29/05/2019 17:22 GMT+7

Ông Tập: 'Trung Quốc không tìm kiếm vùng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương'

PHÚC LONG - Ý NGUYÊN
PHÚC LONG - Ý NGUYÊN

TTO - Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi tiếp đón Thủ tướng Vanuatu tại Bắc Kinh hôm qua (28-5). Nhưng chỉ bấy nhiêu có lẽ chưa thuyết phục nổi khối phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Úc.

Ông Tập: Trung Quốc không tìm kiếm vùng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Thủ tướng Vanuatu Charlot Salwai (trái) bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại sảnh đường Nhân dân ngày 28-5 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, hôm qua (28-5) Chủ tịch Tập Cận Bình đã long trọng đón tiếp Thủ tướng Vanuatu Charlot Salwai tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Vanuatu là một quốc gia - quần đảo nhỏ ở tây nam Thái Bình Dương.

Tại cuộc gặp, ông Tập cam kết Trung Quốc giữ vững các nguyên tắc "chân thành, kết quả thật sự và niềm tin tốt đẹp" nhằm tăng cường hợp tác với các đảo quốc ở Thái Bình Dương. 

"Chúng tôi không có lợi ích riêng nào ở các đảo quốc, và không tìm kiếm cái gọi là vùng ảnh hưởng. Các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều là thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế" - ông Tập lên tiếng trấn an.

Ông Tập bổ sung thêm: Trung quốc "sẽ luôn là người bạn và đối tác tốt", và luôn phản đối "chủ nghĩa Sô vanh siêu cường".

Thông điệp của ông Tập có thể hiểu được chuyển đến các nước phương Tây, tiêu biểu là Mỹ và Úc. Vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương là mối lo của Washington và Canberra.

Thông điệp trên được đưa ra ngay trước ngày Thủ tướng Scott Morrison và nội các mới của Úc tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới. Thủ tướng Úc Scott Morrison dự kiến sẽ công du quần đảo Solomon tuần tới.

Ngoài ra, ông Tập nói Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường hợp tác công nghệ nông nghiệp với Vanuatu và khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư. 

Năm ngoái, Vanuatu và Trung Quốc từng bác bỏ một thông tin nói rằng Bắc Kinh muốn thiết lập hiện diện quân sự thường trực.

Đầu tháng 4-2018, báo Fairfax Media của Úc dẫn các nguồn giấu tên cho biết Bắc Kinh chưa đưa ra đề nghị chính thức nhưng đã có những thảo luận sơ bộ với chính quyền Vanuatu về việc thiết lập một căn cứ quân sự đầy đủ.

Ngoại trưởng Úc khi đó, bà Julie Bishop, lập tức tuyên bố đã nhận được lời đảm bảo từ chính quyền Vanuatu về việc không có đề nghị chính thức nào từ Bắc Kinh nhưng bà không xác nhận đã có cuộc thảo luận sơ bộ nào giữa Vanuatu với Bắc Kinh hay không.

"Chính quyền Vanuatu khẳng định không có đề nghị chính thức nào từ Bắc Kinh nhưng phải thấy rằng Trung Quốc đang đổ ra đầu tư hạ tầng khắp thế giới" - bà Bishop phát biểu trên Đài phát thanh ABC của Úc sáng 10-4-2018.

"Tôi tin tưởng rằng Úc vẫn luôn là đối tác chiến lược mà Vanuatu lựa chọn" - Ngoại trưởng Úc nhấn mạnh hàm ý nhắc nhở.

Trong bài phát biểu về chính sách lớn vào đầu tháng 11-2018, Thủ tướng Scott Morrison từng cho biết Canberra sẽ chi nhiều tỉ USD cho quỹ giúp các quốc đảo ở Thái Bình Dương xây dựng cơ sở hạ tầng.

Mục đích của ông là khôi phục Thái Bình Dương thành "tiền tuyến và trung tâm" trong triển vọng nước ngoài của Úc.

Thái Bình Dương còn là vùng cạnh tranh giữa Trung Quốc và Đài Loan - vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại giao với một số đảo quốc. 

Tuần trước, một quan chức cấp cao Mỹ kêu gọi các đảo quốc Thái Bình Dương có quan hệ ngoại giao với Đài Loan nên duy trì chúng trong bối cảnh Trung Quốc liên tục gây sức ép để cô lập vùng lãnh thổ này.

Đại sứ Mỹ tại Úc cáo buộc Trung Quốc dùng chiêu "ngoại giao vay nóng" Trung Quốc cấm nhập than đá Úc, căng thẳng leo thang Bị cấm lưu trú, tỉ phú Trung Quốc nói Úc là ‘đứa trẻ to xác’
PHÚC LONG - Ý NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên