Cụ thể, ông Tập sẽ thăm Pháp, Serbia và Hungary từ ngày 5 đến 10-5 nhằm tăng cường quan hệ với Liên minh châu Âu.
Ngày 29-4, Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Lâm Kiếm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói điểm dừng ở Pháp trong chuyến thăm châu Âu cho thấy quan hệ song phương vẫn duy trì lành mạnh và cả hai nước đã có liên lạc chiến lược và hợp tác thực tế.
"Đã đến lúc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Pháp lên một tầm cao mới và tạo động lực mới cho sự phát triển lành mạnh của quan hệ Trung Quốc - Liên minh châu Âu, đóng góp mới cho hòa bình, ổn định, phát triển và tiến bộ trên thế giới", ông Lâm nói.
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng chuyến thăm của ông Tập nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ song phương.
"Các cuộc trao đổi sẽ tập trung vào các cuộc khủng hoảng quốc tế, trước hết là cuộc chiến ở Ukraine và tình hình ở Trung Đông, các vấn đề thương mại, hợp tác khoa học, văn hóa và thể thao", Hãng tin AFP dẫn lời cơ quan trên thông báo.
Ngoài ra, ông Tập và ông Macron cũng sẽ thảo luận về "các hành động chung nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, đặc biệt là tình trạng khẩn cấp về khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và tình hình tài chính của các quốc gia dễ bị tổn thương nhất".
Thời gian qua, các tranh chấp thương mại ăn miếng trả miếng lẫn nhau đã khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu trở nên căng thẳng.
Mới đây, Pháp ủng hộ cuộc điều tra chống trợ cấp của Ủy ban châu Âu đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau đó, Bắc Kinh đã tiến hành cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh, một động thái được cho là nhằm vào Paris.
Mở cửa phương Đông
Sau Pháp, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ thăm Serbia và Hungary, "đối tác hợp tác quan trọng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy sáng kiến Vành đai và con đường cũng như sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu".
Dù chỉ là quốc gia nhỏ ở châu Âu với 9,6 triệu dân, Hungary đã thu hút hàng loạt dự án lớn của Trung Quốc trong những năm gần đây, chủ yếu liên quan đến sản xuất pin và xe điện.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã ủng hộ chính sách đối ngoại "Mở cửa phương Đông" kể từ khi ông trở lại nắm quyền vào năm 2010, tìm kiếm mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc, Nga và các nước châu Á khác.
"Mọi nước đều có thể giao thương với những nước khác. Và công việc của từng quốc gia là xây dựng mạng lưới kết nối bảo vệ họ khỏi sự phụ thuộc đơn phương", ông Orban nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận