15/10/2021 07:26 GMT+7

Ông Tập Cận Bình: Hệ thống chính trị dân chủ của Trung Quốc là 'sáng tạo vĩ đại'

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Nhà lãnh đạo Trung Quốc lập luận nền dân chủ thực sự không phải là những lời nói khoa trương hay các cam kết trong lúc tranh cử, mà là để giải quyết các vấn đề của nhân dân.

Ông Tập Cận Bình: Hệ thống chính trị dân chủ của Trung Quốc là sáng tạo vĩ đại - Ảnh 1.

Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh hệ thống chính trị Trung Quốc là "dân chủ toàn bộ quá trình", và cho rằng không nên đánh giá tất cả hệ thống chính trị bằng một tiêu chí giống nhau - Ảnh: THX

Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại một cuộc họp đảng ngày 14-10 là một phần trong các nỗ lực của Trung Quốc nhằm bảo vệ hệ thống chính trị của nước này trước các chỉ trích và phê phán từ Mỹ, theo báo South China Morning Post (SCMP).

Trong cuộc họp, ông Tập đã ca ngợi hệ thống chính trị của Trung Quốc là một "sáng tạo vĩ đại" và là chìa khóa dẫn đến thành công toàn cầu của nước này. 

Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, sự cạnh tranh giữa các hệ thống chính trị là một phần trong cạnh tranh giữa các nước và với hệ thống chính trị của mình, Bắc Kinh có thể giành được ưu thế.

"Lịch sử và thực tế đã chỉ ra rằng một quốc gia ổn định nếu hệ thống của nó ổn định, và một quốc gia mạnh nếu hệ thống chính trị của nó vững mạnh", chủ tịch Trung Quốc nêu lập luận.

Theo ông Tập, nền dân chủ thực sự không phải là những lời nói khoa trương hay những cam kết được đưa ra trong lúc vận động tranh cử, ám chỉ cách thức hoạt động của các hệ thống chính trị phương Tây. 

"Nếu chỉ có những lời hứa cao xa trước các cuộc bầu cử và không có tiếng nói cho nhân dân sau bầu cử thì một nền dân chủ như vậy không phải là một nền dân chủ thực sự", nhà lãnh đạo Trung Quốc lập luận.

"Nền dân chủ không phải là vật trang trí. Dân chủ là để giải quyết các vấn đề thực sự của người dân", ông Tập khẳng định.

Ông Qin Qianhong, giáo sư luật của Đại học Vũ Hán (Trung Quốc), nhận xét bài phát biểu của ông Tập là một phản ứng rõ ràng của Bắc Kinh trước sức ép của Washington trong vấn đề nhân quyền và các giá trị dân chủ.

"Chính quyền Joe Biden đã sử dụng những cách khác nhau để gây áp lực với Trung Quốc so với người tiền nhiệm Donald Trump", ông Qin nhận định.

Tổng thống Biden dự kiến ​​sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ đầu tiên vào tháng 12 tới, sự kiện mà Bắc Kinh sẽ theo dõi chặt chẽ để xem liệu các đại biểu từ Đài Loan có được mời hay không. Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và phản đối mọi sự tiếp xúc cấp cao giữa các nước với hòn đảo này.

Trong bài phát biểu ngày 14-10, ông Tập nhấn mạnh việc đánh giá tất cả các hệ thống chính trị theo một tiêu chuẩn duy nhất là "phi dân chủ". 

Theo ông Tập, để đánh giá liệu hệ thống chính trị của một quốc gia có dân chủ hay hiệu quả hay không, cần kiểm tra xem có sự chuyển giao quyền lãnh đạo có trật tự và hợp pháp hay không, liệu người dân có thể quản lý các công việc nhà nước, các vấn đề xã hội, kinh tế và văn hóa trong khuôn khổ pháp luật không, quyền bày tỏ nhu cầu của người dân như thế nào,...

Theo giáo sư Qin, những gì ông Tập vừa nói ở trên là một sự so sánh rõ ràng giữa cuộc bạo loạn ở Điện Capitol (Mỹ) vào tháng 1-2021 với những bước chuẩn bị vững chắc của Trung Quốc cho Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm tới.

Vừa trở lại Hội đồng nhân quyền LHQ, Mỹ đánh tiếng sẽ để ý tới Trung Quốc Vừa trở lại Hội đồng nhân quyền LHQ, Mỹ đánh tiếng sẽ để ý tới Trung Quốc

TTO - Với 168/193 phiếu thuận, Mỹ đã được bầu trở lại Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ). Đại sứ Mỹ tại LHQ tuyên bố Washington sẽ tập trung vào tình hình ở Trung Quốc, Afghanistan, Syria, Ethiopia và Yemen.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên