Chiều 12-7, phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu tiếp tục thẩm vấn nhóm bị cáo là cựu quan chức Bộ Ngoại giao về hành vi nhận hối lộ.
Cựu thứ trưởng nhận hàng chục tỉ nhưng "không mưu đồ, không đòi hỏi"
Cựu quan chức cao nhất bị ra tòa trong vụ án này là ông Tô Anh Dũng - cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Trả lời thẩm vấn đầu tiên trong nhóm bị cáo thuộc Bộ Ngoại giao, ông Dũng tỏ ra khá lúng túng, nhiều câu hỏi ông nói "không nhớ chi tiết".
Lời khai của cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng vụ 'chuyến bay giải cứu': nhận phong bì 2 lần
Ông Dũng nhiều lần khẳng định "không gây khó khăn", "không ép buộc" doanh nghiệp phải đưa tiền để được cấp phép "chuyến bay giải cứu".
Ông Dũng khai với chức vụ là thứ trưởng, có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay theo đề xuất của Cục Lãnh sự trước khi xin ý kiến của tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Y tế, Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng).
Ông thừa nhận do biết vai trò của ông, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, đặt vấn đề được giúp đỡ giải quyết các thủ tục liên quan cấp phép.
"Bị cáo có tiếp xúc với một số doanh nghiệp, là những doanh nghiệp đã nêu trong kết luận điều tra. Bị cáo không chủ động mà các doanh nghiệp thông qua các mối quan hệ công tác và nhu cầu tìm gặp. Do bị cáo nể nang và cũng muốn gặp nghe xem họ có vướng mắc gì không", ông Dũng phân trần.
Theo ông, những lần đầu khi doanh nghiệp đến gặp thì "chỉ hỏi thăm năng lực và hướng dẫn họ đến Cục Lãnh sự làm thủ tục chứ không ra điều kiện gì".
Tuy nhiên, sau các cuộc gặp trên, doanh nghiệp được tạo điều kiện trong cấp phép. Sau khi tổ chức chuyến bay, các doanh nghiệp tiếp tục tìm gặp ông Dũng và đưa tiền cảm ơn.
Giải thích cho hành vi nhận tiền của mình, ông Dũng nói: "Sau khi các doanh nghiệp tổ chức bay xong thì họ chủ động liên hệ bị cáo. Bị cáo không có mưu đồ, không đòi hỏi gì. Doanh nghiệp họ đến tiếp xúc bị cáo để cảm ơn".
Mặc dù nhiều lần khai "không đòi hỏi" nhưng cựu thứ trưởng thừa nhận đã được các doanh nghiệp "lót tay" hàng chục tỉ.
Ông Dũng khai lần đầu tiên, tại phòng làm việc của mình ở Bộ Ngoại giao, ông Dũng gặp bà Hoàng Diệu Mơ (tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình) và đã giới thiệu công ty của bà Mơ với Hãng hàng không Vietnam Airlines để tổ chức chuyến bay combo.
Cựu thứ trưởng có tám lần nhận hối lộ của nữ tổng giám đốc Diệu Mơ với tổng số tiền 8,5 tỉ đồng. Trong đó sáu lần ông Dũng nhận tiền tại phòng làm việc và hai lần nhận tiền ở gần cổng trụ sở Bộ Ngoại giao.
Với các doanh nghiệp khác, ông Dũng nhận người nhiều thì 5 tỉ, người ít cũng 25.000 USD. Những lần nhận tiền này cũng diễn ra tại phòng làm việc của thứ trưởng, ngoài quán cà phê hoặc nhà hàng.
Dù nhận số tiền hàng chục tỉ nhưng cựu thứ trưởng nói rằng ở thời điểm ấy không nhận thức được đây là sai phạm.
"Bây giờ bị cáo nhận ra sai phạm, tội của mình nhưng khi triển khai, bị cáo không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm. Bị cáo chỉ nghĩ không làm gì sai theo chủ trương, không bàn bạc với ai, không gây khó khăn cho doanh nghiệp. Khi tổ chức bay xong bị cáo nhận quà nhưng không xem luôn, sau mở ra mới biết là tiền họ cảm ơn. Sau này bị cáo nhận thức được thì cũng rất ăn năn hối lỗi", ông Dũng phân trần.
"Bị cáo sai lầm khi không kiên quyết trả lại tiền"
Ông Vũ Hồng Nam (cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) cho biết quá trình thực hiện nhiệm vụ có nhiều doanh nghiệp liên hệ nhưng bị cáo đều từ chối, chỉ đồng ý duy nhất Công ty Nhật Minh của ông Lê Văn Nghĩa. Do tình hình nguy cấp nên bị cáo chấp nhận đề nghị hợp tác đưa công dân về Khánh Hòa cách ly.
Ngoài ra, thời điểm đó, duy nhất có khách sạn của ông Nghĩa mở cửa, nơi đây cũng được UBND tỉnh phê duyệt làm nơi cách ly.
Cũng theo lời bị cáo Nam, ông Nghĩa có hai lần đưa quà biếu cho ông. Về nhà khi mở gói quà ra ông mới biết bên trong là tiền, lần một 450 triệu và 10.000 USD, lần hai là 50.000 USD.
"Khi mở quà ra biết là tiền bị cáo hơi hoảng. Bị cáo liên hệ trả lại nhưng Nghĩa từ chối. Bị cáo đã sai lầm khi không kiên quyết trả lại tiền, điều này đã khiến bản thân vào vòng lao lý. Đến nay bị cáo rất ân hận", ông Nam khai và cho hay hiện đã nộp lại toàn bộ khoản tiền này.
Trước bục khai báo, ông Đỗ Hoàng Tùng (cựu cục phó Cục Lãnh sự) khai từ tháng 3-2021 được giao nhiệm vụ phụ trách Phòng bảo hộ công dân, tập hợp các đề xuất của doanh nghiệp, báo cáo cục trưởng các đề xuất của doanh nghiệp để thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước.
"Trong thời gian thực hiện phê duyệt các chuyến bay có nhiều đại diện doanh nghiệp gọi điện liên hệ gặp. Thời gian đầu bị cáo không muốn tiếp xúc trực tiếp, chỉ trả lời qua điện thoại để hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hồ sơ. Tuy nhiên sau đó có 15 đại diện doanh nghiệp có liên hệ và gửi tiền cảm ơn bị cáo" - ông Tùng nói và cho hay đã nhận hơn 12 tỉ đồng từ các doanh nghiệp.
Bị cáo Tùng cho hay thời gian đầu nghĩ rằng các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay rất tốt, có lợi nhuận nên gửi tiền cảm ơn và ông đã từ chối.
Nhưng sau đó các doanh nghiệp tiếp tục gửi tiền cảm ơn để mong tạo điều kiện cho các chuyến bay sau nên ông Tùng đã nhận tiền.
"Quá trình làm việc bị cáo nhất thời không kiểm soát được bản thân. Đến nay bị cáo đã nhận thức sâu sắc và nhìn nhận được sai lầm của bản thân, mong được hưởng khoan hồng", ông Tùng cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận