Truyền thông Trung Quốc không hó hé một lời nào về cuộc không kích của Mỹ vào Syria trong suốt thời gian ông Tập Cận Bình ở Mỹ. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) sải bước trên bãi cỏ xanh rộng lớn của khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago - Ảnh: NYT |
Khi chuyên cơ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hạ cánh ở Bắc Kinh, truyền thông chính thống Trung Quốc bắt đầu lên tiếng chỉ trích cuộc không kích của Mỹ vào Syria.
Trước đó, trong thời gian ông Tập còn là khách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, báo đài Trung Quốc đã không nhắc tới hay nhận định vụ không kích Syria.
Tân Hoa xã và các báo đài khác chỉ tập trung cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo, nhấn mạnh những cái bắt tay nồng ấm, mô tả bãi cỏ xanh hay những căn phòng trang trí đẹp cầu kỳ ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hơn là bày tỏ sự ngạc nhiên về hành động quân sự của Mỹ.
Tuy nhiên khi ông Tập vừa về tới nhà, Tân Hoa xã đã bắt đầu lên tiếng, mô tả hành động của ông Trump là việc làm của kẻ thất thế đang muốn "lên gân".
Trong một bài xã luận ngày 8-4, cơ quan này nhận định việc ông Trump tấn công Syria là để dập tắt những nghi kị ông thân Nga - quốc gia có quan hệ gần gũi với Syria.
Bài viết của Tân Hoa xã không nhắc tới CHDCND Triều Tiên, nhưng đề cập tới các vụ tấn công bằng tên lửa khác của Mỹ vào Libya năm 1986 và Sudan năm 1998, nói đó là các hành động mang tính trả đũa khi Washington "không đạt được các mục tiêu chính trị".
"Đó là một chiến thuật điển hình của Mỹ, gửi một thông điệp chính trị mạnh mẽ bằng cách tấn công nước khác bằng máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình" - bài xã luận viết.
Theo truyền thông Mỹ, quyết định tấn công Syria được Tổng thống Trump đưa ra sáng 6-4, ngày ông Tập tới Mỹ. Tối hôm đó, ngay trong khi hai nhà lãnh đạo đang dùng bữa tối, chuyện trò và nhấm nháp rượu vang, tên lửa Mỹ đã bắt đầu được phóng đi từ Địa Trung Hải.
Cho tới khi cuộc không kích kết thúc, ông Trump mới thông báo cho nhà lãnh đạo Trung Quốc về vụ tấn công và phản ứng sau đó của ông Tập, theo lời của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson được New York Times dẫn lại, là "ông ấy đã bày tỏ sự thấu hiểu, rằng đó là sự trừng phạt cho cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học giết chết nhiều trẻ em".
Tuy nhiên, đó chỉ là mô tả của ông Tillerson. Trên thực tế, theo New York Times, ngay cả đối với truyền thông trong nước, ông Tập cũng rất hiếm khi lên tiếng. Điều này làm việc xác định quan điểm của nhà lãnh đạo Trung Quốc về vụ không kích, hay chí ít là ông Tập đã thể hiện nó như thế nào với ông Trump, gần như là không thể.
Trong một diễn biến liên quan, sau khi gặp tổng thống Trump, trên đường trở về, chủ tịch Trung Quốc đã ghé thăm và có cuộc gặp với lãnh đạo bang Alaska của Mỹ. Chuyên cơ chở ông Tập đã đáp xuống thành phố Anchorage, Alaska để tiếp liệu trên đường trở về từ Florida, Mỹ. Đối với truyền thông quốc tế, việc ông Tập ghé Alaska là một bất ngờ. Tuy nhiên, trên trang web của Thống đốc Alaska Bill Walker, Bắc Kinh đã thông báo về chuyến thăm của ông Tập tới bang này từ tháng trước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận