngày 25-1, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận