
Ông Tập Cận Bình và các đại diện doanh nghiệp tư nhân tại buổi tọa đàm hôm 17-2 - Ảnh: XINHUA
Theo Tân Hoa xã, sáng 17-2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự hội nghị tọa đàm về doanh nghiệp tư nhân tại Bắc Kinh. Sau khi nghe các bài phát biểu từ đại diện doanh nhân, ông Tập đã có bài phát biểu về việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và lĩnh vực công nghệ cao.
Đây là cuộc tọa đàm quy mô lớn về doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được tổ chức sau hơn sáu năm (kể từ năm 2018), nhằm để củng cố niềm tin vào nền kinh tế tư nhân và khôi phục kỳ vọng của các doanh nghiệp tại Trung Quốc.
Quan tâm công nghiệp truyền thống lẫn công nghệ cao
Theo thông tin từ Tân Hoa xã, hội nghị có sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao, bao gồm Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường, Phó thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường và người chủ trì tọa đàm là Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh.
Ông Tập gặp các ông lớn công nghệ, tăng sức cạnh tranh cho kinh tế tư nhân
Trong hội nghị, một số lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu cũng có mặt, trong đó đáng chú ý là chủ tịch Contemporary Amperex Technology (CATL) Tằng Dục Quần, nhà sáng lập Alibaba Mã Vân (Jack Ma), chủ tịch Tencent Mã Hóa Đằng và nhà sáng lập DeepSeek Lương Văn Phong.
Các doanh nhân khác như nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, chủ tịch BYD (By Your Dream) Vương Truyền Phúc, chủ tịch New Hope Group Lưu Vĩnh Hảo, chủ tịch Will Semiconductor Vu Nhân Vinh, giám đốc điều hành Unitree Robotics Vương Hưng Hưng, chủ tịch Xiaomi Lôi Quân cũng tham gia phát biểu, đưa ra các ý kiến, đề xuất nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tư nhân. Điều này cho thấy Trung Quốc đang quan tâm đến cả ngành công nghiệp truyền thống và công nghệ cao.
Trong bài phát biểu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của nền kinh tế tư nhân tại Trung Quốc và mô tả vai trò của nền kinh tế tư nhân là "đạt quy mô lớn và chiếm tỉ trọng đáng kể" trong nền kinh tế của Trung Quốc.
Ông Tập cũng chỉ ra những thách thức mà doanh nghiệp tư nhân đang đối mặt, bao gồm rào cản trong việc tiếp cận nguồn lực sản xuất và thị trường, các vấn đề liên quan đến công nợ và các hành vi lạm thu, lạm phạt, lạm kiểm tra, đồng thời kêu gọi cần loại bỏ các rào cản này và xử lý vấn đề nợ đọng của các doanh nghiệp tư nhân.
Tăng sức cạnh tranh cho kinh tế tư nhân

Chủ tịch CATL Tằng Dục Quần, nhà sáng lập Alibaba Mã Vân (Jack Ma) và chủ tịch Xiaomi Lôi Quân tại hàng ghế đầu của buổi tọa đàm - Ảnh: CCTV
Bên cạnh kêu gọi xử lý các thách thức mà doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt, ông Tập cũng nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân, mở rộng lĩnh vực cơ sở hạ tầng cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp này.
Theo các chuyên gia, hội nghị tọa đàm lần này đã mở ra một diễn đàn quan trọng để các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc trình bày những khó khăn và cơ hội trong bối cảnh kinh tế thay đổi.
Trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ với Mỹ ngày càng gay gắt và sự biến động do khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc, nước này đang thúc đẩy các chính sách nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và cải thiện môi trường kinh doanh để tăng cường sức cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.
Những biện pháp này không chỉ giúp củng cố vị thế của doanh nghiệp trong nước mà còn hỗ trợ Trung Quốc duy trì ổn định và phát triển trong một môi trường kinh tế toàn cầu đầy bất ổn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự thành công của các chính sách này phụ thuộc vào khả năng thực thi và việc chuyển hóa các biện pháp hỗ trợ thành hành động cụ thể. Điều này sẽ tạo động lực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận