Ông Tề Trí Dũng tại tòa sáng nay - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cụ thể, ông Dũng khai sau khi nhận được tờ trình của nhóm đại diện vốn trình IPC thì ông phân công cho phòng tài chính kế hoạch tham mưu để trên cơ sở nội dung tham mưu ông Dũng sẽ trình cho hội đồng thành viên. Sau khi có ý kiến hội đồng thành viên thì ông Dũng được phân công báo cáo với UBND TP.
Ông Dũng cho biết các thành viên hội đồng thành viên thống nhất 100% phương án 2 (phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim) thông qua hình thức thư tín.
Đầu tháng 4-2017, ông Dũng thay mặt IPC ký văn bản xin ý kiến UBND TP về phương án phát hành cổ phần tại SADECO dẫn đến việc giảm tỉ lệ sở hữu tại SADECO từ 44% xuống 28,8%.
Sau khi báo cáo, Văn phòng UNBD TP chuyển cho phòng chức năng tham mưu (Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Kế hoạch - đầu tư và hội đồng thành viên IPC). Trong đó, UBND TP giao hội đồng thành viên IPC căn cứ vào đề án tái cơ cấu do UBND TP phê duyệt từ tháng 12-2013, lựa chọn phương án phát hành đảm bảo tối ưu và hợp pháp cho doanh nghiệp nhà nước, thực hiện việc quản lý đầu tư theo nghị định 91.
"Vào thời điểm đó, bị cáo nhận thức là làm đúng quy định pháp luật. Nhưng bị cáo nhầm lẫn giữa việc bán vốn với việc phát hành cổ phần dẫn đến giảm tỉ lệ sở hữu. Khi doanh nghiệp nhà nước không có nhu cầu đầu tư tiếp thì thực hiện chuyển quyền mua. Tại SADECO, khi phát hành thêm cổ phần cho cổ đông chiến lược thì bản thân cổ đông cũ không có quyền mua. Do nhận thức nên đã không thực hiện đúng khoản 5 điều 58", ông Dũng nói.
Ông Dũng cho rằng trong quá trình xin ý kiến UBND TP và UBND giao các sở ngành tham mưu, các sở ngành khi trao đổi với ông thì chỉ băn khoăn SADECO là công ty đang hoạt động có hiệu quả thì có nên giảm tỉ lệ sở hữu hay không, ban đổi mới còn đề nghị không nên giảm tỉ lệ sở hữu mà tăng lên 38%, không ai nói việc phát hành này là không đúng.
"Tại thời điểm đó, các thành viên hội đồng thành viên đều nhận thức mình làm đúng. Đến nay, bị cáo nhận thức rõ việc phát hành cổ phần cho Nguyễn Kim là sai, bị cáo rất hối hận. Bị cáo xin nhận thiếu sót của bản thân tại thời điểm đó.
Theo nhận thức của bị cáo, SADECO là công ty có vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (IPC), có vốn đầu tư của Văn phòng Thành ủy. Bị cáo nhận thức SADECO có nguồn vốn xuất phát từ nguồn vốn nhà nước.
Nghị định 91 quy định rõ các đơn vị có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp là các công ty như IPC, còn SADECO thì thuộc đối tượng đơn vị có vốn đầu tư ra ngoài của doanh nghiệp nhà nước. Dẫn đến tại thời điểm 2017 bị cáo nhận thức sai SADECO không có vốn nhà nước mà chỉ là vốn của doanh nghiệp nhà nước", ông Dũng khai.
Theo ông Dũng, hội đồng thành viên SADECO có 7 thành viên, trong đó 5 người là cán bộ, đảng viên, 2 thành viên là vốn tư nhân. Trong tất cả hoạt động của SADECO, đặc biệt là những công việc quan trọng, IPC đều lắng nghe, tôn trọng và thực hiện theo ý kiến Văn phòng Thành ủy theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo. Trong hoạt động của SADECO trong nhiều năm, chưa bao giờ có biểu quyết nào mâu thuẫn với ý kiến Văn phòng Thành ủy.
"Việc phát hành cổ phần, trong biên bản họp hội đồng thành viên, chúng tôi cũng ghi rõ việc phát hành cổ phần này chỉ được đưa ra hội đồng cổ đông sau khi có ý kiến đồng thuận của Thành ủy và UBND TP. Với quan điểm như vậy, nếu không có văn bản số 495 thì việc phát hành sẽ ngừng lại", ông Dũng nhấn mạnh.
Sau khi gửi văn bản xin ý kiến UBND, ông Nguyễn Hữu Tín, lúc này là phó văn phòng UBND TP, gọi cho ông Dũng nói rõ Văn phòng UBND TP chỉ trình cho thường trực sau khi có ý kiến của Thường trực Thành ủy.
Do đó, sau này trong báo cáo của IPC gửi thường trực UBND TP vào tháng 6-2017 có nội dung Thường trực Thành ủy đã đồng ý phương án này.
"Văn bản chỉ đạo số 495 của đồng chí phó bí thư thường trực là rất quan trọng để 5/7 thành viên hội đồng thành viên SADECO biểu quyết phương án phát hành", ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận