16/09/2013 08:19 GMT+7

Ông thầy mê sách

NGUYỄN THỊ KHÁNH LY
NGUYỄN THỊ KHÁNH LY

TT - Thầy là giáo viên thỉnh giảng của khoa, tôi chỉ biết thầy khi học vô chuyên ngành báo in - xuất bản.

5ZqLOL1X.jpgPhóng to
Ông thầy mê sách Nguyễn Thế Truật - Ảnh: Như Hùng

Thầy cao, ốm nên mang nét quắc thước như ông giáo làng. Thầy bình dân với quần tây, áo sơmi trắng mỗi bữa lên lớp. Giọng thầy trầm trầm, nghe là nhớ hoài.

Buổi đầu tiên, chúng tôi chắc mẩm được nghe “báo cáo” khô khốc về tình hình xuất bản trong và ngoài nước. Cả bọn thất vọng khi thầy nhìn bao quát cả lớp, rồi nhìn vào từng đôi mắt đang chờ đợi và... kể chuyện. Những câu chuyện lôi cuốn về những chân trời mới mà thầy đặt chân đến, về người bạn chung thủy nhất với chúng ta là sách.

Thầy kể, trò say sưa nghe, đặt câu hỏi. Tài liệu về nhà “giải quyết”. Chúng tôi đã mê tít cách học đó. Thầy đi nhiều, giàu có trải nghiệm và chúng tôi như bước vào chuyến đi mới qua mỗi buổi học. Tình hình xuất bản sách và văn hóa đọc ở mỗi nước hiện lên thú vị qua những so sánh và gợi mở trong câu chuyện của thầy, chúng tôi “lượm lặt” đầy túi những cảm nhận riêng, rất dân chủ. Thỉnh thoảng trong phút cao hứng, thầy dừng lại đôi chỗ, đôi mắt như mơ màng về một thời, rồi lại say sưa giảng, để bọn sinh viên lại càng hứng khởi lắng đôi tai nghe ngóng. Thầy khéo, khéo thiệt.

Thầy làm cả bọn thất vọng tập hai. Thầy chẳng cho kiểm tra mớ lý thuyết về xuất bản, những số liệu cũng chỉ nằm yên trên trang sách. “Số liệu là công việc của nhà thống kê, mỗi năm mỗi khác, thầy ép các em nhớ năm nay, năm sau các trò không tự cập nhật là đã trở nên lỗi thời mất rồi” - thầy nói. Bài kiểm tra của thầy là “Hãy xuất bản một cuốn sách”. Cái đề kiểm tra cuối kỳ “hàng độc” làm tất cả ngơ ngác, mà thiệt tình cũng khoái gì đâu. Thử hỏi có ai mà chẳng thích làm ra một sản phẩm “made in” bản thân, với tất cả dấu ấn riêng.

Nói là làm, mỗi nhóm 10 sinh viên, kẻ viết bài, người biên tập, đứa lo phụ trách hiệu đính, dàn trang, thiết kế bìa sao cho bắt mắt, in ấn, sửa morat... Tất tần tật những công việc mới mẻ thử thách chúng tôi thật sự. Chẳng dài dòng văn tự, thầy để chúng tôi làm và tự rút ra.

Và thầy đúng. Cầm trên tay cuốn sách thơm mùi mực in, tinh tươm mà nỗi phấn khích dâng lên quá đỗi. Phần thưởng lớn nhất của bài kiểm tra chẳng phải là những con điểm đẹp như biết bao môn học khác. Phần thưởng cho những ngày chạy deadline, mệt mỏi vì bất đồng ý kiến trong nhóm hay miệt mài bên bàn phím viết bài, biên tập... là một đứa con tinh thần, chạm tay vào thấy đáng yêu quá đỗi.

Những sinh viên năm hai đang tập tành viết lách như được một cú hích động viên. Và chẳng ai bảo ai, tất cả đều dành một sự trân quý đặc biệt cho sách và tập thể những người âm thầm thai nghén nên chúng. Và không dưng mà tất cả ghét bọn in sách giả ghê gớm. Bởi giản đơn, thầy đã cho chúng tôi cơ hội trở thành người trong cuộc, nhúng mình vào một quy trình sản xuất như thế, dù nhỏ thôi, nhưng vừa đủ.

Thầy thường hỏi han sinh viên. Sẽ chẳng thể quên lúc hai thầy trò trò chuyện giữa giờ, góc hành lang trường nhân văn hôm ấy.

Khi đứa trò nhỏ rụt rè kể về những thiệt thòi của một sinh viên tỉnh so với các bạn thành phố như là lời biện hộ cho sự nhạt nhòa của mình trong lớp đại học, thầy đã gạt đi: “Thầy cũng gốc gác từ xứ miền Trung “chó ăn đá, gà ăn sỏi” đây con gái ơi, thầy cũng từng mang cục tự ti bự hơn em nhiều. Nhưng nếu em cứ lấy hoài những điều đó như lý do thì chính em sẽ tự ngáng đường tiến bộ và những cơ hội của mình mất”.

Đứa học trò là tôi sẽ nhớ hoài những lời thầy hôm ấy: “Em muốn thành công và trụ lại thành phố, thật sự muốn chứ?’’. “Dạ có” - tôi gật đầu. “Chỉ cần một cái chìa khóa là ngoại ngữ, những cánh cửa khác sẽ mở ra lần lượt. Hãy học ngoại ngữ mọi lúc với tất cả khả năng, đều đặn như em ăn cơm vậy”.

Điều thầy dặn, tôi vẫn chưa làm được. Tôi lần lượt đứng ra ngoài những cơ hội giao lưu, học bổng cũng bởi lý do thiếu chiếc “chìa khóa vạn năng” ấy. Thất vọng và chỉ biết trách chính mình. Cuối năm ba, gặp lại thầy trong một bài tập phỏng vấn, vốn tiếng Anh vẫn là điểm yếu chết người của tôi. Thầy chỉ bảo: “Em đã nhận ra mình chưa đủ quyết tâm rồi đấy, vẫn còn kịp nhưng phải nhanh lên nghen”.

Bẵng đi thời gian, bởi tôi tự hứa sẽ gặp lại thầy với tâm thế tự tin nhất. Rồi tôi tham gia Mùa hè xanh 2013, đội hình đi tỉnh Đắk Nông cần quyên góp sách để mở thư viện nhỏ cho các em ở địa phương đóng quân. Tôi mạo muội soạn một lá tâm thư gửi thầy nhờ sự giúp đỡ. Lá thư rơi vào im lặng suốt cả tháng, tôi lên đường với nỗi buồn trách: “Thầy không giúp đáng lẽ cũng cho đội một lời hồi âm”. Tôi chẳng hề biết thầy lúc ấy đang đi công tác tận Mỹ.

Lên Đắk Nông một tuần, mong muốn mở thư viện vẫn đau đáu mà lực bất tòng tâm, tôi nín thở vì hồi hộp, gọi thầy. Thầy chẳng nhớ tôi bởi khoảng thời gian quá lâu, nhưng thầy nhận ra học trò báo chí K09, càng hào hứng khi biết chúng tôi mở thư viện cho trẻ em vùng cao. “Thầy có khoảng 500 đầu sách tự để dành, thầy sẽ góp làm thư viện’’. Nghe tới đó mà tôi muốn hét qua điện thoại vì sung sướng.

Bạn tôi chuyển giúp sách kể thầy leo lên gác, lục sách và gói thật cẩn thận thành những thùng ngay ngắn để chuyển lên Đắk Nông. Nhận những cuốn sách quý mà cả đội Mùa hè xanh thấy ấm áp và cứ ao ước gặp “ông thầy hào phóng” của tôi. Thầy nhắn tin: “Chỉ cần số sách đó giúp các em nhỏ có thói quen đọc sách là tốt quá rồi, thầy cảm ơn tụi em”. Chính chúng tôi phải cảm ơn thầy thật nhiều, vậy mà... Còn bạn tham gia Mùa hè xanh 2011 bảo: “Lúc tụi tao tham gia, thầy cũng ủng hộ gần cái thư viện cho tụi nhóc đấy”.

Lời cảm ơn là chẳng thể đủ đầy cho những gì thầy làm, em vẫn muốn cảm ơn thầy, thật nhiều.

Thầy tôi là Nguyễn Thế Truật, là phó giám đốc NXB Trẻ TP.HCM.

NGUYỄN THỊ KHÁNH LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên