Bị cáo Tề Trí Dũng tại tòa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Làm theo chỉ đạo miệng của lãnh đạo
Sau phần xét hỏi với bị cáo Tất Thành Cang (cựu phó bí thư Thành ủy TP.HCM) liên quan việc đồng ý bán 9 triệu cổ phần SADECO cho Công ty Nguyễn Kim, bị cáo Tề Trí Dũng được HĐXX hỏi là có làm theo chỉ đạo của ai như cáo trạng công bố hay không?
Ông Dũng mong HĐXX cho mình được trình bày đủ ngọn ngành câu chuyện. Theo ông Dũng, ông vốn không quen biết ai bên Công ty Nguyễn Kim, tuy nhiên, trong một buổi lễ diễn ra tại Công ty Hiệp Phước thì bị cáo có tham dự.
Buổi đó cũng xuất hiện 2 người của Công ty Nguyễn Kim, trong đó có một người là tổng giám đốc. Khi đó, tổng giám đốc của Nguyễn Kim có nói với bị cáo việc mong muốn được tham gia vào Công ty SADECO, ông Dũng nói mình chỉ là người đại diện phần vốn nhà nước tại SADECO, còn lại việc quyết định ai tham gia vào phải thông qua chủ tịch UBND TP và phó bí thư thường trực Thành ủy lúc bấy giờ là ông Cang.
Nửa tháng sau buổi gặp mặt đó, ông Tề Trí Dũng gặp ông Nguyễn Kim cùng ông Tất Thành Cang và ông Cang có nói với Dũng giúp đỡ Nguyễn Kim.
Giải thích về lời khai chỉ đạo giúp đỡ này, bị cáo Tề Trí Dũng khẳng định "anh Cang không chỉ đạo phát hành cổ phần, cổ phiếu, mà chỉ nói giúp đỡ Nguyễn Kim. Việc phát hành cổ phần này là cả quá trình họp và nghiên cứu, báo cáo của SADECO. Việc phát hành cổ phần này không phải là do chỉ đạo của anh Cang".
HĐXX hỏi tiếp có văn bản hoặc chỉ đạo trực tiếp nào của ông Cang về việc bán cổ phần cho Nguyễn Kim không, bị cáo Tề Trí Dũng khẳng định nếu không có lời nói của anh Cang thì chắc chắn không xúc tiến các công việc sau đó, hoặc nếu không đúng ý và chủ trương của lãnh đạo thì không nên làm.
Bị cáo Tất Thành Cang tại tòa ngày 28-12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Dũng cũng nói, khi làm tổng giám đốc của IPC, ông nhận được rất nhiều chỉ đạo của ông Tất Thành Cang và những chỉ đạo này đều là những chỉ đạo tâm huyết để tốt cho IPC. Vậy nên, khi có lời nói của ông Cang về việc giúp đỡ Nguyễn Kim, ông Dũng coi đây là chỉ đạo để làm việc.
Dù ông Dũng thừa nhận đây chỉ là mở lời của ông Cang, về mặt pháp lý nó không có giá trị, "nhưng theo nhận thức của bị cáo, việc nghe theo ý kiến chỉ đạo miệng của cấp trên chính là vấn đề đạo đức. Tuy nhiên, nếu chỉ đạo này là trái pháp luật thì bị cáo không bao giờ làm", bị cáo Tề Trí Dũng nói.
Gây thiệt hại cho Văn phòng Thành ủy 184 tỉ đồng
Trong hành vi đối với 2 bị cáo này, cáo trạng xác định việc Công ty SADECO phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, ông Tề Trí Dũng có vai trò xuyên suốt từ việc thực hiện các thủ tục hợp tác, thực hiện chủ trương hợp tác với Công ty Nguyễn Kim, đến khi hoàn thành việc phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần.
Sau đó, bị cáo Tất Thành Cang có bút phê "đồng ý" vào tờ trình số 1148/TTr ngày 28-4-2017 của Văn phòng Thành ủy, với giá phát hành cổ phần được xác định cụ thể là 40.000 đồng/cổ phần cho 1 cổ đông chiến lược mà không thông qua đấu giá công khai, không được thẩm định giá.
Ông Cang không chỉ đạo Văn phòng Thành ủy, người đại diện vốn thực hiện theo đúng quy định mà đã bút phê "đồng ý". Hậu quả của việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần tại Công ty SADECO cho Công ty Nguyễn Kim gây thất thoát tài sản của Nhà nước là vốn của Thành ủy TP.HCM184 tỉ đồng.
Ông Tất Thành Cang kêu oan, phủ nhận vai trò chỉ đạo việc bán rẻ cổ phần
Cựu phó bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang nói không đồng ý với 4 nội dung trong cáo trạng. Ông Cang cho rằng mình không chỉ đạo ông Tề Trí Dũng, không có vai trò quyết định trong hoạt động của SADECO.
Ông Cang cho rằng cáo trạng truy tố ông là không đúng.
Thứ nhất, ông Cang khẳng định ông không chỉ đạo ông Tề Trí Dũng liên quan đến nội dung chuyển nhượng vốn SADECO. Nội dung này cáo trạng nêu theo lời khai của ông Dũng. Ông Cang đề nghị đối chất tại tòa để làm rõ.
Thứ hai, ông Cang cho rằng mình không có vai trò chỉ đạo, quyết định và là đầu vụ trong vụ án bởi theo ông, mọi pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế. Đại hội đồng cổ đông SADECO hoạt động tuân theo nguyên tắc đối vốn. Vốn của Văn phòng Thành ủy trong SADECO là 16,7%, không chiếm tỉ lệ phủ quyết đối với hoạt động của HĐQT. Đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy chỉ có 2/7 thành viên nên phần vốn của Văn phòng Thành ủy không có vai trò quyết định hoạt động của SADECO.
Bên cạnh đó, nghị quyết 13 của HĐQT SADECO có 2 nội dung là đại hội đồng cổ đông chỉ tổ chức đại hội sau khi UBND TP có ý kiến cho phép. Nếu UBND TP không đồng ý với phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại SADECO thì nghị quyết này lập tức vô hiệu. Như vậy, tập thể HĐQT SADECO xác định nếu không có sự đồng ý của UBND TP thì sẽ không có nội dung trình hội đồng cổ đông.
Ngoài ra, theo ông Cang, thông báo 495 (thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Cang về việc chấp thuận phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại SADECO) theo nguyên tắc văn bản hành chính của Đảng không phát hành cho SADECO, IPC nhưng đã bị IPC lợi dụng để đưa vào văn bản báo cáo với UBND TP. Đây là sai về nguyên tắc của Đảng trong sử dụng văn bản hành chính.
Ông Cang cho rằng thông báo 495 không có tác động đối với 1 quyết định khách quan, độc lập của UBND TP với phần vốn sở hữu 44%. 44% vốn của UBND TP mới có tính quyết định.
Thứ ba, căn cứ vào Luật quản lý kinh doanh vốn nhà nước, quy chế 119 thì Văn phòng Thành ủy và đại diện vốn Văn phòng Thành ủy không được sử dụng văn bản nội bộ của phó bí thư thường trực với tờ trình 1148 để biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông năm 2017. Thông báo 495 chỉ có giá trị trong phạm vi 16,7% vốn của Văn phòng Thành ủy và chỉ có giá trị trong đại hội cổ đông nếu đại hội đó căn cứ vào tờ trình 12a.
Thứ tư, ông Cang cho rằng ông không phải là người có chức vụ cao nhất được giao quản lý tài sản của Đảng bộ TP. Văn phòng Thành ủy là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý tài sản, tài chính của Đảng, chủ sở hữu vốn góp của kinh tế Đảng. Văn phòng Thành ủy là một cơ quan có pháp nhân độc lập, theo cơ chế thủ trưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận